Thụy Điển tiến gần hơn tới NATO
Với việc quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO, trở ngại cuối cùng giờ chỉ còn lại Hungary. Thủ tướng Hungary cũng đã tái khẳng định sự ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập NATO. Vấn đề chỉ là thời gian cho cuộc bỏ phiếu của quốc hội Hungary.
3 tháng sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đệ trình lên Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ dự luật phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, các nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ việc phê chuẩn dự luật vào ngày 23/1. Sau cuộc tranh luận kéo dài 4 giờ, 287 trong số 346 nghị sĩ đã bỏ phiếu đồng ý, 35 phiếu chống và số còn lại bỏ phiếu trắng. Sau đó, ông Erdogan đã ký dự luật thành luật.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh cuộc bỏ phiếu và nói rằng ông kỳ vọng Hungary cũng sẽ phê chuẩn Thụy Điển “càng sớm càng tốt”. Sau sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary trở thành quốc gia duy nhất chưa phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã ám chỉ sự ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO bằng cách mời Thủ tướng Kristersson đến thăm để đàm phán về vấn đề này.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO có ý nghĩa rất quan trọng. Trước đây, Ankara nhất quyết không chấp thuận Thụy Điển gia nhập khối vì một số vấn đề. Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu lên mối lo ngại, đặc biệt là về hoạt động của các nhóm người Kurd và các hạn chế xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Do đó, vào tháng 6/2022, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển đã ký một bản ghi nhớ chung nêu rõ các bước họ sẽ thực hiện để giải quyết những lo ngại của Ankara và đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ hỗ trợ mời Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO. Nhưng, trong khi hầu hết các nước NATO nhanh chóng phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan thì Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary lại trì hoãn quá trình này. Cuối cùng, họ đã ký kết cho Phần Lan gia nhập nhưng vẫn khiến Thụy Điển phải chờ đợi.
Trong hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7/2023 ở Vilnius, ông Erdogan tuyên bố sẽ gửi bản phê chuẩn Thụy Điển tới Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vì hai nước xác nhận rằng đã “phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết những lo ngại an ninh chính đáng của Ankara” và “là một phần của quá trình đó, Thụy Điển đã sửa đổi hiến pháp, thay đổi luật pháp của mình”, mở rộng đáng kể hợp tác chống khủng bố và tiếp tục xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ”.
Nhưng, sự trì hoãn vẫn tiếp tục. Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng việc phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO như một công cụ đàm phán, bao gồm cả nỗ lực để được chấp thuận mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. Cho đến ngày 23/1, cuối cùng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu chấp thuận sau khi đạt được một số nhượng bộ từ phía các đồng minh Mỹ và NATO. Hiện tại chỉ còn lại Quốc hội Hungary chưa phê chuẩn.
Lãnh đạo Hungary chưa đưa ra lý do rõ ràng cho sự trì hoãn này, dù đích thân Thủ tướng Orbán đã lên tiến khẳng định sự ủng hộ đối với Thụy Điển. Trong nước, các chính trị gia cấp cao của đảng Fidesz cầm quyền đã lập luận rằng sự chậm trễ là do Thụy Điển chỉ trích tình trạng dân chủ Hungary. Về mặt chính thức, Hungary chưa đưa ra bất kỳ sự phản đối thực chất nào đối với việc NATO kết nạp Thụy Điển. Không giống như Ankara, nơi tổ chức các cuộc đàm phán có cấu trúc chặt chẽ với Phần Lan và Thụy Điển, Budapest không đưa ra bất kỳ yêu cầu cụ thể nào.
Hungary là một ngoại lệ trong liên minh phòng thủ phương Tây: mặc dù vẫn là thành viên tích cực của NATO nhưng các quan chức cấp cao Hungary vẫn thường xuyên gặp gỡ những người đồng cấp Nga và thường công khai chỉ trích các chính sách của phương Tây đối với Moscow.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết, ông đã có một “cuộc gọi tốt đẹp” với Thủ tướng Orbán. “Tôi hoan nghênh sự ủng hộ rõ ràng của Thủ tướng Orbán và chính phủ của ông đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO. Tôi mong chờ được phê chuẩn ngay khi quốc hội triệu tập trở lại”, ông nói.
Việc gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan có giá trị chiến lược cao đối với NATO. Vị trí địa lý của hai nước củng cố đáng kể vị thế của khối này ở phía Bắc, biến biển Baltic thành vùng nước của riêng NATO. Thụy Điển và Phần Lan cũng mang lại năng lực quân sự tiên tiến cho khối. NATO đã phát động cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 - cuộc tập trận lớn nhất trong nhiều thập kỷ, với sự tham gia của khoảng 90.000 binh sĩ từ 31 quốc gia NATO và Thụy Điển.
Việc mở rộng về phía Bắc cũng có giá trị biểu tượng. Trước công chúng, các thành viên NATO đã nói rõ rằng giờ đây mọi ánh mắt đang đổ dồn vào Budapest. Bộ Ngoại giao Đức viết trên Twitter: “Đã đến lúc Hungary phải hoàn tất các bước còn lại để có thể chào đón những người bạn Thụy Điển gia nhập liên minh”. Giải thích về sự trì hoãn của Hungary, ông Balázs Orbán, Giám đốc chính trị của Thủ tướng Hungary cho biết, “chúng tôi rất coi trọng các cam kết quân sự và tư cách thành viên NATO của mình” và rằng “Chính phủ Hungary ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập NATO”.
Ngay sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO, Thủ tướng Hungary Orbán đã ngỏ lời mời Thủ tướng Thụy Điển Kristersson sang Hungary để đàm phán về vấn đề này. Trong thư mời gửi cho Thủ tướng Thụy Điển, ông Orbán viết: “Tôi tin rằng một cuộc đối thoại chuyên sâu hơn có thể góp phần củng cố niềm tin giữa các quốc gia và thể chế của chúng ta, từ đó cho phép tăng cường hơn nữa các thỏa thuận chính trị và an ninh của chúng ta”.
Bức thư được gửi đến Stockholm với sự ngạc nhiên và thận trọng. Thủ tướng Kristersson chưa có phản hồi nào. Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nói rằng trước khi phản hồi, chính phủ cần phải “suy nghĩ kỹ xem lá thư báo hiệu điều gì”.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/thuy-dien-tien-gan-hon-toi-nato-i721642/