Tích cực quản lý và điều trị bệnh lao tại cộng đồng

PTĐT - Lao là bệnh nguy hiểm, mức độ lây lan cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh ta đã không ngừng nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm khống chế bệnh lao.

Bác sĩ Khoa Lao phổi, Bệnh viện Phổi tỉnh thăm khám cho người bệnh để thực hiện phác đồ điều trị bệnh lao đạt hiệu quả

Bác sĩ Khoa Lao phổi, Bệnh viện Phổi tỉnh thăm khám cho người bệnh để thực hiện phác đồ điều trị bệnh lao đạt hiệu quả

Trong công cuộc đẩy lùi tiến tới thanh toán bệnh lao, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời đúng phác đồ là yếu tố then chốt. Mỗi bệnh nhân đến khoa lao tại các bệnh viện, trung tâm y tế đều được cán bộ y tế thăm khám tư vấn sâu khi điều trị tích cực sẽ được chuyển về địa phương tiếp tục điều trị và theo dõi sức khỏe thường xuyên. Đến nay mạng lưới chống lao trên địa bàn tỉnh được củng cố ở cả ba tuyến. Công tác xã hội hóa, truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở. Năm 2019, xã, phường, thị trấn phát hiện có bệnh nhân lao mới chiếm tỷ lệ 71,8%, giảm 28,2% so với năm 2015; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có quản lý, điều trị bệnh nhân lao là 93,1%, giảm 6,9% so với năm 2015; tỷ lệ bệnh nhân lao có bằng chứng VKH (soi đờm AFB (+), xét nghiệm bằng kỹ thuật sinh học phân tử GeneXpert (+), nuôi cấy bệnh phẩm (+)) được chữa khỏi bệnh đạt 93%; tỷ lệ tử vong do lao hàng năm dưới 1%.Để đạt được kết quả trên, Chương trình phòng, chống lao tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Chương trình Chống lao Quốc gia, của Bệnh viện Phổi TW, Bệnh viện 74 Trung ướng, Sở Y tế và sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị trong và ngoài ngành trên địa bàn. Mạng lưới công tác chống lao trong toàn tỉnh được duy trì. Các đơn vị từng bước nâng cao chất lượng công tác điều trị. Là bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu về điều trị bệnh lao tại tỉnh, Bệnh viện Phổi tỉnh hiện có 85 cán bộ viên chức, 120 giường bệnh pháp lệnh và 50 gường bệnh xã hội hóa, năng lực đáp ứng 200 giường bệnh cho khám, chữa bệnh lao và các bệnh phổi mãn tính. Bác sỹ Nguyễn Mạnh Khang- Phó giám đốc bệnh viện cho biết: “Với chức năng là đơn vị đầu mối tham mưu giúp Sở Y tế triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh lao trên địa bàn, Bệnh viện đã đổi mới phong cách thái độ phục vụ bệnh nhân, đầu tư cơ sở vật chất, triển khai áp dụng kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Bình quân bệnh nhân lao chiếm khoảng 50% bệnh nhân điều trị nội trú; ngoại trú chiếm khoảng 25%. Tỷ lệ điều trị khỏi lao có bằng chứng vi khuẩn học đạt 94%. Bên cạnh việc thu dung, điều trị bệnh nhân lao thường, Bệnh viện còn thu dung điều trị cho nhiều bệnh nhân lao kháng thuốc”. Bệnh lao phát hiện khó và điều trị kéo dài, các bệnh nhân nằm viện chỉ điều trị giai đoạn tấn công trong bệnh viện thời gian còn lại điều trị tại cơ sở và cộng đồng dưới sự giám sát của y tế huyện; y tế phường, xã, thị trấn và y tế thôn bản, do đó Bệnh viện Phổi xác định công tác chỉ đạo tuyến là nhiệm vụ không thể tách rời công tác khám chữa bệnh. Những năm qua hoạt động giám sát của Chương trình chống lao tỉnh xuống các tuyến luôn được thực hiện thường xuyên, đều đặn nhờ vậy việc phát hiện và phòng chống lây nhiễm lao trong cộng đồng được thực hiện hiệu quả...Cùng với những kết quả đạt được, công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức do nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa về bệnh lao còn hạn chế. Kinh phí chi cho hoạt động Chương trình Chống lao còn thấp ảnh hưởng đến kết quả phát hiện sớm bệnh nhân lao trong cộng đồng. Hoạt động điều trị, quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc mới được triển khai tại tỉnh và diễn biến phức tạp, một số bệnh nhân chưa tuân thủ điều trị ảnh hưởng đến kết quả điều trị... Trong khi đó, Lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguồn lây chính là từ bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Những người bị lao phổi ho, hắt hơi, khạc đờm vi trùng theo đường nước bọt ra môi trường bên ngoài, người khác hít phải nguy cơ bị nhiễm vi trùng lao cao và có thể mắc bệnh lao. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nghiêm trọng và nhiều khả năng dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của ngành Y tế thì hiện nay căn bệnh này được điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và bệnh nhân tuân thủ điều trị đúng phác đồ của bác sĩ. Do đó, khi có các biểu hiện chính là ho kéo dài hơn 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu); cơ thể gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, đau ngực, đôi khi khó thở...thì cần đến ngay cơ sở y tế để được phát hiện, điều trị sớm. Bởi việc khám, phát hiện lao sớm chính là biện pháp dự phòng tốt nhất, nếu người bệnh phát hiện mắc lao và được điều trị sớm thì đó cũng là một cách phòng tích cực. Mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030 của nước ta cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và mỗi người cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, khám sức khỏe định kỳ để phòng bệnh. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường các biện pháp phát hiện, điều trị và quản lý bệnh nhân lao tại cộng đồng. Đối với người nhiễm lao cần thực hiện biện pháp tránh lây nhiễm cho người xung quanh, tuân thủ nghiêm quy trình điều trị...

Anh Thơ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/202007/tich-cuc-quan-ly-va-dieu-tri-benh-lao-tai-cong-dong-171708