Tỉ lệ lao động qua đào tạo chiếm 65,88%

(QTO) - Chiều nay 25/12/2020, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đỗ Năng Khánh.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có nhiều thành tích trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020 - Ảnh: M.Đ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có nhiều thành tích trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020 - Ảnh: M.Đ

Qua 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét, thực chất cả về lượng và chất trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác này đã gắn kết chặt chẽ với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị về giáo dục nghề nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và dạy nghề cho 57.482 lao động nông thôn, trong đó, dạy nghề nông nghiệp 33.424 người; dạy nghề phi nông nghiệp 24.058 người; trên 80% lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm và cho thu nhập ổn định.

Công tác đào tạo nghề đa dạng về hình thức và loại hình đào tạo, số lượng các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn cũng tăng lên, đến nay đã có 22 cơ sở, bao gồm: 4 trường trung cấp, 2 trường cao đẳng, 9 trung tâm dạy nghề và 8 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó, cơ sở đào tạo nghề công lập chiếm 75%. Chương trình đào tạo và các ngành nghề được mở rộng phù hợp theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đội ngũ cán bộ quản lý các cấp và giáo viên được nâng cao về trình độ và kỹ năng. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề được triển khai đồng bộ, đúng đối tượng và hiệu quả. Nhờ đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn đến nay chiếm 65,88%, đạt kế hoạch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

Về mục tiêu đào tạo nghề giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030 được xác định: Giai đoạn 2021- 2025, đào tạo nghề cho 40.000 lao động nông thôn. Phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75 - 80%, tỉ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 33%. Đến năm 2030, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 85 - 90%, tỉ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 36%. Đáp ứng nhu cầu lao động cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đảm bảo chất lượng và hiệu quả, sau khi học xong có 80 % lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam ghi nhận và biểu dương những đóng góp của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua. Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tăng cường quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực. Cần xác định thực hiện công tác đào tạo nghề là thực hiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Do đó, phải gắn công tác đào tạo nghề với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn.

Từ đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp thực hiện một cách bài bản, cụ thể, sát thực tiễn. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tạo sự lan tỏa, từng bước làm thay đổi được nhận thức của người lao động về công tác đào tạo nghề, làm cho người lao động xác định được đào tạo nghề vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của mình để chủ động và tích cực tham gia học nghề giải quyết việc làm.

Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với đào tạo nghề; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, trong đó, ưu tiên ngành nghề nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu nông lâm sản và lĩnh vực phi nông nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, dịch vụ du lịch…; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp và đội ngũ giáo viên làm công tác đào tạo nghề.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 11 tập thể và 12 cá nhân đã có nhiều thành tích trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020.

Minh Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=154286