'Tích tiểu thành đại' từ những mỏ dầu khí nhỏ
TS.Trần Hồng Nam - Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) ví von, việc tìm kiếm dầu khí, giờ khó như trên một thửa ruộng mà ở đó, những 'củ khoai' lớn đã được lấy đi, còn lại chỉ là những 'củ khoai' nhỏ. Lĩnh vực này, rõ ràng những phát hiện nhỏ là khó khăn nhưng nếu ta có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tìm kiếm thì sẽ 'tích tiểu thành đại'.
Cơ chế tốt, dự án lỗ có thể thành lãi
- Nhận diện những thách thức của ngành Dầu khí trong thời gian tới, một số ý kiến xác định khó khăn sẽ tập trung ở khâu thăm dò, tìm kiếm dầu khí, thậm chí coi đây là một thách thức đối với an ninh năng lượng. Cách nào để giải quyết những khó khăn đã được chỉ ra như, thưa ông?
Việc phát hiện dầu khí mới rõ ràng đang gặp nhiều trở ngại trong khi khâu tìm kiếm đối mặt với nhiều rủi ro do phải khai thác xa bờ, mỏ nhỏ, cận biên, địa chất phức tạp... Thực tế, có những phát hiện lỡ dở chưa đủ kinh tế để có thể đưa vào khai thác. Nhưng nếu chúng ta không đầu tư để có thể khai thác thì nó mãi vẫn là tài nguyên, trong khi trước đó tiền chi ra để thăm dò là một khoản không phải nhỏ. Thời gian qua, chúng tôi khá đau đầu vì điều này!
Luật Dầu khí 2022 sắp có hiệu lực (1/7/2023), sẽ có cơ chế để đưa những lô như thế đi vào khai thác được. Bởi những lô đó mà không khai thác được, thì nhà nước mất trắng. Nhưng nếu khai thác, thì nhà nước có thể thu được thuế tài nguyên từ các nhà đầu tư - qua đó giúp các nhà đầu tư tăng cường việc thăm dò, tìm kiếm.
Tóm lại, là phải bỏ tiền ra để đi tìm mới biết dưới đáy biển, trong lòng đất có dầu hay không, dù có thể đó là những mỏ nhỏ thôi nhưng sẽ giúp chúng ta gia tăng được phạm vi khai thác.
"Chúng ta không thể thay đổi được những “củ khoai” dưới đáy biển, nhưng chúng ta có thể thay đổi cơ chế/chính sách (sự ưu đãi) để đem về bờ những “củ khoai” và biến nó thành lợi ích kinh tế cho đất nước", Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam
Tôi nói vui, việc này giống như đi đào khoai. Đầu tiên đi thì chọn tìm những củ to để lấy trước nhưng đến khi trong vườn hết củ to, chỉ còn những củ nhỏ, nhưng giờ nhỏ cũng cần thì ta phải tìm cách để lấy nó.
Luật Dầu khí mới sắp có hiệu lực thi hành sẽ giúp cho những dự án nhỏ, những mỏ nhỏ, những mỏ cận biên đầy khó khăn có thể thành hiện thực trong khai thác, nó là động lực thúc đẩy các nhà đầu tư như PVEP mạnh dạn bỏ tiền ra đầu tư (xây giàn và chi phí cho giếng khoan) để biến nó thành lợi ích thực sự. Khác với trước kia, khi chưa có cơ chế ưu đãi thì những đối tượng này vẫn chỉ tồn tại ở dạng tiềm năng dưới biển.
Điều đó có nghĩa là khi chúng ta không thể thay đổi được những “củ khoai” dưới đáy biển, thì chúng ta có thể thay đổi cơ chế/chính sách (sự ưu đãi) để đem về bờ những “củ khoai” và biến nó thành lợi ích kinh tế cho đất nước.
Luật Dầu khí 2022 sẽ làm được điều này, qua đó khuyến khích các nhà đầu tư như PVEP tham gia hoặc kêu gọi các đối tác vào tham gia thăm dò các mỏ trữ lượng không lớn đã phát hiện ra.
- Ông có thể nói cụ thể hơn những ưu đãi, khuyến khích mà luật này tạo ra với hoạt động thăm dò dầu khí vốn tiềm tàng những rủi ro?
Đối với những dự án phát hiện có trữ lượng lớn thì các điều kiện trong Hợp đồng dầu khí như thuế suất, ăn chia dầu lãi… không có gì đáng bàn, các nhà đầu tư cứ thế triển khai vì nhà đầu tư đã nhìn thấy lãi khi làm.
Nhưng với những phát hiện nhỏ, cận biên, nếu nhà đầu tư bỏ tiền ra làm thì có thể lỗ. Nhưng, nếu có các điều kiện về ưu đãi, biến Hợp đồng dầu khí thông thường thành một Hợp đồng dầu khí ưu đãi, với một số thay đổi về thuế, tỷ lệ ăn chia dầu lãi… thì dự án từ chỗ có thể lỗ thành dự án lãi, và nó có thể giúp nhà đầu tư bù đắp được chi phí xây giàn, làm giếng khoan - từ đó nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền ra làm.
Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh việc phát hiện dầu khí mới ngày càng nhiều trở ngại, khó khăn, mà có được cơ chế như thế sẽ giúp nhà nước và nhà đầu tư cùng có lợi.
Áp dụng luật cần tránh “trên nóng, dưới lạnh”
- Hành lang pháp lý đã cụ thể và thuận lợi hơn trước. Phần còn lại để thành công là các nhà đầu tư phải chịu bỏ nguồn lực ra thăm dò và khai thác, thưa ông?
Đúng vậy, dù có khó khăn mấy đi nữa thì chúng ta cũng phải đầu tư nguồn lực, kiến nghị cơ chế/chính sách để việc đi tìm, đi thăm dò được diễn ra một cách thuận lợi. Bởi ngồi một chỗ làm sao biết trong lòng đất, dưới đáy đại dương chỗ nào có dầu, chỗ nào có khí. Ngoài ra, việc tìm kiếm, thăm dò không những giúp chúng ta mở rộng được phạm vi khai thác những “củ khoai” nhỏ, mà biết đâu có thể phát hiện ra những “củ khoai” lớn.
- Thời gian qua, truyền thông trong nước nói nhiều về những điểm mới của Luật Dầu khí 2022. Điều này tác động ra sao đến các nhà đầu tư trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí quốc tế, thưa ông?
"Nếu Luật Dầu khí quy định thông thoáng rồi mà người áp dụng không như tinh thần của luật, và thực tế lại có những khó khăn trở ngại kiểu “trên nóng, dưới lạnh” thì cũng không thể thu hút được nhiều đầu tư", Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam
Luật mới đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư dầu khí trên thế giới. Trên cơ sở, PVEP sẽ kêu gọi các đối tác đầu tư vào Việt Nam. Mặt khác, với một hàng lang pháp lý mới, PVEP sẽ tăng cường đầu tư thăm dò và sẽ có sự thành công. Đó chính là hấp lực đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi các nhà đầu tư nước ngoài họ sẽ quan sát xem chúng tôi là thế nào rồi mới đầu tư.
Trong một vài cuộc gặp mặt, giới thiệu sự thay đổi của Luật Dầu khí gần đây, chúng tôi nhận thấy các nhà đầu tư, các đối tác khai thác của chúng tôi rất quan tâm đến những chế định đã được thay đổi trong luật này.
- Liệu sẽ có một làn sóng đầu tư trong lĩnh vực dầu khí ở Việt Nam khi Luật Dầu khí 2022 có hiệu lực?
Tôi cho rằng, việc thu hút các nhà đầu tư dầu khí bắt nguồn từ nhiều yếu tố mà quy định trong Luật Dầu khí mới là một yếu tố, tạm gọi là yếu tố “phần cứng”. Nếu Luật Dầu khí quy định thông thoáng rồi mà người áp dụng không như tinh thần của luật, và thực tế lại có những khó khăn trở ngại kiểu như “trên nóng, dưới lạnh” thì cũng không thể thu hút được nhiều đầu tư. Nếu luật, rồi sắp tới là nghị định hướng dẫn được áp dụng thông suốt, tôi tin thành công sẽ nối tiếp thành công, nhiều nhà đầu tư chắc chắn sẽ tìm đến Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi xác định PVEP là đơn vị trụ cột của PVN nên sẽ là đơn vị đi đầu trong hoạt động tìm kiếm thăm dò, qua đó tạo “cảm hứng” trong đầu tư để mời gọi các đối tác quốc tế vào Việt Nam.
Trước đây, từng có 2 thời điểm, đó là sau Đại hội VI - thời kỳ 1987, 1988 các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới Việt Nam, và sau đó là thời điểm sau 1995 khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, tiến tới bỏ cấm vận với Việt Nam, nhiều liên doanh dầu khí cũng đã được thành lập. Chúng tôi hy vọng sau khi Luật Dầu khí 2022 có hiệu lực thì sẽ có làn sóng thứ 3 về đầu tư tìm kiếm, thăm dò dầu khí.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Tại thềm lục địa Việt Nam, các hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí ngày một thu hẹp do sản lượng suy giảm nhanh (ở các mỏ nhỏ, cận biên, mỏ đang ở thời kỳ khai thác); các khu vực nước sâu, xa bờ, có địa chất phức tạp, giá thành thăm dò khai thác cao trong khi rủi ro thất bại lớn; an ninh Biển Đông là vùng biển nhạy cảm, do đó gặp nhiều trở ngại, có nguy cơ làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khiến nguồn lực đầu tư vào tìm kiếm, thăm dò dầu khí ngày một thấp trong những năm gần đây lại đến từ các yếu tố liên quan thủ tục đầu tư vào ngành Dầu khí, và các cơ chế/chính sách liên quan. Trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi Luật Dầu khí, PVEP đã kiến nghị tháo gỡ chồng chéo, bất cập giữa các Luật: Đầu tư, Xây dựng, Quản lý sử dụng vốn nhà nước; tăng cường ưu đãi đầu tư với các vùng nước sâu, xa bờ và những dự án có quy mô, trữ lượng nhỏ...