Thủy thủ Liên Xô từng cứu nước Mỹ khỏi thảm họa hạt nhân

Hành động tránh đột ngột của tàu ngầm hạt nhân Liên Xô đã dẫn đến sự cố ở một giếng phóng tên lửa. Tuy nhiên, nhờ đó mà nước Mỹ tránh được một thảm họa hạt nhân.

Dựa theo kịch bản những tác phẩm viết về sự kiện một thủy thủ Liên Xô từng cứu nước Mỹ khỏi thảm họa hạt nhân, người ta đã dựng thành 3 bộ phim, trong đó nổi tiếng nhất là phim “Hostile Waters” (tạm dịch: “Vùng biển thù địch”) do diễn viên Rutger Hauer thủ vai chính. Thuyền trưởng tàu ngầm Igor Britanov sau đó đã kiện hãng Warner Brothers, do trong phim có rất nhiều tình tiết không đúng sự thật, trong đó có nói đến vai trò cá nhân của ông trong thảm kịch tàu ngầm xảy ra vào tháng 10-1986. Được biết, thuyền trưởng Britanov đã thắng vụ kiện này, nhưng số tiền nhận được không rõ bao nhiêu.

Chuyện gì đã xảy ra?

Các phóng viên báo “Sự thật Komsomol” của Liên Xô, những người từng phỏng vấn thuyền trưởng Igor Britanov 5 năm trước (lúc đó ông là Trung tá chỉ huy tàu ngầm chiến lược trong chuyến cuối cùng của tàu vào tháng 9-10 năm 1986), đã gọi ông là người hùng chính trong thảm kịch xảy ra hôm đó. Theo họ, chính nhờ những hành động của vị thuyền trưởng này nên đã không xảy ra một thảm họa toàn cầu.

 Tàu ngầm hạt nhân K-219 của Liên Xô. Ảnh: Wikimedia Commons

Tàu ngầm hạt nhân K-219 của Liên Xô. Ảnh: Wikimedia Commons

Theo lời kể của Trung tá Igor Britanov, 2 năm sau khi hạ thủy tàu ngầm, đã nhiều lần có đề cập đến việc những giếng phóng tên lửa trên tàu không đủ kín nước, và sự việc này dường như cũng đã thường xuyên báo cáo lên cấp trên. Tuy nhiên, vẫn không nhận được sự quan tâm thỏa đáng.

Trên tàu ngầm K-219 của Liên Xô lúc đó mang theo 16 đầu đạn hạt nhân. Mùa xuân năm 1986, tàu đang thực thi nhiệm vụ tuần tra chiến đấu lần thứ 13 tại khu vực Đại Tây Dương gần bờ biển phía Đông nước Mỹ. Theo thuyền trưởng Britanov, ngày 3-10-1986 các thủy thủ Liên Xô phát hiện có tàu ngầm của Hoa Kỳ đang di chuyển theo hướng ngược lại tàu ngầm K-219. Quyết định về việc xác định rõ hướng đi được thông qua, theo đó tàu ngầm Liên Xô đã xử lý một pha nguy hiểm khi đột ngột tránh sang một bên. Hành động này đã dẫn đến sự cố ở một trong những giếng phóng tên lửa trên tàu, do nước bắt đầu tràn vào giếng rất nhanh, càng lúc càng mạnh.

Ô xy và chất dễ cháy rò rỉ qua thân vỏ tên lửa bị rạn nứt do áp suất của nước. Hai hợp chất đó hòa vào nhau đã gây ra vụ nổ tương đương với việc trúng ngư lôi trực tiếp. Ba thuyền viên, chỉ huy đơn vị chiến đấu số 2 và hai thủy thủ hy sinh ngay tại chỗ.

Chiến công của thủy thủ Sergey Preminin

Chuyên gia, Trung tá Hải quân Nga Ilya Kurganov, người từng nghiên cứu các sự kiện những ngày hôm đó, đã khôi phục lại tiến trình xảy ra vụ việc. Ông viết, đội thủy thủ tàu sau vụ nổ đã mất nhiều thời gian mà vẫn không tắt được lò phản ứng hạt nhân trên tàu, bởi việc tăng công suất nhiệt năng mất kiểm soát có thể gây ra hậu quả không thể khắc phục được. Cần một ai đó đến khoang số 7 chứa đầy khí độc gây chết người để xử lý bằng tay những tấm lưới chắn điều hòa. Nếu không làm thì khó tránh khỏi một vụ nổ hạt nhân.

Ban đầu, chỉ huy khoang lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm K-219, Thượng úy Nikolai Belikov đã cố thử hạ những tấm lưới chắn xuống, nhưng một lúc sau bị ngã xuống ngất lịm đi. Khi đó, thủy thủ giàu kinh nghiệm nhất là Sergey Preminin xung phong nhận nhiệm vụ. Lúc đầu anh và Thượng úy Belikov khi đó vừa tỉnh lại cùng xử lý khắc phục sự cố, nhưng do người này sau đó lại bị ngất đi, nên trong khoang chỉ còn một mình anh. Nhiệt độ trong khoang phản ứng hạt nhân lên đến 80 độ C, áp suất cũng tăng rất cao.

 Thủy thủ Sergey Preminin.

Thủy thủ Sergey Preminin.

Cuối cùng, Sergey Preminin cũng hạ xuống được những tấm lưới chắn và tắt lò phản ứng. Tuy nhiên, anh không thể thoát ra được từ khoang số 7, do áp suất tăng cao làm biến dạng vách ngăn và cửa nối giữa hai khoang số 7 và số 8. Mọi người cố mở cửa nhưng không được. Sergey Preminin đã ra tín hiệu Morse để thông báo “Tôi còn sống…”.

Tại khu vực xảy ra sự cố tàu ngầm K-129 có không những tàu của Liên Xô, mà còn có cả các phương tiện quân sự của Mỹ. Phía Mỹ theo dõi sát sao diễn biến tình hình, khi nó trở nên nghiêm trọng. Ba ngày sau khi bắt đầu xảy ra sự cố, toàn bộ thủy thủ đoàn còn lại được sơ tán ra khỏi tàu ngầm hạt nhân. Thi thể của thủy thủ Sergey Preminin cùng tàu ngầm K-129 đã chìm xuống đáy Đại Tây Dương ở độ sâu hơn 5km (hiện tàu vẫn còn nằm ở đó).

Về sau, tờ “The Washington Post” của Mỹ trong một bài viết đã đánh giá cao sự chuyên nghiệp của các thủy thủ Liên Xô, những người biết cách ngăn chặn một thảm họa hạt nhân thực sự có thể xảy ra.

Tưởng nhớ người Anh hùng

10 năm sau sự cố trên tàu ngầm hạt nhân K-129, Sergey Preminin được truy tặng Huân chương Sao Đỏ, đến năm 1997 anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga. Ngoài ra, anh còn được truy tặng Huân chương “Vì phụng sự Tổ quốc” hạng Nhất.

Tại thành phố Gadzhievo (tỉnh Murmansk, đây là cảng neo đậu của tàu ngầm K-129) đã dựng 2 bức tượng của Anh hùng Sergey Preminin. Tại Vologodchina, nơi Preminin sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân bình thường, cũng được dựng một bức tượng để tưởng nhớ anh. Người dân địa phương thường tổ chức các hoạt động tưởng nhớ chiến công của người con quê hương dũng cảm này, hai trường trung học và một con đường trong thành phố cũng mang tên anh.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/thuy-thu-lien-xo-tung-cuu-nuoc-my-khoi-tham-hoa-nhat-nhan-660900