Thủy sản Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khó tính
Thủy sản Việt Nam đã vươn lên vị trí hàng đầu về đẳng cấp chế biến và chiếm lĩnh các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, EU... Điều này càng khẳng định chất lượng, thương hiệu của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, cũng như đem lại giá trị cao cho doanh nghiệp.
Gia tăng giá trị từ chế biến sâu
Hiện, Việt Nam đứng ở vị trí top 3 xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới và có trình độ chế biến cao. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực chia sẻ, những năm qua, dù chịu sức ép cạnh tranh lớn từ tôm giá rẻ của Ấn Độ và Ecuado, song tôm Việt Nam vẫn đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ.
Mặc dù, mặt bằng chung giá tôm xuất khẩu trên thị trường giảm mạnh, nhưng nhờ tập trung vào các đơn hàng chế biến sâu như: tôm hấp chín, tôm bao bột, tôm chiên nên doanh nghiệp đã vượt được khó khăn trong kinh doanh. Cùng với đó, việc chủ động nguồn nguyên liệu cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Không chỉ tôm, với mặt hàng cá tra, doanh nghiệp cũng lựa chọn chiến lược tập trung vào sản phẩm chế biến sâu. Bởi, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản nhận định, trong bối cảnh thị trường ảm đảm, các mặt hàng có giá trị gia tăng sẽ ít bị ảnh hưởng từ thử thách cung - cầu.
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (GODACO) Nguyễn Văn Đạo cho hay, thời điểm này công ty đã có đơn hàng đến hết quý III/2024 với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Các sản phẩm chế biến đều có giá trị gia tăng như phile cá tra tẩm bột, tẩm gia vị và các loại sản phẩm khác từ cá tra. Hiện giá trị gia tăng đang chiếm từ 10 - 20% doanh thu của doanh nghiệp và dự kiến tương lai sẽ tăng lên 30%.
Các sản phẩm cá tra chế biến có giá trị gia tăng ít chịu cạnh tranh hơn các sản phẩm thông thường, vì vậy, giá trị và lợi nhuận mang về cũng cao hơn. Tuy nhiên, đầu tư vào sản phẩm chế biến sâu cũng có hạn chế là cần quảng bá, tiếp thị sản phẩm nhiều hơn.
Theo báo cáo đánh giá của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VSSEP), tại các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, sản phẩm giá trị gia tăng đang là lợi thế của Việt Nam. Mặc dù xuất khẩu thủy sản sang EU nói riêng và các thị trường khác nói chung đều sụt giảm mạnh trong năm 2023, nhưng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Quý I/2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU đạt 210 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ. Đức, Hà Lan, Bỉ là 3 thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất trong khối.
Đa dạng sản phẩm xuất khẩu
Nhiều chuyên gia nhận định, sau nhiều năm Việt Nam xuất khẩu thủy sản, sản phẩm đã đi vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc tổ chức, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài việc sản xuất các sản phẩm theo công thức của bên mua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn có đội ngũ nghiên cứu phát triển sản phẩm, đưa ra những mẫu sản phẩm mới để tạo lợi thế cạnh tranh. Thủy sản không chỉ là thực phẩm cung cấp nguồn đạm mà còn kết hợp đa dạng nguyên liệu để tạo nên những bữa ăn tiện lợi cho người tiêu dùng.
Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc nhìn nhận, đây là chiến lược của doanh nghiệp khi trình độ chế biến của ngành thủy sản Việt Nam được đánh giá cao hàng đầu thế giới và lợi thế nguyên liệu giá rẻ không còn. Không chỉ nguyên liệu tôm mà cá của Việt Nam cũng đang có giá thành cao hơn nhiều nước trên thế giới nên bắt buộc phải đi vào sản phẩm giá trị gia tăng. Trong bối cảnh lạm phát, tồn kho vẫn tiếp tục tác động đến tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản của nhiều thị trường nên việc giữ vững thế mạnh chế biến là điều mà các doanh nghiệp cần duy trì.
Nói về định hướng phát triển của ngành thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin: Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tỷ trọng giá trị xuất khẩu ngành tôm chế biến giá trị gia tăng sẽ đạt 60%, cá tra đạt 10%, cá ngừ đạt 70%, mực và bạch tuộc đạt 30%, thủy sản khác đạt 30%. Do đó, để đạt mục tiêu, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các doanh nghiệp thủy sản cần tiếp tục nâng cao trình độ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để thu hút người tiêu dùng và giữ vững phân khúc thị phần cấp cao.
Các địa phương cần đôn đốc, hướng dẫn ngư dân gấp rút thực hiện giải pháp khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC); tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để bảo đảm nguồn cung phục vụ cho xuất khẩu và đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thuy-san-viet-nam-chiem-linh-thi-truong-kho-tinh.html