Tích cực giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam ở nước ngoài

Ngày 27/4, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Đề án 'Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài' (gọi tắc là Đề án 1797).

Phiên thảo luận tại hội nghị.

Phiên thảo luận tại hội nghị.

Trên 200 đại biểu đại diện một số bộ, ngành Trung ương, bà con là kiều bào, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài... tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Đề án 1797 được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả, không chỉ thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu mà còn góp phần truyền tải hình ảnh, văn hóa, bản sắc của dân tộc tới bạn bè quốc tế, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể nói, 5 năm thực hiện đề án 1797 cũng là thời điểm nước ta đối mặt những thách thức chưa từng có, từ đại dịch COVID-19, tác động cộng hưởng của xung đột vũ trang, đứt gẫy chuỗi cung ứng và những bất ổn về an ninh năng lượng, lương thực. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng về tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và toàn cầu.

Hội nghị đã đánh giá: Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài”, giai đoạn 2019- 2024 là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước ta nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại của đất nước thông qua hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đồng thời khẳng định nhiều thương hiệu, chất lượng sản phẩm của Việt Nam, thể hiện hình ảnh, giá trị “mềm” của Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện đề án 1797, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 516 tỷ USD, thì đến hết năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 786 tỷ USD. Đề án 1797 đã góp phần đưa hàng hóa Việt Nam ngày càng có sức lan tỏa tại các thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), nhấn mạnh: Với sự kết nối của kiều bào, các mặt hàng Việt Nam không chỉ được lan tỏa qua các kênh phân phối của bà con ở nước ngoài mà còn dần xuất hiện, thâm nhập sâu vào kệ hàng của hệ thống siêu thị, chuỗi phân phối của người bản địa và các sàn thương mại lớn ở nước sở tại. Những nỗ lực này góp phần làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một số đối tác truyền thống; tạo thêm việc làm, thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP quốc gia.

Các đại biểu đã đánh giá toàn diện kết quả đạt được và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện; đề xuất giải pháp tăng cường huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2025 – 2029, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng xuất khẩu.

Nhiều đại biểu cho rằng cần tạo thêm cơ hội kết nối các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong nước với các doanh nghiệp kiều bào, cùng nhau tìm kiếm những hướng đi mới, những cơ hội hợp tác tiềm năng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, phân tích: Việc tiếp tục phát huy hiệu quả của Đề án 1797 trong thời gian tới vẫn còn một số hạn chế, như nguồn lực tài chính và cơ chế hỗ trợ chưa đảm bảo, sự phối hợp giữa các bên liên quan chưa hiệu quả, thiếu dữ liệu thị trường, kết nối đối tác đáng tin cậy, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trong từng sản phẩm chưa đồng đều… Do đó, Chính phủ cần thiết lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp Việt kiều, xây dựng cổng thông tin thương mại toàn cầu để hình thành liên minh hàng Việt toàn cầu; mở rộng vai trò của cơ quan đại diện ngoại giao. Chính phủ cũng cần có chính sách đặc thù cho thế hệ doanh nhân trẻ Việt kiều…

Chủ tịch Hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam Hồ Văn Lâm cho rằng, Việt Nam cần tập trung thúc đẩy đàm phán thương mại song phương và đa phương với các thị trường tiềm năng để phá bỏ hàng rào kỹ thuật, chính sách bảo hộ, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam theo đường chính ngạch vào thị trường Thái Lan cũng như các nước khác. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại tại các tỉnh có bà con kiều bào sinh sống, để họ và người dân sở tại biết về hàng hóa Việt Nam, từ đó nâng cao nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, trong nước cần giới thiệu các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa lớn, uy tín về các mặt hàng thế mạnh để kiều bào, người Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu, hợp tác.

Tin, ảnh: Tiên Minh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tich-cuc-gioi-thieu-tieu-thu-san-pham-cua-viet-nam-o-nuoc-ngoai-20250427134723463.htm