Tiêm chủng đạt kế hoạch, dịch sởi đã giảm nhiệt?
Kế hoạch tiêm chiến dịch vaccine sởi đã hoàn thành theo mục tiêu, dịch sởi có dấu hiệu thuyên giảm, nhưng vẫn phức tạp ở một số địa phương. Ca mắc dịch chuyển tăng cao ở nhóm dưới 1 tuổi và trên 10 tuổi.

Tiêm vaccine sởi cho trẻ, phòng dịch lây lan. Ảnh: TTXVN
Có dấu hiệu chững, nhưng vẫn phức tạp
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong tuần từ 5-11/4, cả nước đã ghi nhận 4.519 trường hợp nghi sởi, giảm 6,3% so với tuần trước (tuần trước là 4.822 trường hợp). Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận 67.904 trường hợp nghi sởi, trong đó có 7.235 trường hợp dương tính với sởi.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, số ca mắc sởi có xu hướng bắt đầu chững lại trong 2 tuần vừa qua.
Tính đến hiện tại, một số tỉnh, thành phố đã ghi nhận số mắc sởi giảm như: Nghệ An, TP. Huế, Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp. Tuy nhiên, một số tỉnh như: Gia Lai, Lai Châu, Lào Cai… vẫn có số ca mắc sởi tăng, chủ yếu ở nhóm đồng bào dân tộc thiểu số.
Đáng lo ngại, đến nay đã có 8 trường hợp tử vong liên quan đến sởi được ghi nhận.
Theo đại diện Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), so với 3 tháng đầu năm 2025, cơ cấu độ tuổi mắc sởi đã có sự thay đổi: Số ca mắc ở nhóm 1-10 tuổi giảm, trong khi số ca mắc ở nhóm dưới 1 tuổi và trên 10 tuổi tăng lên.
Đơn cử như ổ dịch tại Thái Bình vừa qua, ghi nhận ở nhóm học sinh lớp 7 của một trường THCS. Các học sinh có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, phát ban, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus sởi. Các học sinh này đã được cách ly, điều trị tại nhà.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, ngay sau khi ghi nhận chùm ca bệnh, ngành y tế địa phương và nhà trường đã khẩn trương vệ sinh môi trường, lớp học, khử trùng lau sàn nhà, bàn ghế, khu vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường, dung dịch khử trùng. Tại lớp học có ca mắc, nhà trường đã cho học sinh nghỉ học, cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, tích cực tuyên truyền học sinh đeo khẩu trang và thực hiện biện pháp phòng, chống dịch; lập danh sách học sinh tiếp xúc gần, có yếu tố nguy cơ và theo dõi tình trạng sức khỏe trong 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Nhà trường cũng phổ biến cho gia đình học sinh tiếp xúc gần tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh, đặc biệt là sốt, nổi phát ban trên da và thông báo ngay cho cán bộ y tế. Nhờ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời; đến nay, ổ dịch này không ghi nhận thêm trường hợp có triệu chứng sốt phát ban nghi sởi.
Hay tại Hà Nội, gần đây cũng ghi nhận nhiều ca bệnh sởi là người lớn, đã ghi nhận ca tử vong ở người lớn do mắc sởi trên nền bệnh mãn tính.
Theo đại diện Bộ Y tế, qua phân tích tình trạng tiêm chủng cho thấy, tỷ lệ mắc sởi cao nhất vẫn ở nhóm chưa tiêm vaccine (chiếm tới 82,8%).
Mặc dù tình hình dịch bệnh sởi có dấu hiệu thuyên giảm, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Một số địa phương chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng cao (trên 95%) do khó khăn trong việc tiếp cận đối tượng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và đô thị lớn. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến tâm lý e ngại tiêm vaccine. Đặc biệt, số lượng cán bộ y tế cơ sở còn mỏng, gây khó khăn cho công tác triển khai.
Chiến dịch tiêm vaccine sởi đã kết thúc, về hiệu lực sau tiêm vaccine, Ths.BS Nguyễn Sỹ Đức, Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết: “Qua quan sát cho thấy, phần lớn sau khoảng 2 tuần tiêm vaccine sởi, người được tiêm sẽ có khả năng miễn dịch với bệnh sởi và miễn dịch sẽ tăng dần lên. Đặc biệt, khoảng 1 tháng sau tiêm, khả năng bảo vệ sẽ gần như là đạt được cao nhất”.
Theo BS. Nguyễn Sỹ Đức, với những người đã tiêm vaccine sởi có khả năng phòng bệnh rất cao tới gần 100%. Tuy nhiên, vẫn sẽ có khoảng trống, dù khá nhỏ. Vì vậy, tốt nhất, sau khi đã tiêm vaccine, người dân vẫn cần áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh sởi như: Đeo cẩu trang, che miệng khi ho, hạn chế đến các nơi đông người và đặc biệt là rửa thường xuyên… Việc giữ vệ sinh không chỉ tránh lây nhiễm sởi mà phòng được cả các bệnh truyền nhiễm khác; nhất là trong giai đoạn mùa hè nhiều dịch bệnh như hiện nay.
Ứng phó phù hợp với tình hình dịch
Trước tình hình dịch sởi tuy đã có dấu hiệu chững nhưng vẫn còn phức tạp, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để ứng phó với tình hình.
Bộ Y tế vẫn đảm bảo theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh thành có số mắc cao, đồng thời chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường công tác khám chữa bệnh và kiểm soát lây nhiễm.
Đến nay, chiến dịch tiêm vaccine sởi được triển khai mạnh mẽ, với kết quả khả quan: Chiến dịch đợt 1 đã tiêm cho 95,5% đối tượng, và chiến dịch đợt 2 (tính đến ngày 7/4/2025) đã tiêm cho 96% đối tượng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành phố tăng cường truyền thông về tình hình dịch và khuyến cáo phòng bệnh. Không chỉ ở trẻ em mà Bộ Y tế cũng khuyến cáo phòng, chống bệnh sởi với nhóm có nguy cơ cao diễn biến nặng liên quan đến sởi, nhất là với người có bệnh nền.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur được yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình và nghiên cứu các biện pháp phòng chống dịch.
Các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện tốt việc phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân và kiểm soát lây nhiễm. Các cơ sở y tế phải đảm bảo báo cáo đầy đủ, kịp thời các trường hợp mắc bệnh theo quy định.
Tại các địa phương, nhất là các tỉnh dịch diễn biến phức tạp cũng đang tiếp tục rà soát, khuyến cáo người dân tiêm vaccine phòng bệnh, kiểm soát dịch.
Tại Hà Nội, trước tình hình vẫn còn ghi nhận số ca mắc sởi cao trong những tuần gần đây, Thành phố đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã, chỉ đạo quyết liệt trung tâm y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng để tiêm bù, tiêm vét cho trẻ em trên địa bàn chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh sởi; đặc biệt là nhóm trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và trẻ từ 1 đến 10 tuổi, đảm bảo không bỏ sót các trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng nhưng chưa được tiêm đầy đủ vaccine sởi. Các đơn vị chủ động tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết: Bên cạnh các trẻ trong độ tuổi tiêm chiến dịch, Hà Nội cũng khẩn trương rà soát số lượng trẻ từ 11-15 tuổi và người trên 15 tuổi chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine sởi để đề xuất tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi để báo cáo Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế. Đảm bảo đủ kinh phí, nhân lực, vật tư, hóa chất, thiết bị phòng, chống dịch và tiêm chủng trên địa bàn.
Tại các địa phương có diễn biến dịch sởi phức tạp như: Lâm Đồng, Quảng Bình, Gia Lai, Lai Châu, Lào Cai... ngành y tế các địa phương cũng tiếp tục rà soát các đối tượng chưa được bao phủ vaccine sởi theo độ tuổi, tăng cường truyền thông, tư vấn để người dân đưa trẻ đi tiêm bổ sung, tiêm vét đảm bảo miễn dịch phòng bệnh.