Thủy sản nhiều cơ hội tăng tốc

Các tháng tới là giai đoạn các nhà nhập khẩu thủy sản tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cho các dịp lễ, Tết. Do đó, thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu hơn nữa. Tuy nhiên, cùng với xuất khẩu, các doanh nghiệp thủy sản cũng đang hướng đến phát triển thị trường nội địa.

Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: TTXVN.

Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: TTXVN.

Dự báo thu về 10 tỷ USD

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2024, xuất khẩu thủy sản đạt 916 triệu USD, tăng 9% so với tháng trước. Tính chung trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam đạt 5,33 tỷ USD, tăng 8%, tương ứng tăng 396 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng trưởng như: Hoa Kỳ tăng 12,8%, Trung Quốc tăng 11,6%; Hàn Quốc tăng 3,4%; Australia tăng 9,1%; Canada tăng 34,6%; Bỉ tăng 14,2%; Israel tăng 42,3%; đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Nga đạt mức tăng trưởng tốt tăng 105% so với cùng kỳ năm 2023...

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), trong khi xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ và EU chủ yếu là sản phẩm đông lạnh thì trong bức tranh chung xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, các mặt hàng tươi, sống là điểm nhấn. Cụ thể, xét về phân khúc sản phẩm đông lạnh, Hoa Kỳ và EU sẽ là 2 thị trường kỳ vọng trong nửa cuối năm trước với những tín hiệu tích cực như kinh tế hồi phục, lạm phát giảm, lãi suất giảm có thể sẽ kích cầu ở những thị trường này.

Trong khi đó, Trung Quốc lại là điểm đến số một cho phân khúc thủy sản tươi sống phục vụ cho nhà hàng, khách sạn, du lịch. Do vậy, các mặt hàng tươi sống như tôm hùm, cua, ngao, ốc... của Việt Nam sẽ vẫn hút khách hàng Trung Quốc trong thời gian tới.

Với những dấu hiệu tích cực trên Vasep hy vọng, năm nay tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ ổn định đúng chu kỳ thông thường, tăng tốc vào quý III và quý IV. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm sẽ cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 5,5 tỷ USD, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2024 tới gần 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023.

Phán ánh từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) cho biết, xuất khẩu thủy sản đang ghi nhận tín hiệu khả quan khi bước sang đầu quý III/2024 với nhiều đơn hàng được ký kết và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Với đà này, mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 của ngành thủy sản được các chuyên gia dự đoán sẽ dễ dàng đạt được.

Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết, ngoài các sản phẩm truyền thống, hiện công ty đang tập trung sản phẩm chế biến sâu để xuất khẩu. Tất cả các thị trường chính của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra này đều ghi nhận mức phục hồi tốt. Trong đó, doanh thu tại thị trường Trung Quốc, Mỹ và châu Âu lần lượt tăng 259%, 59% và 33% so với tháng 1/2023.

Tiềm năng thị trường nội địa còn rất lớn

Mặc dù có những dấu hiệu phục hồi song theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản nói chung, DN thủy sản nói riêng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như nỗi lo thiếu nguyên liệu cho chế biến vì dịch bệnh, có thể đẩy giá xuất khẩu tăng nhưng không bền vững. Ngoài ra, xung đột ở Biển Đỏ khiến giá cước vận tải tăng cao, xung đột thương mại giữa các nước làm xáo trộn dòng chảy thương mại thủy sản, tồn kho lớn ở các thị trường nhập khẩu… cũng là những thách thức lớn cho xuất khẩu thủy sản cuối năm.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam nhận định, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, thương mại của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã có thêm nhiều cơ hội thuận lợi để các DNp đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng phải đối mặt với hàng loạt các thách thức mới.

Do đó, việc kết nối các DN trong toàn chuỗi cung ứng hướng đến phát triển ngành thủy sản theo hướng toàn diện là vấn đề được đặt ra. Song song với thị trường xuất khẩu, theo bà Sắc, tiềm năng thị trường nội địa còn rất lớn, để cân bằng cán cân cung cầu và giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu, các DN thủy sản cần hướng đến phát triển thị trường nội địa, đưa sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến với người tiêu dùng Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, thương mại của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã có thêm nhiều cơ hội thuận lợi để DN đẩy mạnh sản xuất, tăng xuất khẩu. Song, ngành thủy sản cũng phải đối mặt với hàng loạt các thách thức mới về thị trường xuất khẩu và các vấn đề nội tại của ngành. Đứng trước bối cảnh này, để thực hiện mục tiêu mở rộng thị phần trong nước, tại triển lãm quốc tế thủy sản vào cuối tuần qua tại TPHCM, các DN thủy sản Việt Nam đã quảng bá hàng trăm sản phẩm xuất khẩu của DN mình với người tiêu dùng trong nước, với tham vọng đem những sản phẩm xuất khẩu tiếp cận thị trường trong nước.

Với những dấu hiệu tích cực, theo Vasep, năm nay tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ ổn định đúng chu kỳ thông thường, tăng tốc vào quý III và quý IV. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm sẽ cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 5,5 tỷ USD, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2024 tới gần 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuy-san-nhieu-co-hoi-tang-toc-10289004.html