Tích cực hỗ trợ bệnh nhân chạy thận trong mùa dịch
COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là các bệnh nhân đang phải chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trước tình hình đó, nhằm đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân, đồng thời giảm thiểu tối đa sự lây nhiễm dịch bệnh đối với các đối tượng dễ bị tổn thương này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có những cách làm hay tích cực hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân chạy thận trong mùa dịch.
Đã hơn 2 năm kể từ khi phát hiện mình mắc căn bệnh suy thận mạn tính, chị H.T.K.T. (sinh năm 1996), trú tại thôn 5, xã Ba Lòng, huyện Đakrông dường như đã quá quen với hành trình đi, về từ nhà đến bệnh viện. Bởi cứ định kỳ 3 ngày/tuần, chị đều phải có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh để thực hiện việc chạy thận. Chị T. cho biết, trước đây khi dịch bệnh chưa xảy ra, việc di chuyển từ huyện Đakrông về TP. Đông Hà tương đối đơn giản nhưng giờ do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều địa phương, xe cộ không được phép lưu thông nhiều, việc đi lại điều trị bệnh vì thế mà gặp khó khăn hơn. Nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Ban giám đốc và lực lượng y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị cùng nhiều bệnh nhân chạy thận khác hiện đang sống tại địa bàn 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông được hỗ trợ nơi ăn, chốn ở tập trung tại cơ sở gần bệnh viện để thuận tiện hơn trong quá trình chạy thận, điều trị bệnh của mình.
“Điều kiện ăn ở tại đây khá tốt, có khi còn tốt hơn ở nhà. Chúng tôi được ăn uống theo chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân chạy thận, được hỗ trợ tiền sinh hoạt, được làm xét nghiệm COVID-19 theo định kỳ, lại có xe đưa đón trong quá trình chạy thận... Nhờ có sự quan tâm của các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi không còn phải lo lắng việc điều trị của mình sẽ bị gián đoạn bởi COVID-19 nữa. Tôi thực sự rất cảm ơn các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh”, chị T. xúc động nói.
Cũng như chị T., gần 2 năm nay, COVID-19 đã gây cản trở không nhỏ cho ông L.V.T., hiện đang sống tại thôn Tân Liên, huyện Hướng Hóa trong quá trình chạy thận. Ông T. chia sẻ: “Biết mình mắc suy thận mạn tính, tôi đã xác định gắn bó với máy chạy thận nhân tạo cả đời, chỉ cần bỏ một bữa cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Hướng Hóa, xe cộ đi lại không nhiều như trước, có hôm đứng đợi từ sáng sớm đến gần trưa mới bắt được một chuyến xe về Đông Hà. Dù nhận thức được rằng trong tình hình dịch bệnh, việc di chuyển bằng phương tiện công cộng có thể mắc COVID-19 bất cứ lúc nào nhưng tôi đành phải chấp nhận”.
Khi hay tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ nơi ăn ở tập trung cho các bệnh nhân chạy thận ở xa, ông T. vô cùng vui mừng. “Bệnh viện rất quan tâm, chu đáo với chúng tôi. Mọi việc từ hỗ trợ nơi ăn chốn ở, thăm khám, điều trị bệnh đều được thực hiện kỹ càng, cẩn thận, đảm bảo không để các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng như chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều đó không chỉ giúp tôi mà cả 34 bệnh nhân chạy thận ở đây cảm thấy an tâm, tin tưởng khi được điều trị bệnh tại bệnh viện”, ông T. bộc bạch.
Kể từ khi đợt dịch đầu tiên bùng phát cho đến nay, ngành y tế nói chung và Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức như thiếu thốn về nhân lực, vật lực... Thế nhưng vượt qua tất cả, lực lượng y, bác sĩ vẫn luôn nỗ lực thực hiện mục đích cao nhất là đem lại sức khỏe và hạnh phúc cho bệnh nhân. Xác định các bệnh nhân cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền đang điều trị tại các khoa dễ lây nhiễm, tỉ lệ tử vong cao như: Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc hay Khoa Thận nhân tạo là đối tượng dễ bị tấn công bởi COVID-19 nên thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tối đa sự lây nhiễm dịch bệnh đối với các bệnh nhân nói trên. Cụ thể như thực hiện phân luồng, sử dụng lối đi riêng cho bệnh nhân chạy thận, hạn chế người nhà đến thăm, tập trung nhân lực thực hiện chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.
Ngoài ra, bệnh viện cũng tích cực tuyên truyền thực hiện “5K”; ưu tiên tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 cho bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh nền nặng. Đặc biệt, trong hơn 1 tháng trở lại đây, trước tình trạng dịch bệnh tại nhiều địa phương, trong đó có các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, nơi tập trung phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng trở nên phức tạp với số ca nhiễm trong cộng đồng tăng nhanh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nhanh chóng lên kế hoạch và tổ chức hỗ trợ nơi ăn, ở tập trung cho 35 bệnh nhân chạy thận có hoàn cảnh khó khăn hiện đang sống tại 2 địa phương trên. Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ CK II Trần Quốc Tuấn, việc tạo điều kiện ăn, ở tại khu nhà chức năng gần bệnh viện cho các bệnh nhân chạy thận là việc làm cần thiết trong thời điểm này nhằm giúp bệnh nhân ổn định việc điều trị, chạy thận đúng thời gian, lại hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh trong quá trình di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng.
Theo đó, cùng với hỗ trợ chỗ ở, đưa đón bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe riêng và xét nghiệm COVID-19 định kỳ, tổ công tác xã hội, hội chữ thập đỏ của bệnh viện và các khoa điều trị cũng đã kêu gọi sự hỗ trợ tiền ăn, vật chất từ các cá nhân, tổ chức hảo tâm. Tuy mới được triển khai kêu gọi trong thời gian ngắn nhưng hoạt động ý nghĩa này đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh. Điều này góp phần không nhỏ giúp bệnh viện thực hiện tốt việc hỗ trợ ăn, ở cho bệnh nhân chạy thận.
Bác sĩ Trần Quốc Tuấn cho biết: “Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, lực lượng y, bác sĩ của bệnh viện vẫn luôn nỗ lực để chăm lo cho sức khỏe của bệnh nhân, đặc biệt là các đối tượng dễ tổn thương, có nguy cơ nhiễm bệnh cao như bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì mô hình hỗ trợ này và mong tiếp tục nhận được sự giúp sức của các tổ chức, cá nhân hảo tâm để bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại bệnh viện có điều kiện điều trị bệnh tốt”.