Tỉ phú Richard Branson thực hiện thành công chuyến bay lên vũ trụ bằng máy bay siêu thanh gắn tên lửa

Tỉ phú 70 tuổi người Anh, Richard Branson, người sáng lập Virgin Galactic cùng 5 nhân viên của công ty đã thực hiện thành công chuyến bay đầy đủ phi hành đoàn đầu tiên lên vũ trụ và hạ cánh an toàn trở về Trái đất.

Chuyến bay đầy đủ phi hành đoàn đầu tiên

Chiếc máy bay hai thân VMS Eve đã cất cánh từ Spaceport America, New Mexico, Mỹ lúc 8h30’ giờ MT sáng 11/7 (21h30’ giờ Việt Nam), mang theo phi thuyền VSS Unity, một máy bay siêu thanh gắn tên lửa. Chuyến bay trễ so với kế hoạch ban đầu 90 phút, do điều kiện thời tiết. Phi thuyền được đặt theo theo số thứ tự là Unity 22, chuyến bay chở người thứ 4 và là chuyến bay đầu tiên mang đủ 6 thành viên phi hành đoàn, bao gồm 2 phi công, của Virgin Galactic lên vũ trụ.

Phi thuyền VSS Unity. Ảnh: AP.

Phi thuyền VSS Unity. Ảnh: AP.

Sau khi được máy bay đưa lên độ cao khoảng 50.000 feet (15,24km) lúc 9h15’ giờ MT, phi thuyền VSS Unity đã tách ra khỏi tàu mẹ, khởi động động cơ hướng về phía rìa không gian với vận tốc hơn 3.000km/h. Thời điểm được CNN mô tả “các hành khách phải chịu lực lên tới 3 G (g-force) từ sự bùng nổ của gia tốc cực mạnh và nhìn bầu trời xanh khuất dần trong bóng tối lốm đốm các vì sao của không gian vũ trụ”.

Phi hành đoàn tham gia chuyến bay. Ảnh: AP.

Phi hành đoàn tham gia chuyến bay. Ảnh: AP.

Phi thuyền VSS Unity đã đưa phi hành đoàn đạt độ cao khoảng 53 dặm (86km), theo một đường bay hình vòng cung. Sau vài phút ngắm nhìn Trái đất ở đỉnh cung hành trình trong trạng thái không trọng lượng, VSS Unity quay trở lại Trái đất.

Phi thuyền VSS Unity tách ra từ tàu mẹ, kích hoạt động cơ phóng về phía rìa không gian. Ảnh: CNN.

Phi thuyền VSS Unity tách ra từ tàu mẹ, kích hoạt động cơ phóng về phía rìa không gian. Ảnh: CNN.

Chuyến bay mất khoảng một giờ kể từ khi cất cánh cho đến khi hạ cánh.

Branson là thành viên của phi hành đoàn 6 người tham gia chuyến bay, gồm 2 phi công David Mackay và Michael Masucci, cùng 3 chuyên gia sứ mệnh giúp đánh giá trải nghiệm cho các phi hành gia trong tương lai.

Cuộc đua không gian của các tỉ phú

Chuyến bay của Branson diễn ra chỉ 9 ngày trước chuyến bay có mục đích tượng tự là du lịch vũ trụ của Blue Origin của tỉ phú Mỹ, ông chủ Amazon, Jeff Bezos, dự kiến diễn ra ngày 20/7 trên phi thuyền New Shepard. Đây cũng là nỗ lực sau 20 năm nghiên cứu của Virgin Galactic với nhiều thất bại và thiệt hại nhân mạng trước đó.

Phi thuyền VSS Unity là một áy bay siêu thanh chạy bằng tên lửa. Ảnh: Virgin Galactic.

Phi thuyền VSS Unity là một áy bay siêu thanh chạy bằng tên lửa. Ảnh: Virgin Galactic.

Chuyến bay của Virgin Galactic bị Blue Origin chê là không có trải nghiệm bay trên không gian thực sự, lưu ý, không giống như VSS Unity, phi thuyền New Shepard của Bezos vươn tới đường Kármán ở độ cao 62 dặm (100 km), được Liên đoàn Hàng không quốc tế (FAI) coi là rìa không gian, ranh giới giữa khí quyển Trái Đất và khoảng không vũ trụ.

Người chơi thứ ba trong lĩnh vực du lịch vũ trụ là công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk, vốn đang ráo riết thực hiện các cuộc thử nghiệm và có kế hoạch đưa phi hành đoàn đầu tiên lên quĩ đạo vào tháng 9.

Phi hành đoàn phi thuyền VSS Unity trong trạng thái không trọng lượng. Ảnh: Virgin Galactic.

Phi hành đoàn phi thuyền VSS Unity trong trạng thái không trọng lượng. Ảnh: Virgin Galactic.

Ba công ty này sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong ngành công nghiệp du lịch vũ trụ, cung cấp dịch vụ cho những khách hàng giàu có để có những chuyến đi ngắn lên bầu khí quyển trên tàu vũ trụ siêu thanh, chạy bằng tên lửa.

Sự phấn khích của phi hành đoàn trong trạng thái không trọng lượng khi phi thuyền Unity đạt đỉnh đỉnh cung hành trình. Nguồn: Virgin Galactic.

Virgin Galactic cho biết họ có kế hoạch thực hiện ít nhất 2 chuyến bay thử nghiệm nữa trong những tháng tới trước khi bắt đầu hoạt động thương mại thường xuyên vào năm 2022. Một trong những chuyến bay đó sẽ chở 4 phi hành gia người Ý hiện đang được đào tạo, theo Giám đốc điều hành công ty Michael Colglazier. Cho đến nay, hơn 600 người đã đặt vé cho những chuyến du hành vũ trụ trong tương lai của Virgin Galactic, có giá từ 200.000 - 250.000 USD/vé.

Đường bay hình vòng cung của phi thuyền Unity. Nguồn: Reuters.

Đường bay hình vòng cung của phi thuyền Unity. Nguồn: Reuters.

Trong khi ngày 20/7 tới sẽ là chuyến bay thương mại đầu tiên của tỉ phú Bezos, trong đó có vé đã được đấu giá tới 20 triệu USD.

Branson cho biết, ông đặt mục tiêu giảm giá xuống khoảng 40.000 USD/chỗ ngồi khi công ty đạt được quy mô về dịch vụ. Virgin Galactic cũng đặt mục tiêu xây dựng một đội bay đủ lớn để đáp ứng khoảng 400 chuyến bay hàng năm tại sân bay vũ trụ.

Ngân hàng đầu tư UBS có trụ sở tại Thụy Sĩ đã ước tính giá trị tiềm năng của thị trường du lịch vũ trụ đạt 3 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030.

Huy Anh/VirginGalactic, CNN, Reuters, futurism

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/ti-phu-richard-branson-thuc-hien-thanh-cong-chuyen-bay-len-vu-tru-bang-may-bay-sieu-thanh-gan-ten-lua-108708.html