Tỉ lệ thành công rất cao nhờ nuôi tôm theo quy trình CPF Combine
Nuôi tôm thường đối mặt với nhiều rủi ro. Thế nhưng anh Trần Văn Dụng ở tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh lại có tỉ lệ thành công rất cao nhờ nuôi tôm theo quy trình CPF Combine. Đặc biệt, vụ nuôi tôm năm nay, trong khi phần lớn các hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn nói riêng và toàn tỉnh nói chung bị thiệt hại do dịch bệnh thì mô hình này còn đạt kỷ lục với kích cỡ thu hoạch 20 con/kg sau 119 ngày nuôi.
Anh Dụng cho biết, trước đây anh chủ yếu nuôi tôm theo phương thức truyền thống nhưng sau khi tiếp cận, tìm hiểu quy trình nuôi tôm CPF Combine của Công ty CP Việt Nam, cuối năm 2021, anh quyết định đầu tư hơn 2,5 tỉ đồng xây dựng trang trại nuôi tôm trên diện tích 3 ha tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn để nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình này.
Trong đó, anh chỉ dành ra 0,5 ha để xây dựng các ao nuôi tôm, phần diện tích còn lại để xây dựng hệ thống ao xử lý nước bao gồm ao lắng, lọc và ao xả thải.
Toàn bộ quá trình xây dựng, vận hành quy trình nuôi tôm theo mô hình CPF Combine 3 giai đoạn trong trang trại đều có sự giám sát, hướng dẫn thường xuyên của các các kỹ sư đến từ Công ty CP Việt Nam.
Theo anh Dụng, điểm khác biệt của mô hình CPF Combine đó là vai trò rất quan trọng của hệ thống xử lý nước. Với hệ thống này, nguồn nước khi được đưa vào ao nuôi đều đảm bảo các chỉ số an toàn cho tôm nuôi, không có vi khuẩn, vi rút gây hại...
Qua đó, giúp cho tôm nuôi có môi trường an toàn để phát triển thuận lợi. Cụ thể, nước mặn sau khi được cấp trực tiếp vào hồ lắng thô sẽ được chuyển sang hồ lắng thứ 2. Tại đây nước được xử lý bằng thuốc tím và kết tủa lơ lửng hữu cơ trong 4 - 5 giờ.
Sau đó, nước được xử lý tiếp bằng hóa chất Chlorin để diệt khuẩn rồi đưa vào 2 ao sẵn sàng để cấp vào ao nuôi. Ưu điểm của hệ thống này là khả năng xử lý nước khá nhanh, đầu vào xử lý nước, đầu ra cấp thẳng vào ao nuôi và luân chuyển tuần hoàn liên tục 24/24 giờ.
Nhờ vậy, hệ thống không chỉ luôn cấp đủ nước cho ao nuôi mà đảm bảo nguồn nước luôn an toàn cho tôm nuôi vì khi nước vừa hết clo (dùng để diệt khuẩn trong quá trình xử lý nước) thì đã được cấp ngay vào ao nuôi khiến cho tảo, vi khuẩn không có thời gian để phát sinh, phát triển trở lại.
Nhờ đảm bảo được chất lượng nguồn nước trong ao, nguồn tôm giống sạch bệnh của Công ty CP Việt Nam cùng nguồn thức ăn chất lượng cao, tôm thẻ nuôi trong trang trại của anh Dụng luôn phát triển tốt.
Đến nay, sau gần 1,5 năm với 4 vụ nuôi, trang trại của anh Dụng đã thành công tới 3 vụ. Chỉ có 1 vụ tôm nuôi chậm lớn do bị bệnh đường ruột nhưng tỉ lệ sống vẫn cao nên sau khi trừ chi phí thì vẫn hòa vốn.
Đặc biệt, trong vụ nuôi vừa qua, khi nguồn nước bên ngoài sông Sa Lung, nguồn nước chính để nuôi tôm bị ô nhiễm, hầu hết các ao nuôi tôm tại xã Vĩnh Sơn đều bị thiệt hại thì tôm nuôi trong trang trại của anh vẫn phát triển tốt.
Anh Dụng cho biết, trên diện tích 1.200 m2 , với 30 vạn tôm giống, anh thu được gần 7,5 tấn tôm thương phẩm. Trong đó, ở đợt thu hoạch thứ 3 sau 119 ngày nuôi anh đạt kỷ lục khi tôm nuôi đạt kích cỡ 20 con/kg, trừ chi phí anh thu lãi khoảng 600 triệu đồng.
“Khi xây dựng trang trại tôi dự kiến sau khoảng 3 năm sẽ thu hồi được toàn bộ số vốn đầu tư nhưng hiện tại chỉ sau 1,5 năm tôi đã khấu hao xong toàn bộ chi phí xây dựng và bắt đầu có lãi”, anh Dụng vui vẻ nói.
Theo ông Trần Việt Phương, đại diện Công ty CP Việt Nam tại khu vực miền Trung, trước những rủi ro về dịch bệnh mà người nuôi tôm phải đối mặt ngày càng nhiều, CP Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng quy trình CPF-Combine để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nuôi tôm.
Theo đó, CPF-Combine là sự kết hợp nhiều giải pháp quan trọng như an toàn sinh học (dùng chế phẩm sinh học ngăn ngừa vật chủ trung gian, dùng vi sinh khống chế dịch bệnh), môi trường nuôi sạch (nguồn nước đầu vào và đáy ao được xử lý sạch), sử dụng con giống sạch bệnh và dùng thức ăn chất lượng tốt.
Đặc biệt, tôm được thu hoạch từ mô hình CPFCombine đều có thể chế biến xuất khẩu vì có chất lượng tốt, không có dư lượng kháng sinh, vì quy trình này đã giúp nông dân giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh trên tôm ngay từ khâu xử lý nước, con giống và sự kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình nuôi. Chính vì vậy, tôm nuôi theo quy trình này thường có giá bán tốt, giúp nông dân có lợi nhuận cao.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh, Công ty CP Việt Nam cũng đang hỗ trợ một số hộ nuôi tôm áp dụng quy trình CPF Combine 3 giai đoạn và đều phát triển tốt. Với giải pháp công nghệ mới của Công ty CP Việt Nam đã giúp giảm thời gian mỗi vụ nuôi trong ao xuống chỉ còn 2 - 3 tháng. Với công nghệ này, tôm được nuôi theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn tôm con nhỏ sẽ được nuôi trong bể chứa với dung tích nước nhỏ, nhờ vậy không tốn diện tích ao nuôi.
Khi tôm lớn lên sẽ được đưa sang ao nuôi có dung tích lớn hơn. Việc chia ra nuôi nhiều giai đoạn như vậy sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Thời gian nuôi trong ao ngắn, giúp tiết kiệm được diện tích ao nuôi, quay vòng các lứa nhanh, lại đảm bảo phòng dịch bệnh, tỉ lệ chết thấp, tôm lớn nhanh hơn.
Không những thế, CPF-Combine còn giúp nông dân nuôi tôm thẻ đạt kích cỡ lớn (có thể đạt 15 con/kg) để có giá bán cao hơn, lợi nhuận tốt hơn. Cụ thể, đối với trang trại của anh Dụng thì đây là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã hộ nuôi tôm thẻ chân trắng đạt được kích cỡ 20 con/kg sau 119 ngày nuôi.
Ngoài ra, giá bán tôm bình quân cũng cao hơn, từ 155.000 đồng/kg với tôm đạt kích cỡ 35 con/kg và lên đến 230.000 đồng/kg đối với kích cỡ 20 con/kg. Nguyên nhân là vì hiện nay, trước áp lực cạnh tranh từ tôm thẻ cỡ nhỏ và vừa với giá rẻ từ các thị trường khác như Ấn Độ, Ecuador, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang có xu hướng tìm mua tôm cỡ lớn để chế biến, xuất khẩu.
“Không chỉ áp dụng với những trang trại nuôi tôm lớn, công nghệ nuôi tôm của Công ty CP Việt Nam còn giúp những hộ nông dân có diện tích mặt nước nhỏ, khoảng 800 - 1.000m2 vẫn nuôi được tôm”, ông Phương cho biết thêm.