Thụy Sỹ rà soát chính sách trong quan hệ với Trung Quốc, cựu Bộ trưởng nhận định gì về Nga?
Ngày 31/7, truyền thông Thụy Sỹ đưa tin, Bern sẽ rà soát chính sách về quan hệ với Bắc Kinh xem có nên tiếp tục gia hạn văn bản này hay không.
Báo NZZ am Sonntag (Thụy Sỹ) cho biết, năm 2021, Ngoại trưởng nước này Ignazio Cassis đã gây bất ngờ khi trình bày chính sách với Trung Quốc. Đây từng được xem là điểm mới trong chính sách đối ngoại của quốc gia châu Âu tại thời điểm đó.
Trong phát biểu của mình, ông Cassis cũng nhận định, Bern cần tính đến “sức nặng” ngày càng lớn từ quá trình phát triển của Bắc Kinh, đồng thời đề xuất một lộ trình vừa giúp mở cửa thị trường đông dân nhất thế giới cho các công ty của Bern, mà không phải “vứt bỏ” các giá trị của mình.
Báo NZZ am Sonntag nhắc lại: “Việc chỉ trích Trung Quốc rõ ràng được đưa ra trong chiến lược đó”.
Hơn hai năm sau bài phát biểu, Thụy Sỹ đang chuẩn bị đánh giá lại chính sách. Tuy nhiên, đây là tiến trình với kết quả mở.
Hiện chính sách Trung Quốc của Bern sẽ hết hạn vào năm tới, và không rõ liệu nó có được thay thế bằng một học thuyết khác hay không.
Tờ báo trên dẫn lời một quan chức ngoại giao Thụy Sỹ cho biết, chiến lược sẽ được thảo luận tại “cuộc đánh giá giữa kỳ”, với mục tiêu đánh giá tác động tới chính quyền liên bang, chính quyền vùng và cộng động, xã hội dân sự cùng giới học thuật.
Người này khẳng định: “Bern sẽ đưa ra quyết định cuối cùng xem có kéo dài chính sách hiện nay sau khi nó hết hạn hay không. Hiện mọi thứ vẫn đang được thảo luận”.
Trong một tin liên quan, cùng ngày, cựu Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sỹ Michael Lauber đã đưa ra một số nhận định về chính sách của nước này với Nga.
Trả lời phỏng vấn hãng Tamedia, ông Lauber - người đang đối mặt lệnh trừng phạt của Mỹ vì không truy tố các hành vi của Nga khi đứng đầu ngành công tố Thụy Sỹ, kêu gọi Bern đảo ngược quyết định bỏ qua lực lượng đặc biệt của quốc tế được thành lập để phối hợp các lệnh trừng phạt với Nga.
Hiện Ủy ban Helsinki của Mỹ cáo buộc ông Lauber cùng 2 người Thụy Sỹ khác đã giúp các doanh nhân Nga, những người trong diện bị trừng phạt, giữ các tài sản bị đóng băng ở quốc gia này.
Ủy ban Helsinki, đơn vị độc lập với Washington nhưng có tác động tới chính sách đối ngoại, cũng cáo buộc ông Lauber và những người khác đã nhận quà và các chuyến du lịch từ quan chức và giới tài phiệt Nga.
Năm 2020, ông Lauber bị buộc thôi chức sau những chỉ trích liên quan đến Nga, Qatar và Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA).