Thủy sản Nam Việt (ANV): Đơn hàng làm không kịp, lãi quý 1 tăng gấp 8 lần

Công ty Cổ phần Nam Việt (Thủy sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV) vừa cho biết lãi quý 1/2025 đạt mức cao nhất 11 quý trở lại đây, cao gấp nhiều lần tổng lợi nhuận của năm 2024 trong bối cảnh đơn hàng dồi dào và nhà máy vận hành tối đa công suất.

Công ty Cổ phần Nam Việt (Thủy sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2025 với doanh thu thuần đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu tăng tới 36%, đạt 812 tỷ đồng, chiếm 73% tổng doanh thu trong kỳ. Ngược lại, doanh thu tại thị trường nội địa của Thủy sản Nam Việt giảm 30%, còn khoảng 294 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận của Thủy sản Nam Việt trong kỳ cũng tăng gấp đôi so với quý 1/2024, đạt trên 20%. Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh cùng thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty thu về 132 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp gần 8 lần so với cùng kỳ năm 2024.

Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất của Thủy sản Nam Việt trong 11 quý trở lại đây và cao hơn nhiều so với mức lãi 48 tỷ đồng của cả năm 2024; qua đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đã tăng mạnh lên mức 268 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Thủy sản Nam Việt ước tính lãi năm nay có thể lên đến 500 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Thủy sản Nam Việt ước tính lãi năm nay có thể lên đến 500 tỷ đồng.

Thủy sản Nam Việt cho biết lợi nhuận tăng vọt trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ cá tra tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Brazil… đã có dấu hiệu hồi phục sau giai đoạn dài trầm lắng, dẫn đến sản lượng lẫn giá bán tăng.

Vào đầu tháng 4 này, ông Doãn Tới -Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Thủy sản Nam Việt từng tiết lộ đơn hàng xuất khẩu đang rất dồi dào và nhà máy sản xuất không kịp để giao hàng. Theo đó, ước tính lợi nhuận của công ty trong 6 tháng đầu năm 2025 có thể đạt 300 tỷ đồng và cả năm nay có thể lên đến 500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thông tin đến cổ đông về rủi ro chính sách thuế quan của Mỹ, ông Doãn Tới khẳng định dù Mỹ là thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới với tiềm năng lớn cho sản phẩm cá tra, cá rô phi nhưng trên thực tế đây không phải là thị trường trọng tâm mà Thủy sản Nam Việt hướng đến ở thời điểm hiện tại.

Công ty hiện đang tập trung khai thác các thị trường Trung Quốc, Trung Đông, Brazil, châu Á, Mexico... Ngoài ra, Thủy sản Nam Việt sẽ đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường, cắt giảm các chi phí không cần thiết nhằm hạ giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất, tự động hóa các công đoạn sản xuất.

Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, trong thời gian qua, Thủy sản Nam Việt đã mở rộng thành công thêm tệp khách hàng ở Bắc Kinh và Quảng Châu (Trung Quốc), bên cạnh khu vực truyền thống là Thượng Hải. Đồng thời, sau quá trình nghiên cứu thị trường, Thủy sản Nam Việt đã mở rộng thêm dòng sản phẩm cá tra xẻ bướm tẩm gia vị, đáp ứng đúng nhu cầu cao tại Trung Quốc.

Ngoài ra, với lợi thế tự chủ 100% cá nguyên liệu, công ty đã giải quyết được tình trạng thiếu hụt cá tra cỡ lớn (1,5 - 2 kg) mà toàn ngành cá tra Việt Nam gặp phải trong thời gian dài vừa qua; đây cũng là cỡ cá được ưa chuộng ở Trung Quốc.

Thủy sản Nam Việt được kỳ vọng là doanh nghiệp thủy sản niêm yết hưởng lợi từ việc Chính phủ Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế “khủng” nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa. Thị trường Trung Quốc & Hồng Kông hiện chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của Thủy sản Nam Việt.

Hiện Thủy sản Nam Việt vẫn chưa công bố kế hoạch kinh doanh 2025, đồng thời đang xin gia hạn họp Đại hội đồng cổ đông thường niên đến chậm nhất tháng 6/2025.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/thuy-san-nam-viet--anv-don-hang-lam-khong-kip--lai-quy-1-tang-gap-8-lan-139656.htm