Tích cực, chủ động phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè
Mùa hè với thời tiết nóng ẩm, là môi trường thuận lợi để một số loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát và dễ lan rộng trong cộng đồng. Cùng với các hoạt động tích cực của ngành chức năng, mỗi người dân, gia đình cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh theo khuyến cáo để giữ gìn sức khỏe của mình và gia đình cũng như cộng đồng.
Số ca mắc sốt xuất huyết, tay - chân - miệng tăng 2-3 lần so với cùng kỳ
Ngày 24/5, tại Khoa Lâm sàng các bệnh nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Hà Nam có 21 bệnh nhân, trong đó có 02 bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH), còn lại đa số bị cúm mùa, sốt không rõ nguyên nhân. Bác sỹ Lê Tự Vượng, Trưởng Khoa Lâm sàng các bệnh nhiệt đới cho biết: Ngày hôm trước có 03 ca nhưng 01 bệnh nhân đã được xuất viện. 02 bệnh nhân SXH đang nằm tại khoa đều là nam, tuổi còn trẻ, một người đã cắt sốt sức khỏe khá hơn nhưng một người vẫn còn sốt, khá mệt, phải có người nhà đỡ mới ngồi dậy được. Số bệnh nhân của khoa thời gian qua bình thường, không gây quá tải, nhưng ngoài các ca mắc cúm mùa nhiều, số ca mắc SXH đã xuất hiện rải rác.
Còn theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nam, từ ngày 16 đến hết ngày 22/5 qua hệ thống giám sát trên địa bàn tỉnh ghi nhận 03 trường hợp mắc/nghi mắc SXH. Điều tra tiền sử dịch tễ cho thấy, bệnh nhân không đi đâu xa khỏi địa phương trong vòng 14 ngày gần đây, xung quanh khu vực bệnh nhân sống không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh tương tự. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân ổn định, được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội - Đồng Văn 2 ca và ngoại trú 1 ca.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 32 trường hợp mắc/nghi mắc SXH. Có 4/6 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh (Duy Tiên, Phủ Lý, Kim Bảng, Thanh Liêm) có số ca SXH tăng so với cùng kỳ. Cùng thời điểm này năm 2023 số ca mắc/nghi mắc SXH toàn tỉnh mới chỉ có 14 ca. Như vậy so với cùng kỳ năm trước số ca mắc SXH đã tăng hơn gấp đôi (tăng 18 trường hợp). Số ca SXH so với cùng kỳ tăng hơn gấp đôi, cộng với việc qua xét nghiệm phát hiện hầu hết các loại muỗi truyền bệnh SXH đã kháng hóa chất diệt muỗi, cho thấy lo ngại rằng SXH năm nay sẽ khốc liệt hơn năm trước là hoàn toàn có cơ sở (năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận gần 950 ca mắc SXH).
Một bệnh truyền nhiễm nữa có số ca tăng nhiều so với cùng kỳ là bệnh tay- chân- miệng (TCM). Trong tuần từ ngày 16 đến hết ngày 22/5, toàn tỉnh ghi nhận thêm 05 trường hợp mắc bệnh TCM lâm sàng. Hiện tại, các bệnh nhân trên được điều trị và theo dõi tại nhà. Như vậy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 66 trường hợp mắc bệnh TCM. So với cùng kỳ năm 2023 số trường hợp mắc TCM lâm sàng tăng gấp gần 3 lần (tăng 43 trường hợp) trong đó một số đơn vị có số ca mắc nhiều như: huyện Bình Lục 31 ca, huyện Lý Nhân 24 ca. Có 5/6 đơn vị huyện, thị xã, thành phố số ca mắc bệnh TCM tăng so với cùng kỳ năm trước.
Một lo ngại nữa là từ đầu năm 2024 đến nay toàn tỉnh ghi nhận 03 trường hợp mắc bệnh ho gà. Theo thông tin từ CDC Hà Nam, trong tuần từ ngày 16 đến hết ngày 22/5 ghi nhận 01 trường hợp mắc bệnh ho gà điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Qua điều tra tiền sử dịch tễ cho thấy, bệnh nhân sinh ngày 26/3/2024 tại khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, sau sinh trẻ khỏe mạnh bình thường và về gia đình tại thôn Thử Hòa, xã Thanh Tân, Thanh Liêm. Ngày 13/5/2024 bệnh nhân có biểu hiện ho tăng lên, ho dữ dội từng cơn; gia đình cho cháu nhập viện điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ngày 16/5/2024 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với trực khuẩn ho gà kèm biểu hiện ho dữ dội thành cơn kéo dài. Hiện tại, bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, còn ho nhiều, đỡ khó thở, không nôn, không sốt. Theo thông tin từ Bộ Y tế, trên địa bàn cả nước số ca mắc bệnh ho gà tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh ho gà dẫn đến những biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, thiếu oxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí gây tử vong.
Về tình hình sốt phát ban nghi sởi/rubella, toàn tỉnh ghi nhận 05/14 trường hợp được lấy mẫu dương tính với bệnh sởi (03 trường hợp) và bệnh rubella (02 trường hợp). Từ đầu năm 2024 đến nay toàn tỉnh cũng ghi nhận 38 trường hợp mắc Covid-19, không có biến chứng và tử vong.
Người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo
Đối với các bệnh truyền nhiễm, chủ động phòng, chống bệnh sẽ hạn chế cơ bản việc bị nhiễm bệnh cũng như lây lan cho cộng đồng. Thời gian qua, CDC Hà Nam đã triển khai những biện pháp tích cực thực hiện phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm. Hiện tại đơn vị đang phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm theo dõi diễn biến tình hình bệnh ho gà tại xã Thanh Tân. Phối hợp với các đơn vị, địa phương giám sát các ca mắc/nghi mắc bệnh truyền nhiễm, giám sát véc tơ truyền bệnh và các yếu tố nguy cơ tại cơ sở y tế và tại cộng đồng. Tiếp tục phối hợp tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh SXH, TCM, sởi, ho gà, thủy đậu, bệnh dại trên người, cúm A (H5N1)...
Tiếp tục triển khai tuyên truyền phổ biến kiến thức trực tiếp về đặc điểm đường lây truyền và một số biện pháp phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trên địa bàn tỉnh cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại một số trường tiểu học và THCS. CDC Hà Nam cũng chuẩn bị các điều kiện triển khai tập huấn cập nhật tình hình dịch bệnh, kỹ năng giám sát, phát hiện và biện pháp phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm cho cán bộ y tế thôn/xóm và các lực lượng tham gia, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch...
Tuy nhiên, vai trò của người dân trong phòng, chống dịch bệnh rất quan trọng. Vì thế mỗi người dân, mỗi gia đình cần nắm được các khuyến cáo của ngành chức năng để chủ động phòng, chống bệnh. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, đối với bệnh SXH cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng/bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy kín nắp bể và các dụng cụ chứa nước. Thả cá để tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh... Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Đối với bệnh sởi cần tiêm vắc - xin sởi: Mũi 1 tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi; mũi 2 tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Không cho trẻ tiếp xúc với người mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi. Thường xuyên rửa tay và vệ sinh thân thể cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ. Vệ sinh nhà cửa, giữ nhà cửa thông thoáng, tránh gió lùa trời lạnh.
Bệnh ho gà lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh lây truyền rất cao ngay sau khi bị phơi nhiễm với giọt nước miếng của bệnh nhân, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học… Bệnh đã có vắc - xin phòng bệnh, hãy cho trẻ tiêm vắc - xin đầy đủ tại các thời điểm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi. Cần phải cách ly những trẻ bị ho gà trong thời gian ít nhất 4 tuần kể từ khi có cơn ho điển hình. Khi tiếp xúc với bệnh nhân cần đeo khẩu trang, vệ sinh phòng ở, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.
Bệnh cúm mùa lây lan nhanh và gây thành dịch. Hằng năm trên toàn tỉnh, hệ thống giám sát ghi nhận 5.000-7.000 người có hội chứng cúm. Năm 2023, ghi nhận trên 5.000 trường hợp. Đến tháng 3/2024 ghi nhận 1.377 trường hợp. Để phòng tránh bệnh cúm mùa cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Tiêm vắc - xin phòng cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời,…