Tía tô đỏ nuôi ước mơ xanh

Tôi mơ ước xây dựng được chuỗi sản phẩm làm đẹp an toàn từ cây tía tô đỏ, góp phần bảo tồn, nâng cao giá trị cho thảo dược địa phương, đồng thời tạo sinh kế cho phụ nữ vùng cao', đó là ước mơ của cô gái Trần Anh Xuân (sinh năm 1991), Giám đốc Hợp tác xã Sa Pa Secrets.

Hành trình “gieo hương vào đất”

Cây đào rừng trước hiên nhà chị Xuân nở hoa rực rỡ như báo hiệu một năm nhiều niềm vui và khởi sắc. Bên hiên nhà, các bà, các chị đang thoăn thoắt đóng những gói trà tía tô thơm nồng làm tôi nhớ tới mùi hương của túi xông cuối năm bà ngoại thường chuẩn bị cho tôi ngày nhỏ. Không khí tết cận kề. Cùng nhâm nhi tách trà nóng, ấm nồng, vừa lạ vừa thân quen, chị Trần Anh Xuân kể cho tôi nghe hành trình từ một kỹ sư nông nghiệp trở thành cô gái người Dao “fake” nuôi ước mơ gây dựng một vùng dược liệu quý tại mảnh đất Tả Phìn (thị xã Sa Pa).

Thành viên Hợp tác xã thu hoạch tía tô đỏ.

Thành viên Hợp tác xã thu hoạch tía tô đỏ.

Chị Trần Anh Xuân sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, lên Lào Cai lập nghiệp theo chương trình của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây á nhiệt đới (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội). 3 năm trước, chị Xuân quyết định nghỉ việc tại trung tâm, rồi cùng chồng lập nghiệp tại mảnh đất Tả Phìn. Thời gian đầu, chị thực hiện các tour du lịch bản làng giá rẻ cho sinh viên và người thu nhập thấp, mở một vài homestay đón khách. Ngoài công việc hướng dẫn viên du lịch, hằng ngày, chị Xuân dành phần lớn thời gian lặn lội đi rừng, miệt mài với các hệ thực vật. Không biết từ bao giờ, chị “say” mùi hương các loại thảo mộc như sả, hồi, quế… Tình cờ, chị Xuân phát hiện tại Tả Phìn có giống tía tô đỏ bản địa rất quý, có màu sắc đậm hơn tía tô thông thường, đồng thời có hàm lượng tinh dầu vượt trội (1,2 tấn lá cho thu 1 lít tinh dầu) và hàm lượng chất oxy hóa cao hơn. “Sinh ra và lớn lên từ vùng quê Thái Bình, ngày còn nhỏ, tôi bị “nghiện” món cá chép om dưa cho thêm lá tía tô thơm nồng của mẹ, rồi cả cốc trà tía tô mẹ sắc cho tôi mỗi khi bị cảm cúm, thứ nước ấm áp như tình yêu của mẹ ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Sau này, trong quá trình tìm hiểu về tía tô đỏ Tả Phìn, tôi càng thêm ngạc nhiên về những lợi ích của loại thảo dược quen thuộc này”, chị Xuân nhớ lại.

Tía tô có hàm lượng dược tính cao, ứng dụng nhiều trong y học dân gian và làm đẹp. Tuy nhiên, các sản phẩm chế biến từ tía tô còn rất hạn chế, chưa tiện dụng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và chưa mang lại giá trị cao cho người sản xuất. Chính vì thế, chị Xuân đã nghiên cứu chế biến tinh dầu tía tô và ước mong thúc đẩy cây trồng này thành cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân Tả Phìn. Năm 2018, chị Xuân cùng 6 phụ nữ bản địa thành lập Hợp tác xã Sa Pa Secrets với mô hình sản xuất khép kín từ trồng, nghiên cứu đến sản xuất các sản phẩm từ tía tô đỏ. Chỉ sau 3 năm, chị đã xây dựng được vùng nguyên liệu rộng 3 ha với 15 sản phẩm chính từ tía tô như trà túi lọc, cao, tinh dầu tía tô, sữa rửa mặt, dầu gội, sữa tắm...

Chị Xuân cũng cho biết, dịch Covid-19 vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các sản phẩm tía tô của Hợp tác xã Sa Pa Secrets được “bay” xa, bởi nhu cầu sử dụng mỹ phẩm từ thiên nhiên ngày càng được ưa chuộng. Các sản phẩm của hợp tác xã bán cho bạn bè, người quen, “hữu xạ tự nhiên hương” lan tỏa tới nhiều vùng đất. Quy trình sản xuất rất tỉ mỉ, cẩn thận, an toàn và chất lượng tốt, nên sản phẩm được thị trường và người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. Nhằm mở rộng thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm, chị Xuân thường xuyên đưa các sản phẩm của hợp tác xã tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ kết nối và các chương trình khởi nghiệp. Gần đây, chị Xuân vinh dự là tác giả có ý tưởng xuất sắc vòng chung kết Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2021.

Nuôi ước mơ xanh

Tôi còn nhớ, chị Xuân từng thuyết trình tại Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2021, rằng: “Xuất phát điểm cao hay thấp không quan trọng. Đi nhanh hay chậm không quan trọng. Trước hay sau không quan trọng. Quan trọng là mang lại giá trị cốt lõi cho những người xung quanh. Chúng tôi tin rằng, chất lượng sản phẩm chính là giá trị cốt lõi của Hợp tác xã Sa Pa Secrets”.

Theo đuổi triết lý kinh doanh “hương tỏa từ tâm”, các thành viên Hợp tác xã Sa Pa Secrets tin rằng con đường đến với thảo mộc đại ngàn là con đường đúng, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng. Với mô hình sản xuất khép kín, chị Xuân mong tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn, ai cũng được hưởng lợi trực tiếp từ mô hình.

Sản phẩm của Hợp tác xã được nhiều người tìm mua.

Sản phẩm của Hợp tác xã được nhiều người tìm mua.

Hiện các sản phẩm tinh dầu của hợp tác xã không đủ đáp ứng đơn đặt hàng vì nguồn nguyên liệu hạn chế. Hợp tác xã đang tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu. Dự định năm 2022, hợp tác xã sẽ ký hợp đồng trồng và bao tiêu sản phẩm tía tô với tổng diện tích khoảng 30 ha, đồng thời xây dựng mô hình farmstay để đón khách du lịch. Tại đây, du khách có thể tham quan và trải nghiệm khu vực sản xuất, tận tay làm ra các mỹ phẩm mà mình vẫn sử dụng hằng ngày… Chị Xuân chia sẻ thêm: Mục tiêu bền vững xuyên suốt của Hợp tác xã Sa Pa Secrets là xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ phục vụ sản xuất; áp dụng công nghệ hiện đại trong chế biến dược liệu; tiếp tục nghiên cứu và mở rộng các sản phẩm từ tinh dầu và thảo mộc thiên nhiên như ngâm chân, thảo dược tắm… tạo sinh kế cho người dân Tả Phìn, đặc biệt là phụ nữ.

Hợp tác xã Sa Pa Secrets đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng và 400 - 500 công nhật mỗi năm. Chị Chảo Lở Mẩy, thôn Lủ Khấu, xã Tả Phìn bộc bạch: Trước kia, người dân Tả Phìn chủ yếu sống nhờ du lịch, nhưng do dịch bệnh nên mọi người không có việc làm. Với kinh nghiệm làm thuốc tắm người Dao đỏ, tôi được hợp tác xã giao phụ trách một khâu sản xuất các sản phẩm từ cây tía tô, mỗi tháng cũng có thu nhập khoảng 7 triệu đồng.

Trong căn nhà sàn đơn sơ, mùi tinh dầu tía tô phảng phất tạo cảm giác thư thái, ấm áp giữa tiết trời mùa đông, chị Xuân “bật mí” cho tôi về cái tên mà chị đặt cho hợp tác xã. “Sa Pa Secrets” là bí mật của Sa Pa và cũng là ước mơ của chị về tương lai sẽ tìm được nhiều thảo dược bản địa quý hiếm và biến chúng thành những sản phẩm đặc trưng của Sa Pa. “Khi mọi người đang lạm dụng các hương liệu công nghiệp, nhân tạo trong sản xuất, chế biến cho nhanh gọn, tiện lợi… thì chúng tôi lại quay về với tự nhiên, với rừng, với núi, với cả kho dược liệu quý giá, an lành. Đây sẽ là hướng phát triển bền vững, phù hợp với xu thế và đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng”, Trần Anh Xuân chia sẻ.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352743-tia-to-do-nuoi-uoc-mo-xanh