Tiếc nuối hồng giòn Lục Yên
Những vườn hồng giòn không hạt sai trĩu trịt, vị ngon ngọt từng là nông sản 'đặc sản' ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã mất dần theo năm tháng, để lại nhiều nuối tiếc cho cả người dân và du khách gần xa.
Bà con nông dân nơi đây mong muốn có những hỗ trợ để sớm khôi phục lại, góp phần nâng cao thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Hồng giòn không hạt là loại cây bản địa có từ lâu đời ở Lục Yên, những cụ cao niên cũng không rõ loại cây này có từ bao giờ. Quả hồng giòn thường thu hái khi già, sau đó sẽ được ngâm trong nước sạch 3 ngày rồi vớt ra là ăn được. Khi ấy quả giòn, ngọt đậm, có vị thơm và không chát.
Đứng bên cây hồng già cạnh hiên bếp có tuổi đời hơn 50 năm, gốc cây xù xì, cành khẳng khiu, thưa thớt vài chùm quả, bà Hoàng Thị Hán, 78 tuổi ở xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên nhớ lại, năm 1972, bà xin được hai cây giống từ một người quen để về trồng trong vườn nhà. Dù không cần chăm bón nhiều, cây hồng vẫn phát triển rất tốt, khoảng 5 năm thì bắt đầu ra quả.
Có thời điểm mỗi cây hồng cho thu hoạch đến vài tạ quả, màu đỏ rực khi quả chín tạo nên một khung cảnh tươi đẹp cho cả khu vườn. Thế rồi theo năm tháng, một cây hồng bỗng dưng chết khô, những cây còn lại hàng năm vẫn ra hoa, kết trái. Nhưng sau một thời gian ngắn, hầu hết quả lại rụng đi, số quả còn lại không đáng kể.
“Năm 72 tôi đi xin được cây về trồng, ra quả nhiều lắm, một cây được mấy tạ luôn, nhưng bây giờ không được nữa. Cứ có quả là nó rụng đi hết”, bà Hán buồn rầu nói.
Bà Nông Thị Hợp về làm dâu tại thôn Trung Tâm, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên từ năm 1986. Thấy trong làng nhà nào cũng trồng rất nhiều cây hồng giòn không hạt, vợ chồng bà đã nhân giống trồng gần 50 cây trong khu vườn xung quanh nhà.
Bà Hợp kể, những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi cây hồng có thể thu được lại từ 2-3 tạ quả mỗi vụ. So với các loại cây ăn quả khác, cây hồng cho năng suất và hiệu quả kinh tế vượt trội. Đến mùa thu hoạch, cả xã nhộn nhịp, tấp nập thương lái đến thu mua nên cuộc sống của bà con khấm khá lên nhiều.
Tuy nhiên, đến những năm 2000 trở lại đây, dù cây hồng vẫn sai hoa và đậu quả, nhưng chỉ khoảng một tháng sau, nấm bệnh khiến quả non rụng la liệt, mỗi cây chỉ còn xót lại một số quả ít ỏi. Nhiều cây hồng già cỗi, bị sâu bệnh tấn công chết dần. Từ đó gia đình bà Hợp và một số gia đình trong làng đã phải chặt bỏ dần vì năng suất thấp, không còn hiệu quả kinh tế như trước.
Theo bà Hợp, chính quyền huyện và xã đã mời các chuyên gia đến để tìm hiểu nguyên nhân, hỗ trợ bà con khắc phục, nhưng chưa có biện pháp nào đem lại hiệu quả. Người dân cũng đã thử áp dụng nhiều phương pháp như bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng không có tác dụng.
"Trước đây quả ra nhiều, cứ đến mùa hồng là cả làng ai cũng bán được nhưng mấy năm nay hồng rụng hết nên không ai muốn trồng nữa, cũng muốn khôi phục" - bà Hợp chia sẻ.
Theo nhiều người dân xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên, hồng giòn không hạt là “cái tên” được nhiều người gần xa biết đến. Giống hồng này có đặc điểm là quả giòn, ngọt, không có hạt, nếu để chín cây có thể ăn ngay mà không có vị chát, nếu ngâm nước khi ăn không cần phải gọt vỏ. Người dân địa phương từng coi đó là “vàng xanh” của quê mình, bởi nó không chỉ đem lại thu nhập ổn định, mà còn là sản phẩm nông sản mang đậm bản sắc địa phương.
Ông Nông Đình Đoạn, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lạc cho biết, trong thời kỳ "hoàng kim", toàn xã có gần 70 ha hồng giòn không hạt. Loại cây đặc sản bản địa này phát triển xanh tốt nên gần như nhà nào cũng trồng. Những vườn hồng sai trĩu quả, có cây hơn 10 năm tuổi cho thu hoạch từ 2,5 - 3 tạ/cây/vụ.
Từ năm 2003 đến nay, cây hồng bắt đầu bị mắc nấm bệnh và rụng quả. Xã đã mời các chuyên gia và nhà khoa học đến nghiên cứu, tìm biện pháp khắc phục, nhưng không có phương pháp đặc trị. Vì vậy, diện tích trồng hồng giảm mạnh, hiện nay mỗi gia đình chỉ còn vài cây, tổng diện tích còn lại chỉ khoảng 1-2 ha. Do cây hồng không còn cho hiệu quả kinh tế cao như trước, người dân chặt bỏ và chuyển sang trồng các loại cây khác.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lạc chia sẻ, dù hiện tại diện tích hồng ở Vĩnh Lạc chỉ còn là một phần nhỏ so với trước kia, nhưng người dân nơi đây luôn nuôi hy vọng về việc phục tráng vùng hồng đặc sản. Niềm mong mỏi phục hồi đó không chỉ là vì miếng cơm manh áo, mà còn là niềm tự hào về một sản vật quý giá mà cha ông để lại. Nếu được hỗ trợ bài bản, đúng cách, giống hồng giòn này hoàn toàn có thể phục hồi trở lại, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của bà con nông dân nông thôn mới.
"Chúng tôi cũng mong muốn các nhà khoa học và các cấp quan tâm để làm sao đó phục tráng lại cây hồng cho địa phương, đem lại hiệu quả cho người dân. Bây giờ cây hồng mà phát triển như ngày xưa thì dân Vĩnh Lạc sẽ không có hộ nghèo" - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lạc bày tỏ.
Ở Lục Yên (Yên Bái) còn một số nông sản đặc sản rất nổi tiếng cũng đang bị "mai một" như: Khoai tím Lục Yên; cam sành Lục Yên nổi tiếng khắp vùng... Nông dân miền núi nơi đây rất mong chính quyền có những giải pháp hữu hiệu, mạnh mẽ để khôi phục và phát triển các loại đặc sản này, không chỉ mang lại thu nhập cao cho bà con mà còn giữ gìn những loại cây trồng quý báu mà cha ông để lại.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tiec-nuoi-hong-gion-luc-yen-post1145500.vov