Tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả
Năm 2024, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, công tác tham mưu, phối hợp xây dựng pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng (QSQP) đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo cơ sở pháp lý thực hiện quản lý nhà nước về QSQP, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cụ thể hóa đường lối của Đảng về quân sự, quốc phòng
Tại hội nghị tổng kết công tác pháp chế năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Thiếu tướng Hàn Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng) khẳng định: Công tác nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về QSQP được quan tâm, triển khai đồng bộ; giúp thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo luật, pháp lệnh, văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Quốc phòng bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Đặc biệt, năm 2024, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua 3 dự án luật do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo với tỷ lệ tán thành rất cao, gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam có thể nói là thành công nhất, bởi ban đầu chưa được xác định trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội. Đến khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình thì chỉ trong khoảng 5 tháng nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện nội dung. Đặc biệt hơn nữa, luật có hiệu lực thi hành chỉ sau 3 ngày được Quốc hội thông qua. Qua đó đã khẳng định trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật của Quân đội.
Không chỉ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, quá trình lập đề nghị xây dựng các dự án luật của Bộ Quốc phòng đều bảo đảm chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục; chất lượng soạn thảo các chính sách trong những dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật luôn bám sát và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Điều này đã được khẳng định thông qua đánh giá của các cơ quan chủ trì thẩm định, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh; đặc biệt là sự tán thành, đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội.
Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội), các dự án luật, pháp lệnh và văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo, xây dựng luôn bảo đảm chất lượng cả về nội dung chính sách cũng như kỹ thuật lập pháp. Việc Bộ Quốc phòng chủ động lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để báo cáo Chính phủ đưa vào đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm của Quốc hội đã cho thấy tinh thần quán triệt và thực hiện nghiêm Kế hoạch 81 ngày 5-11-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Hiện nay, một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đang tập trung phối hợp soạn thảo, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh... Phấn đấu từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về QSQP, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về QSQP.
Nâng cao trình độ, kỹ thuật xây dựng luật
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về QSQP, tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất để Quân đội thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ là yêu cầu quan trọng và cấp thiết.
Theo Trung tướng Đỗ Xuân Tụng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, công tác xây dựng pháp luật trong Quân đội là một nội dung quan trọng và có tính đặc thù, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng rất quan tâm. Thời gian qua, thủ trưởng Bộ Quốc phòng thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức, biên chế, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, làm cơ sở cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về QSQP. Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật của Quân đội cơ bản đáp ứng về số lượng, được đào tạo bài bản, có trình độ, kiến thức quân sự, chính trị, pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn, đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, Trung tướng Đỗ Xuân Tụng cũng nhấn mạnh, trước yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế trong Quân đội cần phải được tiếp tục củng cố, kiện toàn, bảo đảm đủ số lượng và được đào tạo, bồi dưỡng không chỉ trong các học viện, nhà trường Quân đội mà ở cả các trường ngoài Quân đội và đào tạo ở nước ngoài để nâng cao năng lực toàn diện, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức về chính trị, QSQP, kinh nghiệm công tác; trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi về lập pháp.
Mặt khác, đội ngũ cán bộ Quân đội làm công tác xây dựng pháp luật cần tích cực, chủ động học tập, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, kịp thời đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật về QSQP bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật để tạo hành lang pháp lý trong thực hiện các nhiệm vụ là hết sức cần thiết, nhưng việc phổ biến, giáo dục pháp luật để tất cả đối tượng nắm rõ và thực hiện đúng là yếu tố quyết định đưa luật thực sự đi vào cuộc sống. Vì thế, đối với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì và thực hiện có nền nếp, hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với các đối tượng và phù hợp với đặc thù nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Các đề án, chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Quốc phòng được triển khai rộng khắp trong toàn quân; hệ thống tài liệu, bản tin pháp luật được tổ chức biên soạn và cấp phát đến từng cơ quan, đơn vị; mô hình “Tủ sách pháp luật” phát huy hiệu quả tích cực; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức các hoạt động, chương trình, cuộc thi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho toàn quân, toàn dân... Qua đó, tạo chuyển biến toàn diện trong thực thi pháp luật và vận dụng trong quản lý, chỉ huy, điều hành các mặt công tác ở mỗi cơ quan, đơn vị.