Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 23)
Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử 'Thủy hải chiến Việt Nam' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.
XII. VAI TRÒ CỦA THỦY QUÂN VIỆT NAMTRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC
THỦY QUÂN THỜI SƠ KHAI
Kỳ 23.
Nằm trên bán đảo Đông Dương, ở về phía Đông Nam Châu Á, Việt Nam vừa nối liền với lục địa Châu Á vừa tiếp giáp với Thái Bình Dương. Với vị trí địa lý như vậy, Việt Nam hoàn toàn nằm trong vòng đai nhiệt đới. Tuy vậy khí hậu Việt Nam lại không thuần nhất là nhiệt đới, đất nước ta vốn dài, khí hậu miền Nam, miền Bắc thường có sự khác nhau.
Vị trí địa lý như vậy đã tạo nên tính chất phong phú của thiên nhiên Việt Nam. Với diện tích 33 vạn km2, Việt Nam vừa có núi non trùng điệp, đồng bằng bát ngát, lại vừa có biển cả bao la, sông ngòi dài rộng. Bờ biển Việt Nam từ Móng Cái đến Hà Tiên dài 3.200km, còn bao gồm vùng lãnh hải rộng lớn với nhiều đảo và quần đảo. Nguồn nước dồi dào của miền khí hậu nhiệt nhiệt đới là nguyên nhân của hệ thống sông ngòi dày đặc, dọc theo bờ biển cứ khoảng 20kn lại gặp một con sông. Việt Nam là quê hương cuối cùng của những con sông lớn bắt nguồn từ lục địa châu Á trước khi đổ ra Thái Bình Dương như sông Hồng, Tiền Giang, Hậu Giang... Những dòng sông đó hàng năm đổ ra biển hàng tỉ mét khối nước, tải một lượng phù sa khổng lồ tạo nên những châu thổ rộng lớn, màu mỡ.
Sự phát triển của xã hội loài người là do điều kiện địa lý, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, trong đó lực lượng sản xuất đóng vai trò quyết định thúc đẩy. Điều kiện địa lý như trên là một nhân tố quan trọng trong quá trình tiến hóa của xã hội Việt Nam.
Môi trường sống như thế nào thì cũng rèn luyện cho con người có tài năng thích ứng với môi trường đó. Sống trên một đất nước có biển rộng, có sông ngòi dày đặc như Việt Nam thì việc chinh phục sông biển phục vụ cho đời sống con người là một việc làm cần thiết, tất yếu. Bên cạnh nghề nông, nhân dân ta từ xa xưa đã biết dùng thuyền đánh cá, giao dịch buôn bán với nước ngoài bằng thuyền, tìm hiểu chế độ nước của hệ thống sông ngòi để phục vụ cho trồng trọt. Tất cả những công việc lao động đó đưa đến kết quả là cha ông ta từ rất xưa đã giỏi bơi lội, thạo nghề đi biển và tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
Chính nằm ở phía Đông Nam châu Á, một vị trí chiến lược quan trọng, tiếp xúc với đất liền và đại dương, ở vào ngã tư của những con đường thủy bộ quan trọng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây cùng với sự giàu có của đất nước, Việt Nam bị nhiều kẻ thù dòm ngó và nhiều lần đem quân xâm lược, bị ngoại xâm đe dọa do vị trí địa lý của mình. Dân tộc ta tồn tại và phát triển không phải chỉ có lao động chinh phục thiên nhiên, tổ chức xã hội, phát triển kinh tế mà còn có nhu cầu cấp thiết chống ngoại xâm. Điều kiện khách quan đó đã làm cho dân tộc ta sớm nẩy nở ý thức dân tộc. Với tiến trình lịch sử, ý thức đó ngày càng thêm mạnh thể hiện tinh thần làm chủ đất nước của tổ tiên ta.
Với một địa hình mà nhiều con sông đổ ra biển cả thì sẽ là cửa ngõ cho những đạo thủy quân của kẻ thù xâm lược tiến vào. Hành binh xâm lược bằng đường biển quân giặc sẽ tiến quân nhanh chóng sâu vào nội địa nước ta. Do đó công cuộc chống xâm lược giữ nước của ông cha ta ngoài lực lượng bộ binh bắt buộc còn phải có thủy quân mới đập tan được kẻ thù. Ông cha ta lại rất thạo nghề thuyền và đi biển. Dùng ngay cái phương tiện sinh hoạt lao động hàng ngày để biến thành vũ khí chống quân thù là một việc làm tất yếu phổ biến của nhiều dân tộc trong nhiều cuộc chiến tranh. Kẻ thù bắt buộc họ phải dùng đến phương tiện đó và dùng phương tiện đó họ sẽ phát huy được đầy đủ sức mạnh sở trường của họ, cái sức mạnh bắt nguồn sâu thẳm vô tận từ truyền thống kinh nghiệm của cả một dân tộc. Như vậy do điều kiện cấp thiết chống ngoại xâm, giữ gìn đất nước mà thủy quân Việt Nam ra đời rất sớm. Sự ra đời của binh chủng này là một điều cần thiết, tất yếu khách quan của lịch sử.
Các công trình khảo cứu về dân tộc học và khảo cổ học đã chứng tỏ rằng thủy quân Việt Nam ra đời rất sớm, có thể cùng với sự xuất hiện của nhà nước đầu tiên: Nhà nước Văn Lang. Tài liệu dân tộc học cho biết rằng nhân dân ta trong những ngày hội lớn, ngày lễ tết thường có những trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, phần lớn những trò chơi đó mang tính chất rèn luyện để nâng cao năng lực quốc phòng. Các trò chơi cưỡi ngựa bắn cung, đấu võ, đấu vật, chèo thuyền, bơi chải thường được tổ chức trong những ngày lễ kỷ niệm các anh hùng có công đánh giặc cứu nước. Chải cũng như những chiếc thuyền lớn, thân mình được trạm trổ hoa văn tinh tế rất đẹp, dưới có những bánh xe để khi chèo thuyền đi tượng trưng như đang lướt trên mặt nước. Như vậy phong tục tập quán của dân tộc ta trong những ngày lễ tết long trọng đã phản ánh được phần nào những quân binh chủng tác chiến, trong đó thủy quân chứng tỏ đã ra đời rất sớm nên dấu ấn đã in sâu vào nề nếp của dân tộc. Từ những trận thủy chiến ngoài chiến trường với những chiến công oanh liệt đã qua, trong những ngày lễ hội long trọng cha ông ta ôn lại nhiều cảnh hùng tráng, tỏ rõ tài thao lược sức mạnh của dân tộc, của thủy quân với một niềm tự hào. Tại kinh thành Thăng Long, ngày tết nguyên đán, trung thu, hội hè thường có trò chơi đua thuyền và múa rối nước. Múa rối nước là một nghệ thuật đặc sắc của dân tộc ta, đến triều Lý (1009-1225) đã phát triển mạnh mẽ. Đây là cảnh đua thuyền, múa rối nước tại kinh thành Thăng Long được mô tả trong bài văn bia Sùng Thiện (Duy Tiên, Nam Hà) khắc năm 1121: Hàng nghìn chiếc thuyền bơi giữa dòng nhanh như chớp, muôn tiếng trống khua hòa nhịp với tiếng nước như sấm động..." (LSVN tập I, trang 166). Thật là một cảnh hùng tráng mạnh mẽ, không khác gì một trận thủy chiến đang diễn ra trước mắt người xem và nhiều người chèo thuyền đã tỏ rõ tài năng với một nghệ thuật tuyệt vời của một đất nước lão nguyện nghề thủy chiến lâu đời.
Trong lĩnh vực khảo cổ học, các nhà khảo cổ học qua hàng chục năm tìm kiếm nguồn sử liệu hiện vật đã khôi phuc lại tương đối chân xác bộ mặt đời sống của văn hóa vật chất tinh thần của thời đại Hùng Vương, buổi bình minh của công cuộc lập nước, xây dựng đất nước Văn Lang. Các học giả khảo cổ học đã chứng minh được rằng Việt Nam bước vào thời đại đồ đồng cách đây 4000 năm. Khi thời đại đồ đồng thau phát triển thì đất nước bước vào thời kỳ nhà nước Văn Lang, thời kỳ Hùng Vương. Với một nền văn hóa và kinh tế tương đối cao, người Lạc Việt chủ nhân của đất nước Văn Lang đã có những tri thức về vũ trụ quan và đặc biệt sống trên mảnh đất có những sông ngòi nên kiến thức thủy văn của họ rất phong phú. Họ hiểu chế độ nước của hệ thống sông ngòi để trồng trọt và họ đã chiến đấu với sông nước để giành cuộc sống. Chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh là thiên anh hùng ca đậm đà màu sắc thần thoại ca ngợi cư dân Lạc Việt đã chiến thắng sông nước, giành mảnh đất ven sông cho một đời sống định cư xuất hiện vào thời đại đồ đồng thau. Ngoài trồng trọt săn bắn, đánh cá là một phương thức kiểu cũ quan trọng trong đời sống lao động của người Lạc Việt. Những tri thức đó về sông biển, cùng với phương thức kiếm ăn chinh phục sông nước là cơ sở để khi nhu cầu tự vệ cấp thiết sẽ ra đời những đội thủy binh đánh trả lại quân thù.
(Còn nữa)
CVL
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-23-a15542.html