Tích cực hoàn thiện chính sách đảm bảo đồng bộ, thống nhất, phù hợp với cam kết quốc tế
Bên cạnh thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, thời gian qua, ngành Hải quan còn chủ động, tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan đảm bảo đồng bộ, thống nhất, phù hợp với cam kết quốc tế.
Chuyển biến tích cực trong hoàn thiện hành lang pháp lý chuyên ngành
Theo Tổng cục Hải quan, việc hoàn thiện văn bản pháp luật trong thời gian qua đã được ngành Hải quan tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, trong quý III/2022, Tổng cục Hải quan đã xây dựng trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 8/6/2022 ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; Thông tư số 45/2022/TT-BTC ngày 27/7/2022 sửa đổi Thông tư số 143/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện theo Cơ chế một cửa Quốc gia; Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cùng với đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2018/TT-BTC...
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành thực hiện rà soát chuyển đổi mã số đối với 31 danh mục chuyên ngành của 7 bộ, ngành để cắt giảm dòng hàng thuộc Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, chuyển việc kiểm tra chuyên ngành trước thông quan sang kiểm tra sau thông quan.
Đạt được kết quả trên là nhờ Tổng cục Hải quan đã chủ động phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng, bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ trong việc xây dựng, hoàn thiện trình các dự thảo văn bản.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu bố trí tham gia xây dựng văn bản; sắp xếp thời gian hợp lý, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết xây dựng văn bản theo tháng, theo tuần và kiểm soát chặt chẽ công việc theo kế hoạch.
Có thể khẳng định, các văn bản quy phạm pháp luật do Tổng cục Hải quan soạn thảo, xây dựng đã đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tăng cường cải cách hàng chính, tháo gỡ các vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, hạn chế các quy định chồng chéo giữa các cơ quan quản lý, đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách phù hợp cam kết quốc tế
Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan đảm bảo hiện đại, đồng bộ, thống nhất phù hợp với cam kết quốc tế.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, ngành Hải quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan, trong đó trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan (sửa đổi) thay thế Luật Hải quan hiện hành.
Cùng với đó, áp dụng cơ chế quản lý phù hợp với từng đối tượng, khuyến khích người khai hải quan tuân thủ pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức trong nước trong hoạt động kiểm soát hải quan.
Mặt khác, Tổng cục Hải quan rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi hệ thống pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành để thực hiện Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục hải quan, các chế độ quản lý hải quan theo chuẩn mực của Tổ chức Hải quan thế giới; tạo nền tảng để tái thiết kế các quy trình thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh...