Tích cực chuyển giao công nghệ, góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội
Ngày 22-8, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội làm việc với Trường Đại học Xây dựng về đề xuất, định hướng đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố năm 2025; thảo luận, đánh giá kết quả triển khai Chương trình số 07-CTr/TU về 'Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025'.
Theo PGS.TS Hoàng Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2017-2024, nhà trường đã thực hiện 10 đề tài và 1 dự án sản xuất thử nghiệm với Sở Khoa học và Công nghệ. Các nhiệm vụ được triển khai trong khuôn khổ các chương trình khoa học và công nghệ của thành phố, qua đó góp phần giải quyết các vấn đề thực tế và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Thời gian tới, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội mong muốn tiếp tục tham gia các nhiệm vụ nghiên cứu chuyển giao công nghệ, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của Hà Nội; đề xuất các định hướng khoa học và công nghệ với thành phố, bao gồm: Quy hoạch kiến trúc cảnh quan đô thị và nông thôn (hiện thực hóa quy hoạch Thủ đô, bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa, kiến trúc...); công nghệ môi trường, năng lượng (xử lý môi trường các sông nội đô, làng nghề, khu dân cư, khu đô thị..., tích hợp năng lượng tái tạo với công trình đô thị); công nghệ vật liệu mới (quản lý, tái chế chất thải rắn, phát triển vật liệu bền vững cho hạ tầng đô thị); Công nghệ xây dựng, giao thông và hạ tầng tiên tiến, thông minh (chống ùn tắc giao thông, phòng cháy chữa cháy, ngập lụt đô thị...).
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao những đóng góp của nhà trường, bày tỏ mong muốn trong thời gian tới tiếp tục hợp tác với nhà trường trong thực hiện triển khai Quy hoạch Thủ đô, Luật Thủ đô (sửa đổi), nghiên cứu định hướng phát triển Thủ đô, đặc biệt là nghiên cứu khoa học và công nghệ giải quyết những vấn đề bức thiết như: Vật liệu mới, xử lý nước thải, cấp thoát nước, môi trường, úng ngập, phòng cháy chữa cháy, quản lý không gian ngầm, chuyển đổi số...
“Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua với nhiều điểm đột phá như: Khoán trong nghiên cứu cơ bản, được phép chỉ định thầu phù hợp, kết quả nghiên cứu khoa học có thể chuyển giao không bồi hoàn, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, có thể thành lập công ty spin-off trong trường học, phương án sản xuất thử nghiệm có thể chỉ định... Hiện nay, chúng tôi đang lấy ý kiến để xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện. Rất mong sự hợp tác của nhà trường cũng như các chuyên gia, các nhà khoa học trong triển khai xây dựng văn bản. Hy vọng, Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào thực tiễn sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc hiện nay, giúp cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có bước đột phá, phát triển mạnh mẽ” - Giám đốc Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.