'Tick xanh trách nhiệm' giúp tạo sự khác biệt cho nhà kinh doanh
Chương trình 'Tick xanh trách nhiệm' giúp tạo sự khác biệt cho nhà cung cấp thông qua cam kết mạnh mẽ hơn về chất lượng hàng hóa.
Gần đây, tại một số siêu thị, khu vực bán rau quả gây chú ý với bảng hiệu và logo "Tick xanh trách nhiệm" trên bao bì. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR trên logo là có thể truy xuất thông tin nguồn gốc sản phẩm. Dự kiến, hệ thống mã này sẽ được cập nhật thêm kết quả kiểm nghiệm hàng ngày của siêu thị để người tiêu dùng tham khảo.
Đây là điểm tạo nên sự khác biệt, và là một trong những bước tiếp theo trong việc thí điểm cơ chế thu hồi sản phẩm lỗi từ nhà cung cấp tham gia Chương trình "Tick xanh trách nhiệm" do TP.HCM triển khai hơn một năm qua.
Cần thay đổi tư duy minh bạch chất lượng sản phẩm
TS. Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM (HCA), cho biết doanh nghiệp và người tiêu dùng thường khá nhạy cảm khi đề cập đến việc "thu hồi sản phẩm". Tuy nhiên, thực tế là việc thu hồi hàng hóa khi phát sinh vấn đề là điều bình thường.
Thống kê tại một số quốc gia cho thấy 80% các vụ thu hồi sản phẩm chủ yếu do chính nhà cung cấp tự nguyện thực hiện. Điều này thể hiện sự chủ động của doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu và uy tín. Ngoài cơ quan quản lý nhà nước và nhà sản xuất, các nhà phân phối cũng có quyền yêu cầu thu hồi sản phẩm nếu không phù hợp với chính sách kinh doanh của họ.
Vì vậy, cần khuyến khích nhà cung cấp (NCC) tự nguyện thu hồi sản phẩm khi phát hiện vấn đề, đồng thời các nhà phân phối cần sẵn sàng hợp tác với NCC trong quá trình này.
Theo ông Trung, với vai trò là một đơn vị độc lập, Hội Công nghệ cao TP.HCM đã xây dựng hệ thống quản lý sản phẩm "Tick xanh trách nhiệm" nhằm đồng hành cùng Sở Công Thương TP.HCM trong việc quản lý chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm một cách khách quan, trung thực.
Đây là công cụ giúp 11 chuỗi bán lẻ tham gia chương trình có thể thực hiện quy trình thu hồi sản phẩm một cách nhanh chóng và minh bạch.
Ông Trung cho biết thêm, qua khảo sát tại các hệ thống phân phối, Hội Công nghệ cao đề xuất rằng, ngoài việc sản phẩm của NCC phải tuân thủ quy định pháp luật, 11 hệ thống phân phối tham gia chương trình nên thống nhất các tiêu chí chung đối với sản phẩm đầu vào. Đồng thời, cần có một logo "Tick xanh trách nhiệm" thống nhất để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện.
Tuy nhiên, logo sẽ không phát huy nhiều ý nghĩa nếu thiếu nội dung cụ thể đi kèm. Vì vậy, hệ thống quản lý sản phẩm "Tick xanh trách nhiệm" ứng dụng công nghệ Blockchain, AI giúp siêu thị quản lý hiệu quả các nhà cung cấp. Người tiêu dùng có thể truy xuất các thông tin như: ID và địa chỉ NCC, mã nội bộ của sản phẩm, ngày nhập hàng vào siêu thị, v.v.
Hệ thống cũng có thể tích hợp video giới thiệu về chương trình, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn, đồng thời gia tăng lợi ích cho NCC.
"Hiện nay đã có nhiều nhà cung cấp đăng ký tài khoản. Việc minh bạch hóa chất lượng, kể cả thu hồi sản phẩm khi cần thiết, là điều bình thường và chúng ta cần thay đổi nhận thức về vấn đề này", ông Trung nói.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đề xuất các siêu thị nên chủ động cập nhật kết quả kiểm nghiệm sản phẩm hàng ngày lên hệ thống để người tiêu dùng tham khảo khi mua sắm. Đây là bước đi cần thiết nhằm tăng cường minh bạch thông tin cho người tiêu dùng.
Đại diện Saigon Co.op cho biết phần mềm quản lý sản phẩm "Tick xanh trách nhiệm" hiện chỉ áp dụng cho rau quả đóng gói hoàn chỉnh, trong khi người tiêu dùng vẫn ưa chuộng mua nhiều loại thực phẩm tươi sống dạng hàng rời. Do đó, đề nghị cần có giải pháp hỗ trợ thêm đối với nhóm hàng rời này.
Một số nhà cung cấp bày tỏ lo ngại việc dán hoặc in logo "Tick xanh trách nhiệm" lên bao bì sản phẩm sẽ làm tăng chi phí sản xuất.
Theo ông Đào Hà Trung, mức chi phí khoảng 100.000 đồng/mã hàng/năm không phải là quá lớn đối với các nhà cung cấp.
Mặt khác, đại diện các siêu thị cho biết sẽ tiến tới việc in trực tiếp logo "Tick xanh trách nhiệm" lên bao bì thay vì dán nhãn, do hiện nay nhiều nhà cung cấp vẫn còn lượng lớn bao bì cũ chưa sử dụng hết.

Siêu thị dành khu vực bày bán sản phẩm tick xanh. Ảnh: TÚ UYÊN
Nhiều nhà cung cấp vẫn e ngại
Đại diện một số siêu thị cho biết, từ khi chương trình triển khai, bên cạnh nhiều nhà cung cấp tích cực tham gia, vẫn còn một số đơn vị tỏ ra e dè do chưa hiểu đầy đủ về chương trình. Đặc biệt, các nhà cung cấp lo ngại về chi phí, thời gian triển khai, trong khi hiệu quả về mặt doanh số bán hàng chưa thể hiện rõ rệt.
Đại diện Lotte Mart cho biết, một số NCC đã đăng ký tham gia và siêu thị đã bố trí khu vực trưng bày riêng giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm "Tick xanh trách nhiệm". Tuy nhiên, các NCC này còn lo ngại về những biện pháp xử lý (chế tài) có thể được áp dụng nếu xảy ra rủi ro liên quan đến chất lượng sản phẩm.
"Hiện tại, siêu thị chủ yếu kiểm soát đầu vào thông qua hồ sơ và kết quả kiểm nghiệm do NCC cung cấp. Vấn đề đặt ra là liệu các địa phương có giải pháp nào để tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa của NCC ngay tại nguồn gốc sản xuất hay không? Điều này sẽ giúp siêu thị yên tâm hơn trong suốt quá trình hợp tác, từ khi NCC đăng ký tham gia chương trình cho đến khi nhập hàng", đại diện Lotte Mart chia sẻ.
Trước thực trạng này, nhiều siêu thị mong muốn Sở Công Thương đẩy mạnh hoạt động truyền thông về chương trình để người dân biết đến rộng rãi hơn và ưu tiên lựa chọn tiêu thụ sản phẩm có gắn logo "Tick xanh trách nhiệm".
Điều này sẽ tạo thêm động lực và nguồn lực để NCC tham gia chương trình một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, các siêu thị cũng kiến nghị Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành địa phương liên quan nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng ngay tại vùng nguyên liệu.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định, hàng hóa kinh doanh tại các hệ thống siêu thị hiện nay chắc chắn đã được kiểm soát chất lượng theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chương trình "Tick xanh trách nhiệm" giúp tạo sự khác biệt cho NCC thông qua việc thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn về chất lượng hàng hóa. Qua đó, chương trình góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
"Trách nhiệm của NCC chỉ đơn giản là thực hiện đúng những gì mình đã cam kết và tuân thủ quy định pháp luật. Ví dụ, nếu doanh nghiệp công bố sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì phải đảm bảo sản phẩm thực sự đạt chuẩn VietGAP", đại diện Sở Công Thương giải thích.
"Việc NCC đăng ký tham gia chương trình "Tick xanh trách nhiệm" không có nghĩa là họ muốn làm gì cũng được. Các siêu thị cần xây dựng cơ chế giám sát phù hợp. Đồng thời, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị các sở, ngành địa phương phối hợp kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay tại vùng nguyên liệu", ông Phương nhấn mạnh.
Chương trình "Tick xanh trách nhiệm" do TP.HCM phát động từ tháng 3-2024.
Ban đầu có 6 hệ thống bán lẻ lớn hưởng ứng tham gia đến nay có 11 hệ thống bán lẻ.
Tham gia chương trình, các nhà bán lẻ cùng hợp tác, cam kết cùng hành động, cùng ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng; liên kết hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng tổng hợp. Đồng thời có chính sách, hỗ trợ đặc thù đối với sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm”.
Nhà cung cấp tự nguyện chịu giám sát chất lượng, tự nguyện ngăn chặn sản phẩm lỗi đến tay người tiêu dùng, đây là hành động trách nhiệm với người tiêu dùng, nhà bán lẻ đánh giá cao, được gắn “Tick xanh trách nhiệm”.
Theo Sở Công thương, chương trình không chỉ là giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa mà góp phần xây dựng các hệ thống phân phối có trách nhiệm minh bạch và bền vững.