Tiệm bánh và hành trình vươn lên của những thợ làm bánh đặc biệt

Tại địa chỉ 262 Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, có một tiệm bánh bao không chỉ nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon mà còn chứa đựng cả những câu chuyện đầy nhân văn.

Đó là tiệm bánh bao Meko, do anh Phạm Sơn Tùng sáng lập, nơi tạo việc làm cho những người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ tự lập và vươn lên trong cuộc sống. Suốt 7 năm qua, Meko không chỉ mang đến những chiếc bánh bao chất lượng mà còn thắp sáng niềm hy vọng cho nhiều số phận kém may mắn.

Anh Phạm Sơn Tùng, chủ tiệm bánh bao Meko, nơi tạo việc làm cho những người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ tự lập và vươn lên trong cuộc sống.

Anh Phạm Sơn Tùng, chủ tiệm bánh bao Meko, nơi tạo việc làm cho những người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ tự lập và vươn lên trong cuộc sống.

“Bác mới mua nhưng mà thấy ngon nên bác mua lại. Bác mua lần thứ 2 rồi. Bác thấy quảng cáo rất chi tiết, cụ thể, khách hàng có thể tùy chọn theo sở thích của mình”.

“Tôi thấy mô hình này có ý nghĩa, vừa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, vừa giúp đỡ các bạn khuyết tật. Tôi muốn mua để ủng hộ các bạn, góp một chút phần nho nhỏ để các bạn có thêm thu nhập”.

“Công ty của mình thì ở ngay gần đây nên là sáng nào mình cũng ghé qua đây để mua bánh bao ăn sáng. Có một điều mà mình mới biết gần đây thôi và nó khiến mình rất là bất ngờ, đấy là những cái chiếc bánh bao được làm bởi những người bị khuyết tật. Đấy chính là lý do mà mình muốn quay trở lại đây mua hàng nhiều lần và mình cũng có giới thiệu mô hình cửa hàng này đến với bạn bè, đồng nghiệp của mình để mọi người có thể qua đây mua bánh bao ủng hộ các bạn ấy”.

Đó là những cảm nhận chân thực của những vị khách thường ghé qua cửa hàng để mua và thưởng thức những chiếc bánh bao tại tiệm bánh Meko - tiệm bánh do anh Nguyễn Sơn Tùng thành lập với mong muốn giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Đây là tiệm bánh đặc biệt bởi những chiếc bánh được tạo ra bởi những người bị khiếm khuyết một phần cơ thể.

80% người lao động làm tại xưởng sản xuất bánh Meko là người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn

80% người lao động làm tại xưởng sản xuất bánh Meko là người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn

Bắt đầu công việc vào lúc 6 giờ sáng, dù gặp khó khăn trong việc di chuyển, bạn Bàn Văn Linh (23 tuổi, Lào Cai) vẫn luôn làm việc chăm chỉ và đón tiếp khách hàng với nụ cười rạng rỡ. Công việc đã trở nên quen thuộc, mỗi chiếc bánh hoàn thành đều mang theo niềm vui và sự cố gắng.

"Mình làm hấp bánh, ủ bánh và bảo quản bánh, đến khi nào mà xong hết bánh là mình xong công việc của một ngày. Mọi thứ làm nhẹ nhàng, không có áp lực”- Linh nói.

Từng là một chàng trai rụt rè, nhút nhát, Linh đã dần thay đổi sau thời gian làm việc tại quán, nhờ sự hỗ trợ tận tình từ anh Tùng và mọi người xung quanh.

“Mọi người ở đây giúp đỡ mình rất nhiệt tình. Qua từng ngày thì việc bản thân mình ít cởi mở và rụt rè đã cải thiện rất nhiều. Mình cũng cảm ơn anh Tùng rất nhiều, anh ấy giúp mình về việc làm sao để giao tiếp với những người khác- Linh nói.

Gắn bó với tiệm bánh bao Meko từ những ngày đầu, chị Nguyễn Thị Thương (38 tuổi, Yên Bái) vẫn không giấu được xúc động khi nhớ về khoảnh khắc nhận tháng lương đầu tiên. Từng mang trong mình những mặc cảm về hoàn cảnh gia đình, cùng ngoại hình nhỏ bé và một bên mắt bị mù khiến tầm nhìn hạn chế, chị đã không ngừng nỗ lực học hỏi mỗi ngày. Giờ đây, với tay nghề vững vàng, chị đảm nhận vai trò tổ trưởng tổ sản xuất – một vị trí mà chính chị cũng từng không dám nghĩ đến. Nhìn lại hành trình đã qua, chị Thương vẫn thấy như một điều kỳ diệu mà mình đã tự tay tạo nên.

“Mình chỉ cần một triệu, năm trăm thôi cũng được bởi vì nó là giá trị mà mình đạt được, mình chỉ ước mơ vậy. Mình cũng thấy vui. Mình cầm đồng lương đấy mình khóc như một đứa trẻ bởi vì mình vẫn có khả năng kiếm tiền”- chị Thương chia sẻ.

Chia sẻ về cơ duyên thành lập tiệm bánh, anh Tùng cho biết, ngay từ khi còn là sinh viên đã say mê các hoạt động thiện nguyện, luôn sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Những chuyến đi thời tuổi trẻ ấy đã giúp anh nhận ra rằng, hỗ trợ người yếu thế không chỉ dừng lại ở việc trao đi những món quà, mà quan trọng hơn là tạo cơ hội để họ có thể tự lập, vươn lên bằng chính sức lao động của mình.

“Mình mở cửa hàng đầu tiên từ năm 2018 cho đến giờ, mình đã phát triển được hơn 20 cơ sở. Đối với nhân viên ở xưởng sản xuất, 80% là các bạn khuyết tật, tự kỷ, người lang thang cơ nhỡ, vô gia cư. Khi có ý tưởng mở xưởng bánh, mình thấy công việc này khá phù hợp với các bạn. Vì sẽ không phải di chuyển nhiều, cũng không phải giao tiếp với khách hàng, các bạn ấy chỉ cần một chút khéo tay, một chút chăm chỉ là có thể làm”- anh Tùng nói.

Duy trì một mô hình đặc biệt như Meko chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng bằng tình yêu thương và sự kiên trì, anh Tùng luôn đồng hành cùng mọi người, không ngừng hỗ trợ và tạo cơ hội cho họ phát triển.

“Nếu mà kể khó khăn thì rất nhiều. Thường thường, sức khỏe của các bạn thường yếu hơn. Thứ hai, các bạn thường có một tính chung, đó là sự mặc cảm và tự ti rất lớn. Thường thì mình sẽ phải mất khá nhiều thời gian để giúp các bạn vượt qua những điều đó. Bây giờ các bạn ấy làm rất tốt, năng suất không khác gì những người bình thường cả”.

Đồng hành cùng anh Tùng trong hành trình đầy ý nghĩa này là gia đình, không chỉ đứng phía sau ủng hộ mà bố mẹ anh Tùng còn trực tiếp tham gia vào công việc tại xưởng bánh. Vừa tỉ mỉ hướng dẫn mọi người nhào bột, nặn bánh; vừa kiên trì, động viên các bạn nhân viên phải cố gắng từng ngày để tự tin và mạnh dạn hơn. Bà Trịnh Thị Phương – mẹ anh Tùng không giấu khỏi niềm vui khi chia sẻ về hành trình gắn bó với những người thợ đặc biệt này.

Hàng nghìn chiếc bánh được những người thợ làm đưa ra thị trường mỗi ngày

Hàng nghìn chiếc bánh được những người thợ làm đưa ra thị trường mỗi ngày

“Mới đầu các cháu vào làm chưa biết gì, làm toàn quên, mình cứ động viên các bạn cố gắng từng ngày, dần các bạn cũng tự tin lên, các bạn cũng phấn khởi, yêu nghề. Mình lại vui vẻ, bảo ban các bạn từng li từng tí một. Vừa dạy nghề vừa dạy cách đứng đi ở”- bà Phương nói.

Với anh Tùng, niềm hạnh phúc lớn nhất không chỉ nằm ở những chiếc bánh được làm ra mỗi ngày, mà còn ở giá trị mà công việc này mang lại cho cộng đồng.

“Mình vui, mình thấy hạnh phúc vì công việc mình đang làm tạo được nhiều giá trị cho xã hội, giúp được cho các bạn khuyết tật, tự kỷ, và nhận được những lời cảm ơn từ gia đình các bạn. Mình thấy điều đó rất có ý nghĩa, có động lực để mình tiếp tục”- anh Tùng bày tỏ.

Đến thời điểm hiện tại, Meko đang tạo việc làm cho 11 người khuyết tật, mỗi ngày cung cấp ra thị trường 3000 chiếc bánh. Dưới mái nhà Meko, mỗi mẻ bánh ra lò không chỉ tỏa hương thơm ngon mà còn gói trọn biết bao nỗ lực và hy vọng. Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Tùng mong muốn có thể nhân rộng mô hình, để ngày càng có nhiều người chung tay góp sức, lan tỏa và mang lại nhiều việc làm ý nghĩa hơn cho cộng đồng.

Mỗi ngày, có hàng nghìn chiếc bánh được làm nên bởi những người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn

Mỗi ngày, có hàng nghìn chiếc bánh được làm nên bởi những người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn

Trong cuộc sống, có những con người lặng lẽ gieo những hạt mầm của yêu thương và hy vọng. Anh Phạm Sơn Tùng là một trong số đó. Những việc anh đang làm không chỉ mang đến cơ hội việc làm cho người khuyết tật và những hoàn cảnh khó khăn, mà còn giúp họ tự tin khẳng định bản thân, từng bước ổn định cuộc sống và san sẻ gánh nặng với gia đình. Tiệm bánh bao Nghệ nhân Meko không chỉ đơn thuần là một mô hình kinh doanh, mà còn là một mái nhà, nơi những "mầm xanh" của khát vọng sống được nuôi dưỡng, để rồi từ đó vươn lên mạnh mẽ giữa đời thường.

CTV Nhật Minh - Phương Linh - Thùy Dương/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tiem-banh-va-hanh-trinh-vuon-len-cua-nhung-tho-lam-banh-dac-biet-post1188361.vov