Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 42)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử 'Thủy hải chiến Việt Nam' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 42.

Từ sông Gianh vào đến chiến lũy Đồng Hới, quân Trịnh có rất nhiều doanh trại đồn lũy kiên cố đóng giữ nhưng khiếp sợ trước sức mạnh của thủy quân Tây Sơn, quân Tây Sơn đi đến đâu là quân Trịnh bỏ chạy hoặc đầu hàng. Bố Chính lọt vào tay thủy quân Tây Sơn một cách dễ dàng và ngày 26-6-1786, thủy quân Tây Sơn tiến vào chiếm chiến lũy Đồng Hới. Toàn bộ phòng tuyến sông Gianh bị thủy quân Tây Sơn chiếm đóng.

Tranhy minhy họa: Trận "không thuyền kế" kinh điển của thủy quân Tây Sơn đạp tan quân Trịnh năm 1786. Nguồn: Internet.

Tranhy minhy họa: Trận "không thuyền kế" kinh điển của thủy quân Tây Sơn đạp tan quân Trịnh năm 1786. Nguồn: Internet.

Hoạt động của thủy quân Tây Sơn ở phòng tuyến sông Gianh có tầm quan trọng lớn đối với chiến dịch Phú Xuân. Đánh phòng tuyến này, thủy quân Tây Sơn đã thực hiện được nhiệm vụ của tổng chỉ huy giao phó là đánh vu hồi sâu vào chiều sâu của địch, tiêu diệt địch, chiếm các đồn lũy nam sông Gianh nhanh chóng. Hoạt động quân sự bất ngờ này diễn ra cùng đồng thời với việc hạ thành Phú Xuân, thủy quân Tây Sơn đã thực hiện bao vây chia cắt chiến dịch, triệt để cô lập đạo quân chủ lực của địch ở Phú Xuân, không cho quân Trịnh ở sông Gianh hoặc ở ngoài Bắc vào tiếp viện, giúp cho thủy quân và lục quân tác chiến ở Phú Xuân thắng lợi. Việc thọc sâu nhanh chóng vào phòng tuyến sông Gianh của thủy quân Tây Sơn không những có ý nghĩa trực tiếp đến việc tiêu diệt chủ lực địch mà còn có tác dụng đến sự phát triển sau này của chiến dịch khi quân đội Tây Sơn tiến quân ra giải phóng Thăng Long. Thủy quân Tây Sơn đánh chiếm phòng tuyến sông Gianh vừa hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch vừa tạo ra ưu thế chiến lược cho cuộc tiến công sắp tới là ở chỗ đó.

*

* *

Sau khi kết thúc chiến dịch Phú Xuân, Nguyễn Huệ quyết định đưa quân đội vượt sông Gianh tiến ra giải phóng Bắc Hà, lật đổ ách thống trị của tập đoàn phong kiến Trịnh. Xuất phát từ tình hình chính trị, quân sự với đặc điểm chiến trường Bắc Hà, Nguyễn Huệ vạch ra một kế hoạch tiến công chu đáo. Trước hết Nguyễn Huệ phái một đạo thủy quân tiên phong có nhiệm vụ đánh chiếm Vị Hoàng là thủ phủ trấn Sơn Nam làm đầu cầu chiến lược, chuẩn bị lương thực cho chủ lực quân đội Tây Sơn tiến đánh Thăng Long. Thứ hai, đội thủy quân tiên phong còn có nhiệm vụ chính trị, nêu khẩu hiệu “phù Lê diệt Trịnh”, vận động nhân dân Bắc Hà hưởng ứng cuộc tấn công của quân Tây Sơn, thu phục những toán nghĩa quân đang chống nhà Trịnh để họ cùng phối hợp chiến đấu, cho một toán quân nhỏ bí mật tiến vào Thăng Long bảo vệ hoàng thành, trao cho vua Lê tờ mật tấu tôn phù của Nguyễn Huệ để trấn tĩnh nhân tâm khi đại quân Tây Sơn tới. Ngoài ra, dọc đường tiến quân, đạo thủy quân Tây Sơn phải cho những toán du kích nhỏ đánh úp các đồn trại quân Trịnh từ sông Gianh đến Vị Hoàng để tiêu hao sinh lực địch, uy hiếp tinh thần quân Trịnh, tạo điều kiện cho đại quân ra thu phục Nghệ An, Thanh Hóa.

Thực hiện kế hoạch đó, cuối mùa hạ năm 1786, đội tiên phong thủy quân gồm 400 chiến thuyền do Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy được lệnh xuất phát. Dọc bờ biển từ sông Gianh trở ra, thủy quân Tây Sơn cho nhiều tốp du binh đổ bộ lên đánh phá các đồn trại quân Trịnh. Quân Trịnh khiếp sợ, cứ nom thấy chiến thuyền và bóng cờ Tây Sơn đã bỏ chạy. Đồn Dinh Bầu (phía Nam Hà Tĩnh) lọt vào tay thủy quân Tây Sơn. Tướng Trịnh trấn thủ Nghệ An, Thanh Hóa là Bùi Thế Toại và Tạ Danh Thùy bỏ chạy. Thủy quân Tây Sơn tiến quân nhanh chóng không gặp một sức chống cự nào. Sớm 11-7-1876, thủy quân Tây Sơn tiến công Vị Hoàng (Nam Định). Bị đánh bất ngờ, quân Trịnh kinh hoàng bỏ chạy. Thủy quân Tây Sơn đổ bộ chiếm Vị Hoàng, thu được hơn trăm vạn hộc thóc, rất nhiều tiền bạc, khí giới đạn dược. Nguyễn Hữu Chỉnh ra lệnh đốt lửa hiệu báo cho chủ lực của Nguyễn Huệ đang ở Thanh Nghệ Tĩnh biết theo như quy định từ trước.

Chế độ nhà Trịnh khi đó đã thối nát đến cực độ, nhân dân căm thù sâu sắc. Cho nên khi quân đội Tây Sơn vừa tới, các tầng lớp nhân dân nô nức kéo nhau đến Vị Hoàng hoan nghênh và trình bày tường tận tình hình Bắc Hà, tình hình quân đội Trịnh cho quân Tây Sơn. 100 vạn hộc thóc ở kho được nhân dân xay giã chỉ mấy ngày đã xong và được chuyển xuống thuyền lương chuẩn bị cho đại quân Nguyễn Huệ tiến ra đánh Thăng Long. Nhiều toán nghĩa quân Bắc Hà đang đánh nhau với quân Trịnh ở vùng Hải Dương cũng bỏ trận địa về Vị Hoàng gia nhập quân đội Tây Sơn. Quân chủ lực của Nguyễn Huệ chưa ra nhưng thanh thế quân Tây Sơn ở Bắc Hà đã lừng lẫy.

Khi nhận được lửa hiệu báo tin của đạo thủy binh tiên phong, đại quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của danh tướng Nguyễn Huệ rầm rộ tiến ra Bắc theo đường biển, khí thế vô cùng mạnh mẽ. Khi ấy đang mùa hạ gió đông nam thổi mạnh, hơn 1000 chiến thuyền Tây Sơn lướt sóng như bay, quân kỳ "đỏ rực cả mặt biển". Nhân dân Nghệ An nhìn đoàn binh thuyền hùng dũng, cờ quạt rợp trời đều tấm tắc khen: "Đây cũng là một việc không mấy đời đã có"[1]. Ngày 17 Tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ cùng đại quân tới Vị Hoàng - không bỏ lỡ thời cơ diệt địch Nguyễn Huệ lập tức hạ lệnh cho đội tiên phong và đại quân chuẩn bị để ngày hôm sau tiến đánh quân Trịnh đang tập trung ở miền Sơn Nam Thượng nhằm ngăn chặn quân Tây Sơn.

Chúa Trịnh bấy giờ là Trịnh Khải cùng toàn thể các tướng lĩnh rất hoảng sợ, lúng túng, bị động. Trịnh Khải hạ lệnh cho Trịnh Tự Quyền đem quân chống với Tây Sơn ở miền Kim Động (Hải Dương), mặt khác, sức cho Đỗ Thế Dận trấn thủ Sơn Nam đem quân đóng tại bờ sông Phù Xa (khúc sông hạ lưu sông Hồng thuộc thôn Phù Xa, Khoái Châu, Hưng Yên) và Đinh Tích Nhưỡng tướng chỉ huy các đạo thủy quân đang đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân vùng Hải Dương đem toàn bộ thủy binh về giữ cửa sông Luộc. Ba đạo quân đó là toàn bộ quân chủ lực của Bắc Hà đưa ra quyết chiến với quân đội Tây Sơn.

Nguyễn Huệ quyết định tiêu diệt toàn bộ chủ lực quân Trịnh mà trước hết là phải đánh tan đạo thủy binh của tướng Đinh Tích Nhưỡng. Chiều 18-7-1786, tức là sau khi tới Vị Hoàng một ngày, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ, thủy quân Tây Sơn rầm rộ tiến vào trung tâm trận địa quân Trịnh. Tướng Trịnh Đinh Tích Nhưỡng đem chiến thuyền dàn thành hàng ngang chặn lấp dòng sông. Đỗ Thế Giận dàn bộ binh hai bên bờ sông để đánh vào hai bên sườn của thủy quân Tây Sơn. Khoảng 6 giờ tối trận chiến đấu bắt đầu.

(Còn nữa)

CVL

[1] Ngô Gia Văn Phái: Hoàng Lê nhất thống chí trang 100.

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-42-a15884.html