Thụy Sỹ yêu cầu các ngân hàng ngừng tạo giao dịch mới với cá nhân và thực thể của Nga

Dữ liệu của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ cho thấy, người Nga nắm giữ gần 10,4 tỷ franc Thụy Sỹ (11,21 tỷ USD) tại Thụy Sỹ vào năm 2020.

Trụ sở ngân hàng Credit Suisse ở Zurich, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở ngân hàng Credit Suisse ở Zurich, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Thụy Sỹ đã yêu cầu các ngân hàng của nước này ngừng thực hiện các giao dịch kinh doanh mới với những cá nhân và thực thể nằm trong “danh sách đen” trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), vốn đã được quốc gia trung lập này thông qua để đảm bảo rằng chúng không được sử dụng để né tránh các biện pháp chống lại Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.

Chỉ thị từ Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sỹ (FINMA) đã gia tăng áp lực mà nước này tạo ra giữa một bên là tình đoàn kết với phương Tây, còn một bên vẫn phải cố gắng giữ “cánh cửa” cho vai trò hòa giải.

Theo chỉ thị trên, các cơ quan tài chính trung gian của Thụy Sỹ bị cấm tham gia vào các mối quan hệ kinh doanh mới với các cá nhân và doanh nghiệp có tên trong “danh sách đen”.

Các trung gian tài chính này cũng có nghĩa vụ báo cáo các mối quan hệ kinh doanh hiện có với các cá nhân và thực thể này cho Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Dữ liệu của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ cho thấy, người Nga nắm giữ gần 10,4 tỷ franc Thụy Sỹ (11,21 tỷ USD) tại Thụy Sỹ vào năm 2020.

Bộ trưởng Kinh tế Guy Parmelin phát biểu: “Theo chỉ đạo của Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ, nước này sẽ trực tiếp áp dụng tất cả các biện pháp của EU liên quan đến các cá nhân và doanh nghiệp Nga. Ví dụ, những người này không được phép nhập cảnh vào Thụy Sỹ nữa".

Nhưng điều đó không loại trừ việc Thụy Sỹ sẽ hành động như một biện pháp giúp ngăn chặn xung đột. Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis cho biết: "Quan điểm của chúng tôi, và trên hết là mục tiêu của tôi, là để ngỏ những cánh cửa để chúng tôi có thể làm điều mà hầu hết các quốc gia khác không còn làm được nữa – đó là giữ vai trò hòa giải giữa lúc các quốc gia không còn quan hệ ngoại giao".

Ông Cassis nói thêm, thật khó để Thụy Sỹ tự đề nghị mình làm trung gian hòa giải vì cần phải chờ đợi để được tiếp cận, nhưng nước này đang liên lạc và đã tổ chức các cuộc đàm phán về vấn đề này./.

Minh Trang (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thuy-sy-yeu-cau-cac-ngan-hang-ngung-tao-giao-dich-moi-voi-ca-nhan-va-thuc-the-cua-nga/234521.html