Tích cực hỗ trợ hội viên, phụ nữ chuyển đổi số
Chúng tôi gặp các thành viên 'Tổ công nghệ số' của Hội LHPN xã Cao Ngạn (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) tại trụ sở UBND xã khi các chị đang hỗ trợ một số phụ nữ cao tuổi đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Không ngại học hỏi
Vừa hỏi thăm những vướng mắc của người đến đăng ký, chị Nguyễn Thị Hồng Liên, 50 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm Hội Hiểu (xã Cao Ngạn), thành viên "Tổ công nghệ số", vừa nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ. "Có tuổi rồi nhưng tôi không ngại tiếp cận với công nghệ.
Để tham gia "Tổ công nghệ số", tôi đã được tập huấn, ngoài ra tôi cũng tích cực học hỏi từ các chị em cán bộ Hội khác, thậm chí là nhờ các con hướng dẫn. Đơn cử, khi mới tiếp cận ứng dụng C-Thái Nguyên, tôi phải hỏi cách cài đặt, sử dụng. Sau khi đã sử dụng thành thạo rồi tôi mới chia sẻ, hướng dẫn cho hội viên", chị Liên cho biết.
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp, Hội LHPN xã Cao Ngạn đã ban hành chương trình hành động thực hiện khâu đột phá "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Hội", trong đó có việc thành lập "Tổ công nghệ số".
Tổ hiện có 18 thành viên, là các ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN xã. Các thành viên của Tổ là những nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, hỗ trợ hội viên, phụ nữ cài đặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng như một số ứng dụng, tiện ích số như C-Thái Nguyên, Sổ tay đảng viên, Sổ sức khỏe điện tử, định danh điện tử…
"Các thành viên của Tổ khá đồng đều về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin. Để phát huy thế mạnh của mỗi thành viên, chúng tôi phân công, chọn người phù hợp với tính chất, yêu cầu công việc. Ví dụ, việc hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh vào lúc cao điểm, đông người sẽ do thành viên trẻ tuổi, có khả năng thao tác nhanh thực hiện còn việc vận động người dân thì chọn người có uy tín", chị Lê Thị Bẩy, Chủ tịch Hội LHPN xã Cao Ngạn, cho biết.
Xã Cao Ngạn nằm gần trung tâm thành phố Thái Nguyên, dịch vụ viễn thông, internet phát triển, đa số hội viên phụ nữ trên địa bàn xã có điện thoại thông minh. Theo chị Bẩy, đây là những điều kiện thuận lợi để Hội LHPN xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội, hỗ trợ hội viên phụ nữ chuyển đổi số.
Trong công tác tuyên truyền, Hội đã lập nhóm trên các trang mạng xã hội để nhanh chóng đưa thông tin tới hội viên, phụ nữ. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế số cũng được Hội LHPN xã quan tâm, hỗ trợ tổ hợp tác liên kết trong kinh doanh bán hàng; tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tại làng nghề thanh toán không dùng tiền mặt...
Chủ tịch Hội LHPN xã Cao Ngạn cho biết thêm: "Trong công tác quản lý của Hội, chúng tôi sử dụng phần mềm quản lý hội viên. Thông qua phần mềm, tôi có thể nắm bắt đầy đủ thông tin về hội viên, nhận định được những nhóm hội viên hay chỉ số nào cần được tập trung để từ đó có hướng điều chỉnh hoạt động cho phù hợp".
Cần nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ chi hội trưởng
Thực tế, việc chuyển đổi số giúp những cán bộ Hội cơ sở như chị Bẩy thuận lợi hơn trong triển khai hoạt động. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội tại Cao Ngạn không phải không có khó khăn.
"Mặc dù đã được tập huấn một số kỹ năng cơ bản nhưng hiện nay, tôi vẫn chưa sử dụng được máy tính thành thạo. Việc cập nhật thông tin hội viên tôi phải viết tay, sau đó đi đánh máy rồi gửi cho Chủ tịch Hội LHPN xã để cập nhật vào hệ thống. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời gian tới, tôi mong Hội cấp trên sẽ tổ chức thêm các lớp tập huấn, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ chi hội trưởng", chị Hồng Liên đề xuất.
Đề cập đến một khó khăn khác, Chủ tịch Hội LHPN xã Cao Ngạn Lê Thị Bẩy cho biết, mặc dù Hội đã được trang bị 1 bộ máy tính nhưng vấn đề thiếu trang, thiết bị công nghệ vẫn là một rào cản đối với cán bộ Hội cơ sở, đặc biệt là đội ngũ chi hội trưởng, trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội.
"Muốn thực hiện chuyển đổi số thì phải có thiết bị. Khi chưa thể trang bị thêm thiết bị, tôi mong Hội cấp trên nghiên cứu, có hình thức trang bị kỹ năng sử dụng các tính năng của điện thoại thông minh để phục vụ công việc. Việc đào tạo, bồi dưỡng cần tập trung vào hướng dẫn thao tác trực tiếp để dễ hiểu, dễ nhớ. Bên cạnh tổ chức lớp tập huấn, có thể làm "mềm" hóa tài liệu dưới dạng clip", chị Bảy bày tỏ.
Theo Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, trong 3 năm (2021-2023), các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức được trên 100 cuộc họp trực tuyến kết nối với trung ương, các cơ quan thuộc tỉnh, Hội cấp huyện và cơ sở; tổ chức được gần 50 lớp tập huấn về chuyển đổi số trong các lĩnh vực cho hơn 3.000 người là cán bộ, hội viên phụ nữ nòng cốt trên địa bàn tỉnh. Mới đây, thực hiện kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với hội viên phụ nữ tỉnh năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp trao tặng 166 máy tính cho Hội LHPN cấp xã, góp phần hoàn thành sớm chỉ tiêu "Đến cuối nhiệm kỳ, 100% Hội LHPN cấp cơ sở được trang bị máy tính có kết nối mạng và ứng dụng các phần mềm triển khai trong hệ thống Hội". Phát huy vai trò của cán bộ, hội viên phụ nữ trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh, hơn 4.000 cán bộ, hội viên phụ nữ đã tham gia "Tổ công nghệ số cộng đồng", tích cực tuyên truyền hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số. 100% Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai và sử dụng phần mềm quản lý cán bộ, hội viên để số hóa dữ liệu hội viên toàn tỉnh theo quy định…