Tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình các môn học ở THCS
Tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai với quá trình thực hiện chương trình giáo dục là một cách làm khả thi, mang lại hiệu quả thiết thực.
Sáng 21/8, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), đã diễn ra Hội thảo tập huấn tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai (PCTT) vào chương trình các môn học, hoạt động giáo dục cho học sinh cấp THCS. Hội thảo do Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNN phối hợp tổ chức.
Thiên tai để lại nhiều tổn thương cho trẻ em
Theo ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước xảy ra 882 trận thiên tai, 83 người thiệt mạng và mất tích, thiệt hại kinh tế gần 1.300 tỷ đồng.
Theo báo cáo, trong năm 2023, nắng nóng gay gắt và khốc liệt hơn trung bình nhiều năm. Đã xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kỷ lục so với cùng kỳ từ tháng 5 tại Bắc Bộ và Trung Bộ. Trong đó, tại Tương Dương (Nghệ An) nhiệt độ đạt 44,20C, vượt mức lịch sử ghi nhận trên phạm vi toàn quốc.
Đặc biệt, gần nhất, tại khu vực Tây Nguyên, mưa lớn gây sạt lở đất tại nhiều điểm trong đó nghiêm trọng nhất vào ngày 30/7 tại đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã vùi lấp 3 chiến sỹ công an và 1 người dân; sạt lở tại TP Đà Lạt rạng sáng ngày 29/6 đã làm 2 người chết, 5 người bị thương. Đợt thiên tai làm nhiều công trình cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hồ chứa bị hư hỏng.
“Sau mỗi trận thiên tai đi qua, để lại những đau thương, thiệt hại về tài sản của nhà nước, người dân. Hơn hết, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai gây ra. Vì vậy, thông qua đợt tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ chuyên trách, cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên khối trường THCS của 5 tỉnh Tây Nguyên cách thức tổ chức triển khai, tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu vào chương trình các môn học, hoạt động giáo dục cho học sinh THCS”, ông Tiến chia sẻ.
Còn theo đại diện Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Đắk Lắk, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thiên tai diễn biến phức tạp với mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng, việc nâng cao nhận thức trong PCTT là yêu cầu cấp thiết. Trong đó, tăng cường giáo dục pháp luật về PCTT trong ngành giáo dục là hoạt động thiết thực, hiệu quả. Góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng tiến tới xây dựng cộng đồng an toàn hơn trước thiên tai. Giảm thiểu rủi ro, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Tích hợp không làm thay đổi tính đặc trưng của môn học
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, sau đợt tập huấn, cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCTT ở đơn vị thông qua hình thức tích hợp vào các môn học.
Tại Hội thảo, Ban Tổ chức và các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm mới, sáng tạo để lan tỏa hoạt động cộng đồng. Các mô hình PCTT động cộng đồng thiết thực ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long, tỉnh Bình Thuận … được Ban tổ chức giới thiệu.
Vấn đề sôi nổi nhất là việc tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh, được các đại biểu quan tâm. Bởi, đây là tiền đề cho bền vững cho công tác phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Theo PGS.TS Mai Văn Trinh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, việc tích hợp nội dung giáo dục PCTT vào một số môn học trong trường THCS cần đảm bảo 2 nguyên tắc cơ bản: tính phù hợp và tính thực tiễn.
Cụ thể, việc cung cấp kiến thức, nội dung giáo dục PCTT cần phải phù hợp với mục tiêu của môn học. Phải dựa trên cơ sở kiến thức sẵn có trong bài học, không làm thay đổi tính đặc trưng của môn học. Kiến thức chọn lọc về PCTT được đưa vào bài học phải có tính hệ thống, được sắp xếp hợp lí, góp phần làm phong phú nội dung bài học. Bên cạnh đó, phải đảm bảo tính phù hợp với trình độ, khả năng nhận thức và tâm sinh lý của lứa tuổi trung học phổ thông.
Nội dung của giáo dục PCTT cần phải nhấn mạnh đến các vấn đề và tác động của thiên tai đến thực tiễn ở địa phương. Các loại hình thiên tai và tác động của thiên tai không giống nhau ở các vùng khác nhau, do đó cần lưu ý đến đặc điểm vùng miền. Cạnh đó, giáo dục PCTT không chỉ cung cấp kiến thức mà cần tạo cơ hội cho học sinh vận dụng các kiến thức đã học nhằm phát triển các kỹ năng thực tế trong việc phòng chống, giảm nhẹ thiên tai gây ra ở địa phương.
PGS.TS Mai Văn Trinh lưu ý một số yêu cầu khi thiết kế bài dạy có tích hợp nội dung giáo dục phòng chống thiên tai.
“Khi thiết kế bài dạy, giáo viên cần bổ sung vào mục tiêu bài học những yêu cầu cần đạt về kiến thức, kĩ năng, thái độ về nội dung giáo dục PCTT sẽ tích hợp. Chuẩn bị thiết bị dạy học, xác định những đồ dùng, phương tiện gì cần bổ sung cho nội dung tích hợp. Có thể khai thác gì ở những đồ dùng dạy học có sẵn. Tăng cường các thiết bị dạy học hiện đại (Video, tranh ảnh, ...). Nội dung giáo dục PCTT và các địa chỉ cụ thể có thể tích hợp một cách hiệu quả ở các hoạt động dạy học chủ yếu trong bài học, trong đó cần xác định mức độ, thời điểm tích hợp, thời gian thực hiện. Tránh áp đặt nội dung tích hợp, tăng cường tích hợp với hình thức trò chơi, thi đố vui, đóng vai, xử lý tình huống”, PGS.TS Mai Văn Trinh nhấn mạnh.