Tiềm ẩn nguy hại khi phóng sinh động vật hoang dã

Hiện nay, có rất nhiều người dân với tình yêu thiên nhiên, yêu động vật hoang dã hoặc vì lòng trắc ẩn theo quan niệm nhân quả… nên khi gặp các đối tượng bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép, họ không tố cáo với chính quyền, cơ quan chức năng, mà bỏ tiền ra mua lại rồi đem thả vào tự nhiên, hay gọi là phóng sinh… Hành động này đang vô tình vi phạm pháp luật, gây hại cho ĐVHD và với chính bản thân mình.

Tình trạng săn bắn, bẫy bắt và buôn bán ĐVHD ở nước ta cũng như trên thế giới hiện nay còn phức tạp. Hành động buôn bán rất tinh vi với nhiều thủ đoạn, có nhiều đối tượng còn ngang nhiên bày bán ở nơi công cộng, dẫn đến nhiều loài động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, làm giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên môi trường...

Giải cứu, cứu hộ và tái thả ĐVHD là việc làm vô cùng quan trọng, cần thiết và đầy ý nghĩa đối với công tác bảo tồn loài, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái … Song, nếu việc giải cứu, cứu hộ và thả ĐVHD bằng cách mua ĐVHD từ những người săn bắn, buôn bán trái phép… sẽ có nhiều nguy hại đến chính bản thân mình và loài động vật đó.

Hoạt động khảo sát đánh giá môi trường và thả động vật vào rừng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Hoạt động khảo sát đánh giá môi trường và thả động vật vào rừng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Cụ thể là, người mua ĐVHD đã vô tình vi phạm pháp luật của Việt Nam và quốc tế (Công ước Cites) về hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ ĐVHD trái phép, sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật về bảo vệ ĐVHD. Việc mua ĐVHD càng làm kích thích, gia tăng các hoạt động săn bắn, bẫy bắt ĐVHD trái phép, bởi ĐVHD được bán một cách dễ dàng, lợi nhuận cao nên các đối tượng càng có nhiều hành vi săn bắn, bẫy bắt hơn.

Bên cạnh đó, việc tự mình đem tái thả ĐVHD vào tự nhiên có thể xảy ra các vấn đề như: Thả không đúng môi trường sống của loài, dẫn đến loài đó bị chết vì môi trường sống không phù hợp; hoặc nó sẽ lây lan bệnh dịch cho các loài khác... gây mất cân bằng sinh thái và suy giảm đa dạng sinh học tại khu vực. Vì vậy, việc tái thả ĐVHD cần phải là người có chuyên môn đánh giá và lựa chọn khu vực tái thả ĐVHD một cách cẩn thận, phù hợp cho từng loài.

Ngoài ra, khi tiếp xúc quá gần với các loài ĐVHD mà không có trang thiết bị bảo hộ cần thiết thì sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm một số bệnh lạ từ ĐVHD như: sốt Ebola, khuẩn E.coli, SARS, sốt vàng, dịch hạch, cúm A (H5N1), đậu mùa khỉ và một số dịch bệnh lạ khác… ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

Đặc biệt, còn có một số người mua ĐVHD mang lên chùa phóng sinh hoặc gây nuôi... Đây là việc làm trái pháp luật và gây hại cho chính nhà chùa, người tu hành ở đây và cũng như các loài ĐVHD. Bởi nhà chùa không có chức năng, không có chuyên môn trong việc cứu chữa, nuôi nhốt ĐVHD.

Để việc cứu hộ, bảo tồn các loài ĐVHD quý hiếm của Việt Nam hiệu quả, cũng như không vi phạm pháp luật, không gây ảnh hưởng xấu đến các loài ĐVHD và sức khỏe của chúng ta, mọi người dân không tự mua và phóng sinh, tái thả các loài ĐVHD vào rừng tự nhiên. Nếu bắt gặp các loài ĐVHD đang bị nuôi nhốt, tàng trữ và buôn bán trái phép… thì báo ngay cho cơ quan kiểm lâm, công an, UBND các xã, phường nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nếu trường hợp gia đình, người thân và bạn bè đang nuôi nhốt ĐVHD thì động viên người nuôi chủ động khai báo với cơ quan kiểm lâm, UBND các xã, phường hoặc liên hệ trực tiếp đến Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Bù Gia Mập để bàn giao cứu hộ và được hỗ trợ về mặt pháp lý liên quan (đại diện: ông Trần Văn Trưởng, Giám đốc, điện thoại: 0978.404.739 hoặc ông Khương Hữu Thắng, Phó giám đốc, điện thoại: 0979.526.082).

Khương Thắng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/129626/tiem-an-nguy-hai-khi-phong-sinh-dong-vat-hoang-da