Tiềm ẩn gian lận trong khai báo hải quan dịp cuối năm

Tết Nguyên đán đang đến gần. Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh nhập khẩu một số mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp này để đáp ứng thị trường. Điều này tiềm ẩn nhiều khả năng gian lận trong hoạt động tự khai báo. Cơ quan hải quan đang siết chặt việc kiểm tra kê khai về số lượng, mã số, xuất xứ, nhãn mác... đặc biệt là trị giá, để xác định nghi vấn, tổ chức tham vấn và xử lý theo quy định.

Nhiều dấu hiệu bùng phát gian lận

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) thường lợi dụng sự thông thoáng trong việc thông quan điện tử để khai báo sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số, trị giá hàng hóa, xuất xứ… Một số khác hay lợi dụng thương mại điện tử, hàng hóa vận chuyển theo hình thức vận chuyển độc lập để gian lận thương mại, trốn thuế. Nhiều trường hợp đã bị cơ quan hải quan phát hiện, truy thu và xử lý theo quy định.

Đơn cử như Lạng Sơn - một địa bàn “nóng”, có cửa khẩu với Trung Quốc được nhiều DN lựa chọn làm thủ tục nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa tiêu dùng. Từ đầu tháng 10 đến nay, các đơn vị hải quan cửa khẩu đã phát hiện, ngăn chặn 189 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng 175% so với thời điểm tháng 8 và 9/2022. Trong đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma phát hiện, ngăn chặn 18 vụ nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa không đúng với chủng loại hàng đã kê khai. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, lực lượng hải quan đã phát hiện 75 vụ việc liên quan đến thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng như cài cắm hàng lậu, hàng trái phép vào container tái nhập vào Việt Nam.

Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra chặt chẽ trị giá kê khai. Ảnh: Đỗ Doãn

Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra chặt chẽ trị giá kê khai. Ảnh: Đỗ Doãn

Điển hình như vụ việc, Công ty TNHH kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu Bảo Tín đăng ký tờ khai nhập khẩu 43 mục hàng và hệ thống phân luồng Đỏ. Kết quả kiểm tra thực tế, Hải quan Hữu Nghị xác định doanh nghiệp này khai sai số lượng, tên hàng, mã số hàng hóa, thuế suất của 10/43 mục hàng. Công ty Bảo Tín đã bị xử phạt 40 triệu đồng về 4 hành vi: khai sai số lượng, tên hàng, trị giá hải quan, mã số hàng hóa, thuế suất, xuất xứ dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp; nhập khẩu hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc; nhập khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam và nhập khẩu hàng hóa không có nhãn gốc hàng hóa.

Với phương thức tương tự, Hải quan Hữu Nghị cũng phát hiện và lật tẩy hành vi nhập khẩu lô hàng có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu An Huy, với trị giá hàng hóa vi phạm trên 122 triệu đồng. Doanh nghiệp bị xử phạt 205 triệu đồng và buộc tiêu hủy số hàng nêu trên.

Mới đây nhất, Cục Hải quan Lạng Sơn đã báo cáo và đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Thuận Thành, do nhập khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Số tiền xử phạt là 312 triệu đồng.

Tập trung mặt hàng, địa bàn trọng điểm

Để công tác ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại qua khai báo đạt hiệu quả, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc, trực thuộc: Cục Kiểm tra sau thông quan; Vụ Thanh tra - Kiểm tra; Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Thuế xuất nhập khẩu tăng cường công tác quản lý đối với một số mặt hàng nhập khẩu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, các đơn vị đặc biệt tổ chức kiểm tra chặt chẽ trị giá kê khai, xác định nghi vấn, tổ chức tham vấn trị giá hải quan, tập trung vào các nhóm hàng tiềm ẩn nguy cơ gian lận cao như: rượu, bia, đồ uống, bánh kẹo, thiết bị điện tử gia dụng, ô tô, mô tô, hàng thời trang...; tránh tình trạng không đánh dấu nghi vấn đối với dòng hàng thuộc danh mục rủi ro về trị giá có giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu.

Nguy cơ rủi ro gian lận thương mại về số lượng, xuất xứ

Thời điểm cuối năm 2022 và cận kề các ngày lễ lớn như Giáng sinh, Tết Dương lịch 2023, Tết Nguyên đán Quý Mão, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng như: rượu, bia, đồ uống, bánh kẹo, thiết bị điện tử gia dụng, ô tô, mô tô, hàng thời trang... tăng cao. Đây đều là các mặt hàng có thuế suất cao, một số các mặt hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ rủi ro gian lận thương mại về số lượng, xuất xứ... gây thất thu ngân sách.

Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, quá trình tham vấn phải làm rõ các vấn đề mâu thuẫn của hồ sơ có ảnh hưởng đến trị giá, mâu thuẫn giữa mức giá kê khai với thông tin thu thập được, quá trình giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng, thanh toán,...; đề nghị người khai hải quan cung cấp các chứng từ chứng minh tính chính xác của trị giá kê khai. Trường hợp người khai hải quan không chứng minh, giải trình được các mâu thuẫn thì bác bỏ trị giá, xác định lại trị giá, theo quy định (tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC và Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC).

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị rà soát, thu thập thông tin để lập các chuyên đề kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm nhằm xử lý các trường hợp khai báo trị giá hải quan hợp lý để gian lận, trốn thuế nhất là đối với mặt hàng tiêu dùng. Bộ phận trực ban trực tuyến tăng cường giám sát, rà soát trên hệ thống đối với các lô hàng đang làm thủ tục hải quan trên toàn quốc có rủi ro cao về trị giá hải quan để chỉ đạo các chi cục hải quan kiểm tra trị giá, tham vấn, xác định giá, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, có lưu lượng hàng hóa lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn... Đồng thời, các đơn vị triển khai quyết liệt, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, trọng tâm vào các mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao có nhu cầu tiêu dùng cuối năm.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tiem-an-gian-lan-trong-khai-bao-hai-quan-dip-cuoi-nam-118474-118474.html