Tích cực đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Đất đai là lĩnh vực hết sức quan trọng trong cuộc sống, đồng thời đất đai còn rất có giá trị, được ví như 'tấc đất, tấc vàng'. Vì vậy, đất đai là một trong những nguyên nhân dễ xảy ra mâu thuẫn, gây mất ổn định trong xã hội. Từ xưa, các cụ đã từng nói: 'hôn nhân, điền thổ - vạn cổ chi thù'. Câu nói đó được hiểu là lĩnh vực hôn nhân và đất đai nếu xảy ra mâu thuẫn, xung đột quyền lợi sẽ diễn ra rất gay gắt, thâm thù dai dẳng, có khi giải quyết nhiều năm chưa xong.

Cơ sở hạ tầng các khu dân cư mới được quan tâm đầu tư đồng bộ. Ảnh: PV

Cơ sở hạ tầng các khu dân cư mới được quan tâm đầu tư đồng bộ. Ảnh: PV

Ví dụ như về hôn nhân có truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh mà ai cũng biết, mấy nghìn năm nay vẫn thỉnh thoảng "dâng nước để chiến đấu".... Còn mâu thuẫn về đất đai thì nhiều vô kể và đầy rẫy trong xã hội. Tầm vĩ mô như quốc gia với quốc gia cũng có mâu thuẫn, tranh chấp về biên giới, lãnh thổ. Tầm "trung mô" như trong cùng một quốc gia, vẫn có việc giữa tỉnh, huyện, xã này tranh chấp đất đai với tỉnh, huyện, xã kia, nhiều năm chưa giải quyết được. Tầm vi mô thì tranh chấp đất đai giữa gia đình này với gia đình kia ở cạnh nhau; giữa các anh, chị em trong họ hàng hoặc cùng cha, mẹ về đất đai thừa kế... thì nhiều không kể được. Có những gia đình đã giải quyết tranh chấp đất đai bằng máu, bằng lửa... dẫn đến những cái kết thật đau lòng. Chung quy cũng chỉ tại vì đất có giá trị rất lớn và do lòng tham của con người nổi lên.... Do vậy mà chế độ xã hội nào, Nhà nước cũng phải có pháp luật để quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả, giữ vững ổn định an ninh, trật tự. Từ khi ra đời đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và cụ thể hóa bằng pháp luật để quản lý đất đai.

Luật Đất đai ra đời đầu tiên năm 1987, tiếp đó đến Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003 và sau đó là Luật Đất đai 2013. Như vậy là cùng với sự phát triển của đất nước, Luật Đất đai cũng được sửa đổi, ban hành theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững ổn định định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường...

Hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai đã có nhiều chuyển biến; lợi ích của người sử dụng đất và các nhà đầu tư được Nhà nước bảo đảm... Tuy nhiên, qua 10 năm áp dụng các quy định của Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc; một số việc liên quan đến đất đai phát sinh trong thực tiễn cuộc sống còn thiếu quy định và chưa phù hợp với sự phát triển của đất nước và từng địa phương, nhất là liên quan đến thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các thủ tục hành chính về đất đai; về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng và đặc biệt là việc xác định giá đất còn nhiều khó khăn. Do vậy, lợi ích của cả Nhà nước và nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm, nên đây là một trong những nguyên nhân phát sinh khiếu kiện phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mặt khác, nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất có nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp và còn nhiều tiêu cực trong lĩnh vực này. Tình hình khiếu nại, tố cáo và tranh chấp có nguyên nhân từ đất đai còn nhiều và diễn biến phức tạp.... Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là một đòi hỏi tất yếu khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu của đời sống nhân dân và chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Để tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai nhằm giải quyết những điểm nghẽn, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và phát huy tốt hơn nữa nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, ngày 23/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và ngày 31/12/2022, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 170/NQ-CP về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thực hiện các văn bản trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 19/01/2023 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo các văn bản quy định, thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân không còn nhiều, đến ngày 15/3/2023 là hết hạn. Do vậy, hiện nay các cơ quan, đơn vị, địa phương đang khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hầu hết cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị đã và đang tổ chức việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một cách nghiêm túc, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được tiến hành dân chủ, công khai, khoa học, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm, cơ bản đảm bảo đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.... Tuy vậy, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật có dung lượng lớn, có nhiều điểm mới và có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội với phạm vi tác động sâu, rộng, nên các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các hội, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân cần phát huy trí tuệ, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào việc hoàn thiện Dự thảo Luật.

Phấn đấu việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trở thành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của toàn xã hội, góp phần cùng Đảng, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện Luật Đất đai bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng và vì lợi ích của nhân dân; là cơ sở pháp lý quan trọng nhất trong việc quản lý, sử dụng đất đai của Nhà nước ta để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.

Nguyễn Đông

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tich-cuc-dong-gop-y-kien-vao-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-/d2023022408155294.htm