Tích cực thực hiện phong trào 'Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường'

Thực hiện các phong trào:

Thực hiện các phong trào: “An toàn trường học”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ (thành phố Nam Định) đã xây dựng thiết chế tự quản bằng cách duy trì hoạt động của “Đội sao đỏ”; phối hợp với Công an phường ký cam kết thực hiện Luật An toàn giao thông; nắm diễn biến tình hình của các học sinh có biểu hiện vi phạm; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức phòng ngừa vi phạm, chấp hành tốt nội quy nhà trường; tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Tại Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng (Nam Trực), để xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, Ban giám hiệu đã tổ chức cho các lớp tìm hiểu truyền thống nhà trường; tổ chức các buổi học ngoại khóa về sức khỏe sinh sản vị thành niên, theo chủ điểm nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11); Ngày thành lập Đoàn (26-3); Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3)...; tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa hiệu trưởng với đại diện học sinh các lớp để chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, giúp thầy và trò thân thiện hơn trong dạy và học; xây dựng quỹ khuyến học và trao thưởng cho giáo viên giỏi, học sinh giỏi và học sinh đỗ vào các trường đại học; phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình “Đội thanh niên tự quản”, “Đội xung kích trường học”. Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, môi trường giáo dục trong nhà trường được cải thiện. Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trường Thúy (Xuân Trường) triển khai mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường” với những điều kiện thuận lợi về sơ sở vật chất: Nhà trường có hàng rào kiên cố, có cây xanh và nhà vệ sinh sạch; nguồn rác được xử lý hàng ngày, có hệ thống nước sạch cho giáo viên và học sinh... Nhà trường cũng luôn giáo dục học sinh xây dựng thói quen ứng xử văn hóa, đúng pháp luật, xóa bỏ những hành vi tùy tiện mất an ninh trật tự; hình thành và nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về xây dựng một môi trường học đường không ma túy và bạo lực, tạo môi trường học đường an toàn, trí tuệ, văn minh, văn hóa, sạch - xanh - đẹp, kỷ cương và thân thiện…

Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, công tác đảm bảo an ninh trật tự nói chung, an toàn trường học nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật, huy động được các cấp, các ngành và nhân dân tham gia, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Toàn tỉnh có trên 760 trường học và cơ sở giáo dục. Các nội dung chính của mô hình “An toàn trường học” được đẩy mạnh thông qua tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia giữ gìn an ninh trật tự; đẩy mạnh hoạt động của các tổ tự quản trong nhà trường; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập học đường, góp phần xây dựng trường học an toàn. Các trường học đều ban hành văn bản thực hiện mô hình và tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên, học sinh từ trung học cơ sở trở lên cam kết giao ước thi đua xây dựng nhà trường “An toàn về an ninh trật tự”. Quá trình tổ chức triển khai mô hình đã xuất hiện nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần phòng ngừa, hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành Công an, Giáo dục và Đào tạo; đã xác lập quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội ngày càng chặt chẽ, nhằm quản lý, giáo dục, giúp đỡ học sinh, sinh viên, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Qua mô hình, đã phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo động lực mới cho phong trào thi đua “Hai tốt” ở các trường học.

Trước thực trạng các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá, tập trung vào tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên; các loại tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập học đường, tình trạng xâm hại trẻ em, vi phạm pháp luật trong học sinh và bạo lực học đường tại một số địa phương trên cả nước có chiều hướng gia tăng, ngày 23-9-2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 114/2019 triển khai mô hình phong trào “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường” giai đoạn 2019-2024 với các nội dung: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai xây dựng mô hình; tuyên truyền, giáo dục, vận động thực hiện; nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, gắn với xây dựng lực lượng nòng cốt, nhất là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp. Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong học sinh, xây dựng hình ảnh “Học sinh thân thiện”. Tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ giảng dạy, học tập, sinh hoạt, vui chơi đạt chuẩn quốc gia và chuẩn “xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Căn cứ nội dung kế hoạch và các tiêu chí xây dựng mô hình phong trào “trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường”, các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố đang khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Thành phố Nam Định đang chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Công an thành phố chuẩn bị các điều kiện để tham mưu tổ chức làm điểm của tỉnh. Các huyện lựa chọn từ 1 đến 2 cơ sở giáo dục triển khai điểm trong năm học 2019-2020 và định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết vào dịp tổng kết năm học. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao cảnh giác, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở; phòng chống hoạt động móc nối, lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch; bảo vệ chính trị nội bộ, giữ gìn đoàn kết trong nhà trường; tránh xa các loại hình bạo lực học đường, các loại ma túy, tai, tệ nạn xã hội; chấp hành trật tự an toàn giao thông… Xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình đã phát động như: “Tuyến đường an toàn giao thông”, “Phòng chống bạo lực học đường trên không gian mạng”, “Cổng trường an toàn”, “5 quản” (giờ giấc; quan hệ; kinh tế; sinh hoạt; lao động, học tập), góp phần bổ trợ, nâng cao chất lượng mô hình “trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường”… Gắn việc thực hiện phong trào với các phong trào thi đua khác do ngành, địa phương phát động.

Mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường” đang được triển khai góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Để mô hình thực sự có chiều sâu, hiệu quả, cần có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, sự tham gia tích cực của người dân. Bên cạnh đó là việc tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các ban, ngành đoàn thể, các bên liên quan trong việc quản lý, giáo dục con em, phòng ngừa vi phạm pháp luật, bạo lực học đường. Xây dựng, triển khai quy chế phối hợp, liên kết giữa nhà trường - công an phường, xã trên địa bàn - gia đình để chia sẻ thông tin, xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh an toàn trật tự, không để tội phạm, tai, tệ nạn xâm nhập học đường. Đặc biệt, cần xây dựng lực lượng nòng cốt trong phong trào gồm đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, bảo vệ nhà trường, phát huy vai trò tích cực của Bí thư Đoàn, Tổng phụ trách Đội, các tổ chức tự quản, lớp trưởng và học sinh, sinh viên tiêu biểu để duy trì phong trào và trật tự, kỷ cương nhà trường./.

Minh Thuận

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/201910/tich-cuc-thuc-hien-phong-trao-truong-hoc-van-minh-hoc-sinh-than-thien-khong-ma-tuy-va-bao-luc-hoc-duong-2533606/