Tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường
Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn bất thường từ ngày 31/3 - 2/4, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 10.600 ha lúa và gần 3.400 ha hoa màu bị ngập úng, đổ ngã. Hiện tại, các địa phương đang tích cực chỉ đạo nông dân tiếp tục tiêu úng, chăm sóc lúa, hoa màu nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Đợt mưa lớn vừa qua, ông Nguyễn Hữu Dõng ở Hợp tác xã (HTX) Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng có gần 0,5 ha ruộng lúa đang vào độ làm đòng, trổ bông bị ngập úng, đến nay nước vẫn chưa thoát hết. Trao đổi với chúng tôi, ông Dõng cho biết, mấy ngày nay, mặc dù HTX đã vận hành liên tục 4 máy bơm điện cỡ lớn để tiêu úng cho ruộng lúa nhưng do ngập sâu trong khi mực nước bên ngoài đê bao vẫn còn khá cao nên nước vẫn rút khá chậm. Theo ông Dõng, trong tổng số 0,5 ha (tương đương 10 sào) ruộng lúa thì chỉ có khoảng 3 sào đang làm đòng may ra còn vớt vát được phần nào, 7 sào còn lại cây lúa đang trổ bông xem như mất trắng toàn bộ.
“Vụ đông xuân được nông dân chúng tôi xem làm vụ lúa chính trong năm. Nhưng giờ coi như mất trắng do cây lúa đang trổ bông mà bị ngập nước thì hạt đều lép hết. Hiện để làm tiếp vụ hè thu phải chờ nước rút hết, phơi khô ruộng sau đó thuê máy cắt ngang thân lúa để thu gom hoặc đốt, rồi dùng máy cày lật, cày vùi để phân hủy gốc rạ… Nói chung là phải tốn nhiều công sức chứ không phải muốn làm là làm được ngay”, ông Dõng ngao ngán nói.
Giám đốc HTX Kim Long Nguyễn Hữu Phước thông tin, trong tổng số 162 ha diện tích lúa của HTX thì chỉ có 18 ha không bị ngập úng do đợt mưa lũ bất thường vừa qua. Còn lại 84 ha bị ngập sâu, 60 ha bị ngập chỉ còn 10 - 12 cm. Để đánh giá được cụ thể thiệt hại phải chờ tiêu úng toàn bộ nước trên đồng ruộng, sau đó phải chờ từ 5 - 7 ngày mới tính được lúa có vào chắc được hay không. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của mình ông Phước khẳng định, với những diện tích đã trổ bông nhưng bị ngập sâu trong nước lũ thì nhiều lắm 1 chẹn lúa chỉ có từ 2 - 3 hạt chắc, ước tính năng suất chỉ khoảng 30 - 50 kg/ sào.
“Trước mắt, đối với những diện tích mất trắng HTX dự kiến dùng máy cắt bỏ toàn bộ ruộng lúa, cày lật, bón vôi và dùng chế phẩm Tricoderma để phân hủy gốc rạ. Còn để sản xuất tiếp vụ hè thu thì phải chờ lịch thời vụ của huyện. Nếu làm sớm thì có khả năng sẽ tiếp tục bị thiệt hại do đợt lũ tiểu mãn sắp tới. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất của HTX lúc này là thiếu nguồn lúa giống”, ông Phước cho hay.
Tại xã Hải Định, thời điểm này vẫn đang còn một số diện tích lúa ngập chìm trong nước. Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định Bùi Như Lộc cho biết, trong tổng số 775 ha diện tích lúa toàn xã dự kiến chỉ cứu được xấp xỉ 50 ha ở những chân ruộng cao nhưng năng suất cũng chỉ đạt khoảng 1 - 2 tạ/sào. Những diện tích còn lại xem như mất trắng do ngập nước dài ngày. Mưa lũ cùng đã làm hơn 182 ha hoa màu toàn xã bị hư hỏng; hơn 4,5 km đê bao bị sạt lở. Theo ông Lộc, đối với những diện tích bị ngập sâu, UBND xã đã chỉ đạo nông dân ngay sau khi nước rút sẽ dùng máy cày lật, sau đó xử lý vôi và lấy nước vào ngâm trong 15 - 20 ngày để phân hủy gốc rạ. Đồng thời, đề xuất cấp trên hỗ trợ khoảng 80 tấn lúa giống để kịp thời sản xuất vụ hè thu.
Theo thống kê của UBND huyện Hải Lăng, do mưa lớn trên diện rộng, mực nước đổ về trên các sông dâng cao đã gây ngập úng nhiều diện tích sản xuất trên địa bàn huyện, bao gồm 6.691 ha/6.880 ha lúa đang thời kỳ trổ bông, 2.300 rau màu các loại bị ngập úng, hư hỏng; hơn 182 ha thủy sản bị nước lũ cuốn trôi. Mưa lũ cũng đã làm hệ thống đê bao vùng trũng bị xói lở, sập đổ, hư hỏng nặng trên nhiều tuyến; các công trình thủy lợi như kênh tưới, tiêu, cống điều tiết nước bị xói lở, cuốn trôi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, hiện tại các địa phương trên địa bàn huyện đang triển khai khắc phục hậu quả thiệt hại, nhất là diện tích lúa ở những khu vực còn bảo vệ được thì tập trung bơm tiêu tháo nước, chăm sóc cây trồng ngay sau khi nước rút. Đối với các diện tích hoa màu bị hư hỏng, thiệt hại nặng không thể khắc phục, các địa phương chủ động triển khai các phương án gieo trồng lại các loại cây trồng phù hợp với cơ cấu thời vụ. Huyện Hải Lăng cũng đã thành lập 4 tổ công tác để cùng với các xã, thị trấn thực hiện công tác thống kê, xác định cụ thể mức độ thiệt hại lúa, hoa màu, thủy sản và triển khai biện pháp khắc phục.
Ông Hải cho biết thêm, để kịp thời động viên, ổn định tình hình đời sống Nhân dân, huyện Hải Lăng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh và Trung ương hỗ trợ lương thực, thực phẩm để cứu đói từ nay đến thời điểm thu hoạch vụ hè thu (thời gian 4 tháng). Do hiện nay các hộ gia đình chỉ để dành lại một lượng lương thực đủ ăn đến khi thu hoạch vụ đông xuân, nhưng nay vụ đông xuân cơ bản đã mất trắng toàn bộ. Đồng thời, để triển khai sản xuất vụ hè thu, huyện Hải Lăng đề nghị hỗ trợ khoảng 520 tấn lúa giống và giống các loại cây rau màu cho khoảng 2.500 ha để trồng lại sau khi nước rút. Đề xuất hỗ trợ kinh phí để khắc phục kịp thời các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều bị hư hỏng do mưa lũ. Có chính sách hỗ trợ giảm, giãn, khoanh nợ cho người dân, HTX đối với những khoản vay phục vụ sản xuất, kinh doanh; có cơ chế hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp về nguồn vốn để mua vật tư, phân bón… giúp người dân có điều kiện tái sản xuất vụ hè thu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền thông tin, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn bất thường vừa qua, toàn tỉnh đã có trên 11.600 ha lúa đang ở giai đoạn ôm đòng - trổ bông bị ngập úng, đổ ngã, nguy cơ mất trắng; gần 3.100 ha ngô đang ở giai đoạn trổ cờ, phun râu bị gãy đổ, ngập úng; hơn 2.100 ha hoa màu bị ngập úng, hư hại. Ước thiệt hại hơn 500 tỉ đồng. Mưa lũ cũng làm hơn 500 nuôi thủy sản bị thiệt hại, ước tính trên 48 tỉ đồng. Những ngày này, các địa phương đang huy động nhân lực, khai thác tối đa công suất của các trạm bơm điện, bổ sung thêm máy bơm dầu để tiêu úng, thoát nước nhanh các diện tích lúa đang bị ngập úng.
Theo ông Hiền, để hạn chế thiệt hại, đối với những diện tích lúa đổ ngã, chưa bị dập, thối, có khả năng phục hồi, nông dân cần dựng lúa bị đổ rạp bằng cách cột túm 3 - 5 gốc lúa lại với nhau. Khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali để lúa cứng cây, nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát, kết hạt vào chắc. Khi lúa có tỉ lệ hạt chín trên bông từ 85%, tiến hành thu hoạch sớm với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, đồng thời kịp triển khai sản xuất vụ hè thu đảm bảo thời vụ. Đối với diện tích lúa bị thối, hư hại không thể khôi phục cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị các vật tư thiết yếu để tổ chức sản xuất sớm vụ hè thu.
Trên các loại rau màu cần khẩn trương dựng lại, vun cao gốc, sau đó bón bổ sung phân NPK để cây sớm hồi phục. Đối với diện tích bị gãy ngang thân hoặc đổ ngã hoàn toàn, hư hại không có khả năng khôi phục thì tiến hành tận thu làm thức ăn cho gia súc hoặc làm vật liệu ủ phân hữu cơ, đồng thời tùy theo từng loại đất để tiến hành tổ chức gieo trồng lại các loại rau màu phù hợp trong vụ xuân hè như ngô, lạc, dưa hấu, đậu xanh, đậu đỏ, vừng, rau các loại… Đối với cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả lâu năm bị ngập úng cần tiến hành thoát nước trong vườn và tăng cường chăm sóc, xử lý các loại phân bón để vườn cây nhanh phục hồi, hạn chế thấp nhất mức độ gây hại do sâu, bệnh gây ra.
“Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã đề xuất UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia gồm 950 tấn giống lúa; 50 tấn giống ngô; 20 tấn giống rau, đậu các loại; 4,15 triệu con cá giống nước ngọt và hơn 8,65 vạn con giống cá dìa, cá bớp, cá hồng Mỹ, cá nâu; 2.500 lít Han Iodine, 2.500 lít Benkocide và 6 tấn Chlorine để hỗ trợ giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, bù đắp một phần thiệt hại do thiên tai gây ra”, ông Hiền cho biết thêm.