Thủy hải sản nuôi chết hàng loạt, nông dân lo đổ nợ

Chỉ trong một tuần, hàng trăm hộ dân ở Hải Dương và Hà Tĩnh bất ngờ rơi vào tình trạng trắng tay vì thủy hải sản chăn nuôi bất ngờ chết hàng loạt.

Hải Dương: Cá lồng chết trắng sông

Một tuần sau khi xuất hiện tình trạng cá nuôi lồng chết hàng loạt tại Hải Dương, hiện tượng này vẫn chưa giảm. Người dân tại xã Tiền Tiến, phường Nam Đồng (thành phố Hải Dương), các xã Thái Tân, Nam Tân (huyện Nam Sách) vẫn đang chật vật vớt cá chết và tìm phương án khắc phục, hạn chế thiệt hại.

Theo thống kê của UBND xã Tiền Tiến (thành phố Hải Dương) địa phương có 24 hộ nuôi cá lồng chết ồ ạt, đa số thiệt hại hàng tấn cá chết/hộ. Trong đó, có 6 hộ thiệt hại từ 9-60 tấn cá, ước tính có giá trị hàng chục tỷ đồng. Còn thông tin từ UBND phường Nam Đồng, địa phương có 86 hộ nuôi cá lồng, với tổng khối lượng cá chết khoảng 360 tấn. Trong đó, hộ gia đình ông Đỗ Văn Nhạ có sản lượng lớn nhất và cũng là hộ thiệt hại nặng nề nhất.

Nhìn những bao tải chứa cá chết vừa vớt, ông Đỗ Văn Nhạ (54 tuổi) không khỏi xót xa. Ông chia sẻ, gia đình nuôi 56 lồng cá (chép, trắm, diêu hồng), mỗi lồng rộng 72m2, khi thu hoạch sản lượng bình quân khoảng 15-20 tấn cá thương phẩm/lồng.

Người dân Hải Dương vớt cá nuôi lồng chết hàng loạt

Người dân Hải Dương vớt cá nuôi lồng chết hàng loạt

Ông Nhạ chia sẻ, ông nuôi cá lồng trên sông Thái Bình 7 năm nay, đây là lần đầu tiên gặp tình trạng cá chết hàng loạt. Cuối tháng 3 vừa qua, cá trong lồng bỏ ăn, ông đã chủ động bơm oxy tăng cường nhưng không hiệu quả, cá chết lác đác. Đến đầu tháng 4, cá chết hàng loạt nổi trắng mặt lồng, gia đình vớt không xuể. Chính quyền địa phương đã huy động đoàn viên thanh niên, người dân tới hỗ trợ gia đình vớt cá lên bán cho đơn vị thu gom làm phân bón với giá 1.000-2.000đồng/kg.

“Một tuần qua, gia đình ước tính thiệt hại khoảng hơn 20 tỷ đồng, đa số tiền vay ngân hàng đầu tư giống, sửa sang vệ sinh lồng bè, tiền cám. Với tình trạng này, gia đình tôi kiệt quệ, vỡ nợ. Tôi mong cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân, có phương án hỗ trợ người dân”, ông Nhạ nói.

Ô nhiễm, nồng độ ôxy thấp

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, đơn vị phối hợp với Cục Thủy sản và Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN&PTNT) xuống kiểm tra nguồn nước. Bước đầu xác định, khu vực cá chết nhiều nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao. Trước đó, Cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cũng cho biết, do ảnh hưởng của El Nino, hiện thông số môi trường ở nhiều vùng nuôi đang có chỉ số vượt giới hạn cho phép. Đặc biệt vào giai đoạn chuyển mùa, môi trường biến động mạnh kết hợp hiện tượng với mưa/lũ khiến thủy sản nuôi trồng ở nhiều vùng nuôi có nguy cơ chết hàng loạt.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Mật (ở xã Tiền Tiến) nuôi 18 lồng cá (chép, diêu hồng) mỗi con nặng từ 4-7kg chuẩn bị được thu hoạch thì cá chết hàng loạt, vớt không xuể. Bà Mật ước tính vụ này gia đình thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng tiền vay ngân hàng. Bà Mật lo lắng, mất trắng vụ cá này sẽ không có tiền trả nợ ngân hàng và vốn đầu tư nuôi thủy sản.

Hà Tĩnh: Ốc hương nuôi chết hàng loạt

10 năm nuôi ốc hương trên bãi Cồn Vạn (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chịu đủ khó khăn về mưa lũ, thời tiết nhưng chưa năm nào gia đình ông Trần Mạnh Duyên (68 tuổi, trú thôn 5, xã Cẩm Lĩnh) thiệt hại nặng nề như năm nay do ốc hương chết hàng loạt.

“Hai ao của gia đình rộng khoảng 4.000m2 được gia đình thả nuôi 5 triệu ốc giống nhưng đã qua 2 vụ, cứ thả 10-20 ngày là ốc lại chết. Ốc khi bắt đầu chết lác đác với triệu chứng sưng vòi, đơ, không leo và không di chuyển, sau đó thì chìm cả.

Dù đã rất cẩn thận từ khâu xử lý ao hồ, nguồn nước và lựa chọn giống nhưng cứ thả là ốc chết rất nhanh, thường chỉ mới thả 3-5 ngày, lâu nhất khoảng 20 ngày”, ông Duyên nói.

Ốc hương chết hàng loạt khiến người nuôi thiệt hại nặng

Ốc hương chết hàng loạt khiến người nuôi thiệt hại nặng

Không chỉ ông Duyên mà 8 hộ dân nuôi ốc hương trên bãi bồi ven cửa lạch đều bị thiệt hại cả trăm triệu đến tiền tỷ vì ốc hương chết hàng loạt. Suốt 3 tháng qua, nhiều gia đình dù đã xử lý môi trường, ao nước, nguồn thức ăn để tái thả lại 2-3 lần song tình trạng ốc chết vẫn chưa dừng lại.

Theo người dân, ốc hương giống được lấy từ Nha Trang, nguồn thức ăn chủ yếu là hàu, cá tươi nên chi phí chăm nuôi rất lớn, ước tính hơn 1 tỷ đồng mỗi vụ. Sau 6 tháng nuôi, ốc có thể đạt kích cỡ thương phẩm tiêu thụ, giá thành luôn ở mức cao, từ 200.000-240.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) cho biết, khu vực Cồn Vạn có diện tích nuôi ốc hương khoảng 21ha, hiện còn 13 hộ nuôi.

“Có 8 hộ nuôi ốc hương bị chết với khoảng 34 triệu con giống, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Sau khi ốc chết, ngành chức năng đã lấy mẫu và xác định nguyên nhân chính do nguồn nước và mật độ thả giống. Địa phương cũng hỗ trợ hóa chất khử khuẩn Cloramin B và hướng dẫn người nuôi xử lý ao hồ, nguồn nước và kiểm soát mật độ giống thả cho lứa nuôi tiếp theo”, ông Hà nói.

Nguyễn Hoàn - Phạm Trường

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thuy-hai-san-nuoi-chet-hang-loat-nong-dan-lo-do-no-post1628190.tpo