Tích tụ đất đai trong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tồn tại bất cập, rủi ro cao
Sáng 11/11, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc tích tụ đất đai trong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thực hiện theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP đang có rất nhiều bất cập, rủi ro cao.
Sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trực tiếp trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV liên quan hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các câu hỏi của đại biểu Quốc hội về làm thế nào để thu hút đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, làm thế nào để có cơ cấu đầu tư ly nông nhưng không ly hương, nhất là giải quyết công ăn việc làm cho các lao động trở về quê trong tình hình hiện nay là những vấn đề mà Dự thảo Nghị định hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP) đang trong quá trình hoàn thiện để hướng tới giải pháp tốt nhất.
Thu hút được đầu tư trên lĩnh lực nông nghiệp nông thôn là một chủ trương rất lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, ông Dũng nhấn mạnh, việc thu hút đầu tư trên lĩnh vực này liên quan trực tiếp tới 7 vấn đề. Đó là chúng ta có quy hoạch, cơ sở hạ tầng tốt hay không? Vấn đề đất đai giải phóng mặt bằng và vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, thủ tục hành chính đầu tư như thế nào? Việc định hướng thu hút đầu tư và xúc tiến đầu tư cũng như hiệu quả của việc thực hiện các chính sách của chúng ta có đổi mới, phù hợp để thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn hay không?
“Các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, chúng ta không tiếp cận với công nghệ thấp, giá trị hàm lượng gia tăng thấp nữa mà nên chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, tài chính có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn. Điều này cũng tạo điều kiện cho các địa phương khác được tiếp cận và thu hút đầu tư phù hợp với điều kiện địa phương mình, dưới sự hỗ trợ của Trung ương và nỗ lực của từng địa phương”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Riêng về Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ông Dũng thừa nhận quá trình thực hiện Nghị định này đã lâu mà kết quả rất hạn chế do đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cần diện tích đất đai lớn, việc tập trung tích tụ đất đai đang có nhiều vấn đề bất cập, rủi ro cao nhưng lợi nhuận mang lại thấp.
“Các chính sách đưa ra chưa phù hợp với thực tế. Đơn cử một việc, trong chính sách này, chúng ta có việc hỗ trợ cho nhà đầu tư về xây dựng hạ tầng. Nghị định 57/2018/NĐ-CP giao trách nhiệm hỗ trợ này cho địa phương, nhưng các địa phương do điều kiện khác nhau nên chưa tập trung bố trí được nguồn lực cho đầu tư hạ tầng. Dự kiến giai đoạn 2021-2025 sắp tới, cả nước chỉ có 24 địa phương là bố trí vốn hỗ trợ hạ tầng cho nhà đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn hỗ trợ của 24 tỉnh này chỉ có 300 tỷ đồng - con số rất nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra”, ông Dũng nhấn mạnh.
Sự chưa phù hợp với thực tế trên đã đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh lại Nghị định 57/2018/NĐ-CP theo hướng mở rộng đối tượng, mở rộng nguồn hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng nông nghiệp. Vốn của các bộ ngành có thể cùng tham gia với vốn ngân sách trung ương, cùng với đó là sự hỗ trợ lãi suất các tổ chức tín dụng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông báo Dự thảo Nghị định hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định 57/2018/NĐ-CP đang được lấy ý kiến lần cuối trình Chính phủ.
“Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ sớm phê duyệt Nghị định mới thay thế Nghị định 57 để làm nền tảng thu hút đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”, ông Dũng khẳng định.