Tích cực tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi làm việc nước ngoài
Đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế, xóa đói giảm nghèo. Sở LĐ - TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác này bằng nhiều giải pháp đồng bộ, từ tuyên truyền, vận động đến hỗ trợ NLĐ tiếp cận các chính sách ưu tiên.
Tuyên truyền nhiều hình thức
Giai đoạn 2020 - 2023, toàn tỉnh có 997 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong năm 2023, tổng số lao động toàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 451 người, tăng 171,1% so với năm 2022; trong đó, Nhật Bản vẫn là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất, với 308 người. Chủ yếu là lao động sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ với các ngành nghề như điều dưỡng, sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp… Và cũng trong giai đoạn này có 349 lao động của tỉnh hết hạn hợp đồng trở về nước.
Để thực hiện chính sách đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, thời gian qua, Sở Lao động – TB&XH đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các văn bản quy định chính sách của Trung ương, Bộ Lao động – TB&XH. Đồng thời, Sở Lao động – TB&XH đã ban hành các văn bản thực hiện các chương trình, kế hoạch tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài do Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Lao động – TB&XH thường xuyên chỉ đạo Trung tâm DVVL tích cực tuyên truyền, tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh thông qua các hình thức như: tư vấn, tuyển chọn lao động trực tiếp tại xã, phường, thị trấn; các phiên giao dịch việc làm để tuyển chọn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài, các thông tin về thị trường lao động, doanh nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Qua đó nâng cao nhận thức cho người dân hiểu đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài và nâng cao ý thức cảnh giác đối với những tổ chức, cá nhân lợi dụng việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để lừa đảo, lôi kéo phản động hoặc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái pháp luật. Người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài đều được Trung tâm Lao động ngoài nước và các doanh nghiệp tổ chức các lớp học định hướng để tuyên truyền, giáo dục các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước và các quy định của nước đến làm việc để người lao động biết và chấp hành theo quy định. Từ năm 2020 đến năm 2023, Sở Lao động – TB&XH đã xác nhận cho 7 lao động đăng ký hợp đồng trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp đặt trụ sở chính và chưa có đơn vị sự nghiệp đối với hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Khi có doanh nghiệp có nhu cầu tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh đưa đi làm việc ở nước ngoài, Sở Lao động – TB&XH thẩm định hồ sơ năng lực của doanh nghiệp và có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương phối hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tuyển chọn lao động. Trong quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài, nếu xảy ra trường hợp người lao động bị xâm hại về quyền và lợi ích hợp pháp; sức khỏe, tinh thần và tính mạng thì UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp tiến hành giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Theo lãnh đạo Sở Lao động – TB&XH tỉnh, là cơ quan được UBND tỉnh giao nhiệm vụ theo dõi, quản lý, hướng dẫn, triển khai công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Do đó, Sở sẽ triển khai kịp thời cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm DVVL, các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp để thông báo cho người lao động biết, đăng ký tham gia. Sở Lao động – TB&XH còn thường xuyên có văn bản đề nghị các địa phương tiến hành rà soát trên địa bàn, phát hiện các tổ chức, cá nhân thu gom, tuyển chọn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài không đúng theo quy định hoặc có hành vi lừa đảo, vi phạm trong công tác tuyển chọn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài, để kịp thời phối hợp ngăn chặn. Bên cạnh đó, cảnh báo đến người lao động để phòng ngừa những thủ đoạn lừa đảo, lôi kéo bỏ trốn ra nước ngoài hoặc chống phá của các thế lực phản động. Các tổ chức chính trị - xã hội đã thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ cho đoàn viên, hội viên được vay vốn, góp phần giảm một phần gánh nặng chi phí. Sau khi về nước, các đoàn viên, hội viên được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện tốt chủ trương này được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu tạo việc làm có mức thu nhập cao cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, thay đổi tư duy, trình độ sản xuất của người lao động, người nghèo, người dân tộc thiểu số, thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.