TICAD và nền ngoại giao châu Phi của Nhật Bản

Vào mùa hè này, Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi lần thứ tám (TICAD 8) dự kiến được tổ chức tại Tunisia vào ngày 27 - 28.8. TICAD là một hội nghị quốc tế đa phương nhằm thảo luận và xử lý các vấn đề liên quan đến sự phát triển của lục địa châu Phi. Được Chính phủ Nhật Bản phối hợp với Liên Hợp Quốc (LHQ), Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Liên minh châu Phi và Ngân hàng Thế giới tổ chức từ năm 1993, TICAD là đại diện tiêu biểu cho nền ngoại giao châu Phi của Nhật Bản suốt 20 năm qua.

Tại sao Tokyo lại có động lực đóng góp vào sự phát triển của lục địa châu Phi? Để hiểu được cách tiếp cận và động lực của Nhật Bản, cần phải bối cảnh và xem xét quá trình các hội nghị TICAD diễn ra cũng như ưu tiên của các đời Thủ tướng Nhật Bản qua từng thời kỳ.

Nhìn lại lịch sử TICAD

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức TICAD 1 tại Tokyo trong hai ngày 5 - 6.10.1993, do Thứ trưởng Ngoại giao Azuma Shozo đồng chủ trì. Ngày 5.10, Thủ tướng Nhật Bản Hosokawa Morihiro đã có bài phát biểu quan trọng, cho rằng Tuyên bố Tokyo nên được thông qua tại hội nghị như một kim chỉ nam cho sự phát triển trong tương lai của châu Phi. Vào ngày hôm sau, Tuyên bố Tokyo về Phát triển châu Phi đã được thông qua và các đại biểu đã nhất trí về một chương trình nghị sự vì sự phát triển của châu Phi, bao gồm các biện pháp chống các bệnh truyền nhiễm, vốn từ lâu đã gây ra những hệ lụy tai hại cho lục địa này.

Hội nghị TICAD 7 năm 2019

Hội nghị TICAD 7 năm 2019

Nguồn: mofa.jp

TICAD 2 được Chính phủ Nhật Bản tổ chức với sự hợp tác của LHQ và Liên minh toàn cầu về châu Phi (GCA) tại Tokyo từ ngày 19 - 21.10.1998. Vào ngày 19.10, Thủ tướng Obuchi Keizo đã có bài phát biểu quan trọng, cho rằng Nhật Bản nên ưu tiên đóng góp của mình đối với sự phát triển xã hội của châu Phi, chẳng hạn như giáo dục tiểu học, cung cấp nước sạch, hỗ trợ sức khỏe cộng đồng và tiếp cận y tế. Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Komura Masahiko, trong bài phát biểu về chính sách của Nhật Bản tại hội nghị khẳng định rằng, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ giảm tỷ lệ tử vong sớm ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh của châu Phi, giải quyết đại dịch HIV/AIDS và tiêu diệt virus bại liệt ở châu lục này. Ngoài ra, bệnh sốt rét và bệnh lao cũng được đưa vào Tuyên bố TICAD 2 của Tokyo như các bệnh truyền nhiễm chính khác cần được ngăn ngừa. Đáng chú ý, Nhật Bản đã xác nhận hợp tác với Mỹ trong việc xóa bỏ bệnh bại liệt thông qua sự hợp tác cấp cơ sở giữa Tổ chức Tình nguyện Hợp tác Hải ngoại Nhật Bản (JOCV) và Lực lượng Hòa bình Hoa Kỳ.

TICAD 3 được tổ chức tại Tokyo từ ngày 29.9 - 1.10.2003, dưới sự chủ trì của nguyên Thủ tướng Mori Yoshiro. Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị năm đó, ông Mori đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khái niệm “an ninh con người” là một trong những tầm nhìn quan trọng của ngoại giao Nhật Bản. Sau phát biểu khai mạc, đương kim Thủ tướng khi đó là ông Koizumi Junichiro đã có bài phát biểu quan trọng, chỉ ra rằng đóng góp của Nhật Bản đối với sự phát triển của châu Phi cần dựa trên ba trụ cột: phát triển lấy con người làm trung tâm, xóa đói giảm nghèo thông qua tăng trưởng kinh tế và củng cố hòa bình. Ông Koizumi cũng đề cập đến khái niệm an ninh con người như là tầm nhìn ngoại giao của Nhật Bản đối với sự phát triển của châu Phi.

TICAD 4 được tổ chức tại Yokohama, tỉnh Kanagawa, từ ngày 28 - 30.5.2008, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Fukuda Yasuo. Trong bài phát biểu quan trọng của mình, ông Fukuda nhấn mạnh tầm quan trọng của “sổ tay sức khỏe bà mẹ và trẻ em” được sử dụng ở Nhật Bản để duy trì tình trạng sức khỏe của phụ nữ mang thai và trẻ em. Ông chỉ ra rằng ở châu Phi cũng có thể sử dụng một cuốn sổ tay tương tự để nâng cao sức khỏe của cả bà mẹ và trẻ em. Đáng chú ý, ông Fukuda cam kết Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho châu Phi trong 5 năm. Bằng cách này, Chính quyền Fukuda đã bày tỏ lập trường và những đóng góp của mình trong việc đạt được an ninh con người ở châu Phi.

TICAD 5 được tổ chức tại Yokohama theo khái niệm cơ bản “Chung tay cùng một châu Phi năng động hơn” từ ngày 1 - 3.6.2013 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Abe Shinzo. Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Abe tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ cung cấp 650 tỷ yen (tương đương 6,5 tỷ USD) để phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Phi trong 5 năm. Trong lĩnh vực y tế toàn cầu, ông Abe lập luận rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ cố gắng biến Bảo hiểm Y tế toàn dân (UHC) trở thành một phần của “thương hiệu Nhật Bản” ở lục địa châu Phi. Ông cũng đề cập đến vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong các hoạt động chống cướp biển ở Djibouti và các hoạt động xây dựng đất nước ở Nam Sudan nhằm đạt được an ninh con người ở châu Phi.

Tại hội nghị, Tuyên bố Yokohama 2013 đã được thông qua vào ngày 3.6, nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển cơ sở hạ tầng và các cơ chế ngăn ngừa xung đột khu vực, đặc biệt là Kiến trúc Hòa bình và An ninh châu Phi (APSA). Tuyên bố cũng khẳng định lại sự cần thiết của việc thúc đẩy sức khỏe trẻ em và hỗ trợ Chiến dịch Giảm nhanh tỷ lệ tử vong mẹ ở châu Phi (CARMMA) của Liên minh châu Phi.

TICAD 6 được tổ chức tại Nairobi, Kenya, trong hai ngày 27 - 28.8.2016 dưới sự đồng chủ trì của Thủ tướng Abe. Trong bài phát biểu quan trọng của mình tại phiên khai mạc, Thủ tướng Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được UHC ở châu Phi và đề cập đến đóng góp của Nhật Bản trong các hoạt động gìn giữ hòa bình ở châu lục này kể từ năm 1993. Đáng chú ý, ông Abe tuyên bố rằng Nhật Bản “có trách nhiệm thúc đẩy sự hợp lưu của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, châu Á và châu Phi trở thành một nơi coi trọng tự do, pháp quyền và nền kinh tế thị trường, không bị cưỡng bức, và giúp châu Phi trở nên thịnh vượng”.

Tuyên bố này được coi là sự khởi đầu cho tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương (FOIP) tự do và rộng mở của Nhật Bản. Kết quả của hội nghị, Tuyên bố Nairobi đã được thông qua như một chương trình nghị sự về phát triển bền vững ở châu Phi. Trong tuyên bố, việc thiết lập một hệ thống y tế có khả năng phục hồi ở châu Phi được nhấn mạnh là một trong những ưu tiên, một phần do sự bùng phát của đại dịch Ebola. Các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm khác, chẳng hạn như HIV/AIDS, lao, sốt rét, Zika và sốt vàng da đã được đề cập và tầm quan trọng của việc ngăn ngừa và chuẩn bị cho đại dịch cũng như UHC cũng được nhấn mạnh.

TICAD 7 được tổ chức tại Yokohama vào ngày 28 - 30.8.2019, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Abe, và được đồng chủ trì bởi LHQ, UNDP, Ngân hàng Thế giới và Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC). Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Abe nhấn mạnh thực tế là đầu tư tư nhân của Nhật Bản vào châu Phi trong 3 năm gần nhất lên tới 20 tỷ USD. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Sáng kiến Giáo dục Doanh nghiệp châu Phi cho Thanh niên (Sáng kiến ABE) trong việc khuyến khích và thúc đẩy các doanh nhân trẻ ở châu lục này. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Yokohama, trong đó thừa nhận rằng điều cấp thiết là phải thúc đẩy thành tựu UHC ở châu Phi trong khi kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như HIV/AIDS, lao, sốt rét, bại liệt và các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTDs); đồng thời, khẳng định rằng các bên tham gia TICAD nhất trí tôn trọng pháp quyền được phản ánh trong Công ước LQH Luật Biển (UNCLOS), hàm ý một sự đồng thuận của các nước châu Phi và Nhật Bản trong việc phản đối các chính sách hàng hải thiếu thân thiện của Trung Quốc ở Biển Đông.

Động lực của Nhật Bản

Về động lực của Tokyo đối với sự phát triển của châu Phi, Bolade M. Eyinla, giáo sư tại Đại học Ilorin ở Nigeria nhận xét rằng, chính sách của Nhật Bản đối với TICAD dựa trên lợi ích quốc gia của nước này. Hơn nữa, như Giáo sư Takahashi Motoki của Đại học Kyoto đã chỉ ra, quá trình thúc đẩy TICAD có thể được coi là một phần trong chính sách ngoại giao cân bằng của Nhật Bản trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Abe Shinzo tại TICAD 6 cho thấy, quá trình TICAD đã được đưa vào tầm nhìn FOIP của Nhật Bản giống như một đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Phải nói rằng, việc xem xét lại các hội nghị TICAD trước đây, các bài phát biểu quan trọng và tuyên bố cho thấy rằng chính sách ngoại giao TICAD của Nhật Bản không chỉ dựa trên lợi ích quốc gia mà còn dựa trên các mục đích nhân đạo, tức là an ninh con người cho người dân châu Phi. Đặc biệt, chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh là những chủ đề nhất quán kể từ TICAD 1 năm 1993. Trong TICAD 8 sắp tới tại Tunisia, ngoại giao TICAD của Nhật Bản được kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào việc nâng cao các nhu cầu cơ bản của con người và an ninh con người ở lục địa châu Phi trong và sau đại dịch Covid-19.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ticad-va-nen-ngoai-giao-chau-phi-cua-nhat-ban-fhdwpqjqsx-81689