Tỉ lệ sàng lọc sơ sinh toàn Hà Nội đạt 90%

Thời gian qua, công tác tầm soát các dị dạng, tật bệnh bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh được Thành phố chú trọng triển khai. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho vị thành niên, thanh niên và các cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn được duy trì thường xuyên tại các quận/huyện/thị xã.

Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội, tính đến hết 9 tháng năm 2023 dân số toàn thành phố đạt 8.499.038 người; số sinh toàn thành phố 9 tháng là 69.321 trẻ tăng 6.271 trẻ so với cùng kỳ năm 2022. Số trẻ là con thứ 3 trở lên 9 tháng là 4.902 trẻ, tăng 356 trẻ so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 7,07 % tăng 0,45% so với năm 2022).

Lấy mẫu máu gót chân của trẻ sơ sinh trong 24 - 72 giờ đầu sau sinh sàng lọc bệnh chuyển hóa tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Ảnh: Dương Ngọc)

Lấy mẫu máu gót chân của trẻ sơ sinh trong 24 - 72 giờ đầu sau sinh sàng lọc bệnh chuyển hóa tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Ảnh: Dương Ngọc)

Tỉ số giới tính khi sinh ở mức 111,1 trẻ trai/100 trẻ gái; tỉ lệ sàng lọc trước sinh đạt 89,81% (78.674 phụ nữ được siêu âm sàng lọc trước sinh); tỉ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 90,01% (62.399 trẻ được sàng lọc sơ sinh); tỉ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 53,4%;

Thời gian qua, công tác tầm soát các dị dạng, tật bệnh bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh được Thành phố chú trọng triển khai. Toàn Thành phố tập trung thực hiện các hoạt động theo đúng tiến độ kế hoạch kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Đề án mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã; đẩy mạnh công tác truyền thông tại cộng đồng.

Trên địa bàn Thành phố có 86 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng, 40 Câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe, 24 mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn;18 mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; 10 mô hình truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản -kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù (khu làng nghề truyền thống, khu công nghiệp, vùng công giáo, vùng dân tộc ít người, vùng dân di cư tự do).

Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho vị thành niên, thanh niên và các cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn được duy trì thường xuyên tại các quận/huyện/thị xã thông qua các buổi truyền thông tại cộng đồng với nội dung đa dạng và phong phú.

Cùng đó, các nội dung về chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; tư vấn khám sức khỏe cho đối tượng trước kết hôn cũng được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, tọa đàm, giao lưu, báo in, báo điện tử, loa truyền thanh và các sản phẩm truyền thông khác như: Sách, đặc san, tờ rơi, tờ gấp, khẩu hiệu, băng đĩa, xây dựng hệ thống pa nô tuyên truyền, truyền thông trực tiếp, tụ điểm tuyên truyền, sinh hoạt ngoại khóa theo chuyên đề tại các trường học, tư vấn tại hộ gia đình...

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ti-le-sang-loc-so-sinh-toan-ha-noi-dat-90-164064.html