Tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào đời sống
Thời gian qua, thành tựu về khoa học và công nghệ (KHCN) đã được ứng dụng vào mọi mặt của đời sống, xã hội, góp phần làm tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Sở KHCN cho biết: Trong năm 2024, sở đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động về KHCN, ứng dụng thành tựu nghiên cứu khoa học vào đời sống và sản xuất. Các nhiệm vụ KHCN được sở tuyển chọn đều có khả năng ứng dụng trong thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học và phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các sản phẩm, đặc sản của tỉnh tiếp tục được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ góp phần phát huy danh tiếng, uy tín của sản phẩm, từ đó thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường. Những thành quả này góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong thực tế, việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành KHCN quan tâm triển khai trong thời gian qua. Trong năm 2024, toàn ngành tiếp tục thực hiện, quản lý, theo dõi 56 đề tài, dự án KHCN cấp quốc gia, cấp tỉnh. Trong đó, 20 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; 17 dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn; 5 dự án thuộc lĩnh vực y dược; 4 dự án thuộc lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ.
Trong năm 2024, Sở KHCN tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện của 11 đề tài, hầu hết các đề tài đều đã và đang ứng dụng vào thực tiễn. Tiêu biểu trong lĩnh vực y dược có đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật điều trị xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn”. Sau khi nghiệm thu, đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến nay đã có trên 100 bệnh nhân được điều trị xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống. Các bệnh nhân sau khi được điều trị bằng phương pháp này đều nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở KHCN đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai 35 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh đối với một số cây trồng, vật nuôi gồm: chanh rừng, mận cơm, quế, đào cảnh, vịt cổ xanh, gà ri…
Xác định tài sản trí tuệ là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh các sản phẩm của tỉnh trên thị trường, Sở KHCN chú trọng công tác tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các tập thể, cá nhân xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của tỉnh. Trong năm 2024, sở quản lý thực hiện 17 nhiệm vụ xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm; tư vấn, hướng dẫn 30 lượt cho các tổ chức cá nhân xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Trong quá trình xây dựng nhãn hiệu, các chủ thể sở hữu nhãn hiệu đã đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị hỗ trợ sản xuất; chú trọng khâu đóng gói, bảo quản sản phẩm; thiết kế bao bì đẹp mắt, lịch sự; nghiên cứu phương pháp kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm...
Chị Chu Thị Hạnh, chủ cơ sở sản xuất Thạch Chu Hạnh, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của các ngành chức năng về việc tư vấn, giới thiệu, tôi đã đầu tư hệ thống máy nghiền đa năng, máy lọc, nồi hơi… Khi có máy móc hiện đại, thời gian làm ra một mẻ thạch đã giảm từ 2 ngày xuống còn khoảng 8 tiếng, năng suất, chất lượng sản phẩm được tăng lên đáng kể. Nhờ đó, sản phẩm của tôi luôn đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh, được cấp có thẩm quyền đánh giá OCOP 3 sao vào năm 2020, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Qua đây có thể thấy, KHCN đã tác động tích cực đến tất cả các lĩnh vực sản xuất, góp phần đổi mới phương thức sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thời gian tới, Sở KHCN sẽ tiếp tục đặt hàng các nhiệm vụ khoa học bám sát nhu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh; đồng thời tích cực phối hợp chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.