Tích cực triển khai các phương án phòng, chống thiên tai
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai diễn biến bất thường, khó dự báo, trong khi tỉnh ta được xác định là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp, vì vậy cần chủ động, tích cực triển khai các phương án phòng, chống, ứng phó nhằm giảm thiểu những thiệt hại cho bão, lũ gây ra trong mùa mưa bão năm nay. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai diễn biến bất thường, khó dự báo, trong khi tỉnh ta được xác định là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp, vì vậy cần chủ động, tích cực triển khai các phương án phòng, chống, ứng phó nhằm giảm thiểu những thiệt hại cho bão, lũ gây ra trong mùa mưa bão năm nay.
Theo đánh giá của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, hiện các tuyến đê sông của tỉnh có chất lượng tương đối tốt, cơ bản đáp ứng yêu cầu chống lũ, song vẫn còn một số vị trí cao trình đê thấp hơn cao trình thiết kế và mực nước lũ cao nhất đã từng xảy ra. Trên các tuyến đê biển, các địa phương đã nâng cấp được 64,7/76,6km đê trực diện với biển, xây mới 8 cống qua đê, 80 mỏ kè giữ bãi bảo vệ đê và đang củng cố, nâng cấp gần 8km đê biển Cồn Xanh (Nghĩa Hưng). Công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn do các công trình xây dựng đã lâu, xuống cấp; máy móc, thiết bị tại một số trạm bơm điện đầu mối bị hư hỏng, hiệu suất bơm thấp. Đặc biệt, nhiều cống qua đê được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước đã hư hỏng, xuống cấp, cống ngắn hơn so với mặt đê, cửa cống, kênh tưới, tiêu bị bồi lấp nhiều, trong khi việc tu bổ, nạo vét còn hạn chế. Năng lực tưới tiêu của toàn hệ thống còn thấp so với yêu cầu, hệ thống tưới mới đạt từ 0,86-1,01 lít/s/ha (yêu cầu 7,0-7,2 lít/s/ha). Qua công tác kiểm tra, đánh giá, tỉnh xác định trên các tuyến đê sông năm nay có 17 trọng điểm xung yếu, gồm tuyến đê hữu Hồng có 6 vị trí, đê hữu Ninh có 4 vị trí, đê tả Ninh có 3 vị trí và tuyến đê tả Đáy có 4 vị trí. Tại các tuyến đê biển có 6 vị trí xung yếu trọng điểm phòng, chống lụt bão cấp huyện, đó là kè Cồn Tròn, xã Hải Hòa; cống 1-5 và kè Hải Thịnh 3, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); cống Thanh Hương, xã Nghĩa Bình, đê biển xã Nghĩa Hải và đê, kè, cống Phúc Thắng, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng). Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 16.300ha nuôi thủy sản; 1.019 lều, chòi với 1.229 người trông coi tại các vùng nuôi thủy sản ngoài đê và 250 lồng bè nuôi thủy sản trên các sông. Các địa phương có 2.139 tàu, thuyền khai thác thủy sản với tổng công suất 302.566CV. Trong đó, huyện Giao Thủy 895 chiếc, Hải Hậu 701 chiếc, Nghĩa Hưng 491 chiếc, Trực Ninh 50 chiếc, Xuân Trường 1 chiếc và thành phố Nam Định 1 chiếc. Tổng số lao động trực tiếp trên biển là 6.230 người. Có 2 cảng cá, khu neo đậu tàu, thuyền đã được công bố theo Luật Thủy sản năm 2017 là Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cửa Ninh Cơ (Hải Hậu) và Khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ (Nghĩa Hưng). Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Hà Lạn (Giao Thủy) đang chuẩn bị đưa vào khai thác sử dụng. Nhìn chung các cảng cá, khu neo đậu tàu, thuyền chưa đáp ứng nhu cầu neo đậu của tàu cá khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới; một số tàu cá phải neo đậu trong các cống vùng cửa sông nên không bảo đảm an toàn.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó và giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai gây ra, trong điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các sở, ngành, các huyện và thành phố Nam Định đã tập trung rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN. Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Sở NN và PTNT đã chủ động xây dựng các phương án phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại và thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng kế hoạch PCTT và TKCN giai đoạn 2021-2026 của ngành và kế hoạch PCTT và TKCN, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai năm 2021. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các huyện, thành phố đôn đốc các địa phương xây dựng, củng cố lực lượng xung kích PCTT cấp xã; kiểm tra, xác định, lên phương án bảo vệ các trọng điểm PCTT và có phương án hộ đê toàn tuyến. Tích cực phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền pháp luật, các quy định của tỉnh liên quan đến đê điều, thủy lợi, PCTT. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối kết hợp với các ngành, địa phương tổ chức diễn tập hộ đê, TKCN trên đất liền, xây dựng lực lượng xung kích PCTT cấp xã kết hợp với lực lượng Dân quân tự vệ làm nòng cốt để sẵn sàng ứng phó, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu khi có yêu cầu; xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch TKCN khu vực biên giới biển và kế hoạch TKCN chung của tỉnh, đồng thời quản lý chặt chẽ tàu cá, tổ chức thông tin báo bão, áp thấp nhiệt đới, kêu gọi tàu, thuyền và ngư dân vào nơi tránh trú kịp thời theo chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Các huyện, thành phố tích cực triển khai kế hoạch PCTT và TKCN, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai năm 2021; phương án phòng, chống bão mạnh, siêu bão bảo đảm hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt 3 huyện ven biển tập trung thực hiện phương án cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân ở những khu vực xung yếu; tích cực triển khai phương án bảo vệ an toàn các công trình trong mùa mưa bão; tăng cường hoạt động của lực lượng quản lý đê, thực hiện nghiêm chế độ trực ban, tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện những sự cố ngay từ giờ đầu.
Chủ động chuẩn bị thực hiện các phương án phòng chống và ứng phó là giải pháp hiệu quả nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và giảm thiểu thiệt hại cho người dân trong mùa mưa bão năm nay./.
Bài và ảnh: Văn Đại