Tích cực thực hiện chủ đề 'Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em
Là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện Đề án 'Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027' với chủ đề năm 2024 là 'Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em'. Theo đó, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động, xây dựng mô hình tuyên truyền thiết thực, phù hợp, mang lại hiệu quả tích cực, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.NHIỀU MÔ HÌNH, HOẠT ĐỘNG THIẾT THỰC
Hội LHPN tỉnh với vai trò nòng cốt cùng với các sở, ngành, địa phương, đơn vị, nhà hảo tâm đã triển khai rất nhiều hoạt động, mô hình, phong trào thi đua, cuộc vận động nhằm mục đích chăm lo thiết thực cho phụ nữ, trẻ em.
Bằng sự huy động từ các nguồn lực, nhiều trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, từ đó tạo điều kiện để các em được tiếp tục đến trường học tập, vui chơi.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết, để quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em (BVTE), chúng tôi đã chỉ đạo các cấp Hội triển khai các phần việc thiết thực, cụ thể như: Tăng cường tuyên truyền các chuyên đề về chăm sóc, BVTE tới đông đảo hội viên và nhân dân; duy trì nhân rộng các mô hình BVTE; thông qua thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”.
Đồng thời, tổ chức Hội phát huy vai trò giám sát thực hiện Luật Trẻ em tại địa phương; lên tiếng, can thiệp, giúp đỡ khi địa bàn có trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục...
Theo đó, các cấp Hội đã thường xuyên lồng ghép tuyên truyền các quy định của pháp luật về chăm sóc, BVTE, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, cung cấp kiến thức nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc thông qua sinh hoạt Hội.
Đặc biệt, hằng năm, Hội LHPN tỉnh đều tổ chức những hoạt động lớn như: Diễn đàn, truyền thông, giao lưu, hội thi… có nội dung liên quan đến trẻ em, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên, thúc đẩy vai trò tích cực, chủ động trong giáo dục, quản lý con em.
Không chỉ tuyên truyền, các cấp Hội còn chú trọng xây dựng các mô hình điểm về giáo dục, chăm sóc, BVTE. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang duy trì 183 câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” và 506 mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, duy trì nhiều tổ, nhóm, mô hình liên quan trực tiếp đến trẻ em như: Nhóm cha mẹ chăm sóc phát triển trẻ thơ từ 0 đến 8 tuổi; nhóm phụ nữ phòng, chống xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội; phòng, chống đuối nước…
Các cấp Hội LHPN kịp thời thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện, lên tiếng, hỗ trợ, tham gia giải quyết kịp thời các vụ việc bạo lực gia đình/xâm hại/mua bán người đối với phụ nữ, trẻ em xảy ra tại địa phương, Hội tổ chức chương trình sân khấu hóa truyền thông “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em”; diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp “Nói không với bạo lực học đường”; 4 buổi nói chuyện chuyên đề phòng, chống xâm hại trẻ em; mở 3 lớp “Kỹ năng bơi cho trẻ” miễn phí.
Nhân các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tháng hành động Vì trẻ em, Tết Trung thu, khai giảng năm học mới... các cấp Hội trong tỉnh tích cực huy động nguồn lực, xã hội hóa từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động thăm hỏi, trao tặng hàng trăm suất quà mỗi năm cho trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao tặng học bổng, máy tính cho học sinh mồ côi, khuyết tật; phát động các phong trào thi đua, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt hè… tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh, thiếu nhi; duy trì các câu lạc bộ tư vấn pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, chung tay hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Ngọc Điệp cho biết: Với vai trò cầu nối, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, huy động sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để có thêm nhiều trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu, giúp các em có thêm điểm tựa để vươn lên, đồng thời góp phần lan tỏa, nhân rộng những giá trị nhân văn tốt đẹp của chương trình.
TRÁCH NHIỆM CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀ XÃ HỘI
Phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức giám sát trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác quản lý nhà nước về trẻ em theo Điều 51 và Điều 90, Luật Trẻ em tại 3 đơn vị: TP. Mỹ Tho, huyện Cái Bè, huyện Châu Thành.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kiều Tiên, Trưởng Đoàn giám sát cho biết: Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của tổ chức Hội.
Thông qua hoạt động giám sát giúp tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội LHPN trong nắm bắt việc thực hiện chính sách ở các địa phương; đồng thời đề xuất, kiến nghị nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong đảm bảo cho trẻ em được phát triển toàn diện.
Qua giám sát, việc thi hành Luật Trẻ em đã được UBND các cấp quan tâm, triển khai thực hiện, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Từ đó, nhận thức về công tác gia đình, công tác trẻ em được nâng lên; đời sống vật chất, tinh thần của trẻ ngày càng được cải thiện, các em được hưởng đầy đủ các quyền lợi cơ bản; các chế độ, chính sách đối với trẻ em được chi trả đúng, đủ và kịp thời; hệ thống cơ sở giáo dục được quan tâm đầu tư, xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện.
HIỆU QUẢ TÍCH CỰC TỪ CHƯƠNG TRÌNH “MẸ ĐỠ ĐẦU”
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” là một trong những chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong những năm qua, chương trình đã được các cấp Hội LHPN trong tỉnh triển khai sâu rộng, giúp đỡ cho hàng trăm em nhỏ mồ côi được tiếp tục đến trường. Bằng tình yêu thương, chương trình đã trở thành cầu nối, điểm tựa giúp các em có thêm niềm tin, vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 2021 - 2024, hưởng ứng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, các cấp Hội LHPN tỉnh đã vận động, hỗ trợ và nhận đỡ đầu 883 trẻ mồ côi. Hiện nay, duy trì hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng 564 trẻ mồ côi theo nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ tiền mặt, nhu yếu phẩm, học bổng... Việc hỗ trợ được thực hiện định kỳ hằng tháng hoặc hằng quý, với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn kết nối mạnh thường quân ở TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ chi phí học tập cho 2 em sinh viên mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 15 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, chăm sóc trẻ em ở các địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn như: Các điểm vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn còn xảy ra.
Cán bộ phụ trách công tác trẻ em tại phường, xã phải thực hiện nhiều công việc khác (theo vị trí việc làm) nên tham mưu chưa chặt chẽ, kịp thời; kinh phí hoạt động trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em còn gặp nhiều khó khăn…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, với trách nhiệm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em, Hội LHPN các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về công tác chăm sóc, giáo dục và BVTE cho đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông, hội thảo, hội thi về công tác chăm sóc, BVTE; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí... để các em có sân chơi lành mạnh, an toàn và từng bước nâng cao nhận thức. Phối hợp với nhà trường tổ chức nói chuyện chuyên đề về kỹ năng sống, tình bạn, tình yêu cho trẻ trong độ tuổi từ 10-15 tuổi.
Tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các em học sinh được chia sẻ những vấn đề về tâm lý theo độ tuổi; các mối quan hệ giữa tình bạn, tình yêu, gia đình… giúp các em có thêm hiểu biết về giới, rèn luyện kỹ năng, ổn định tâm lý trong cuộc sống.