Tích cực cải thiện dinh dưỡng cho người khó khăn ở Tiền Giang

Chăm sóc sức khỏe, nâng cao tầm vóc thể trạng cho trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là mục tiêu quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Số liệu năm 2024 ở Tiền Giang cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 12,52% (133 trẻ suy dinh dưỡng/1.062 trẻ); tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gày còm ở trẻ em dưới 5 tuổi là 5,93% (63 trẻ suy dinh dưỡng/1.062 trẻ); tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em học đường từ 5 đến dưới 16 tuổi là 8,57% (822 trẻ suy dinh dưỡng/9.594 trẻ).

Nhằm cải thiện tình trạng, trong năm qua, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường tuyên truyền, sát sao thực hiện các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cũng như hỗ trợ người khó khăn có cơ hội được chăm sóc tốt hơn.

Cụ thể, số trẻ dưới 5 tuổi được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng: 244 trẻ; số bà mẹ có con dưới 5 tuổi và bà mẹ mang thai được tư vấn dinh dưỡng: 955 người; số trẻ được theo dõi và quản lý suy dinh dưỡng cấp tính tại cộng đồng: 150 trẻ.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường nâng cao chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc cho trẻ học đường (trẻ từ trên 5 đến dưới 16 tuổi). Số trẻ được tư vấn dinh dưỡng là 5.033 trẻ; số trẻ suy dinh dưỡng được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng là 1.117 trẻ.

Trẻ em được chăm sóc tốt là mục tiêu quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Trẻ em được chăm sóc tốt là mục tiêu quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Chương trình đã góp phần giúp cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo tiếp cận với các hoạt động dinh dưỡng, cung cấp các sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng, giúp phát hiện và điều trị sớm các trường hợp suy dinh dưỡng các thể, nhằm nâng cao tầm vóc, thể trạng người Việt Nam.

Năm 2025, tỉnh tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác dinh dưỡng các tuyến; truyền thông bằng nhiều hình thức; phối hợp liên ngành; cung cấp sản phẩm dinh dưỡng (đa vi chất, sắt, kẽm,…); cung cấp đầy đủ trang thiết bị, vật tư để đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em cho tuyến cơ sở, trường học; triển khai, theo dõi, đánh giá, báo cáo định kỳ việc thực hiện Chương trình; quản lý, tư vấn, theo dõi trẻ suy dinh dưỡng tại cộng đồng…

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tich-cuc-cai-thien-dinh-duong-cho-nguoi-kho-khan-o-tien-giang-2334010.html