Tiêm chủng là biện pháp chủ động phòng bệnh bạch hầu
Trường hợp bệnh nhân nữ có địa chỉ tại tỉnh Nghệ An tử vong sau khi mắc bệnh bạch hầu đã dấy lên sự lo ngại đối với căn bệnh này. Để giúp người dân hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như cách phòng, chống bệnh bạch hầu, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Mai Thanh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
PV: Xin bác sĩ cho biết về bệnh bạch hầu trong nước và tại Ninh Bình hiện nay diễn biến như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Mai Thanh: Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B. Bệnh gây ra do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố (Corynebacterium diphtheriae). Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD) và có thể dự phòng bằng vắc xin. Bệnh lưu hành trên toàn cầu, thường là các ca bệnh tản phát hoặc các vụ dịch nhỏ, gặp chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin, song hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại.
Bệnh có thể dẫn đến biến chứng viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn. Tỷ lệ tử vong của bệnh khoảng 5-10%.
Tại Việt Nam, bệnh bạch hầu có vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Trong những năm gần đây, số mắc giảm nhiều so với giai đoạn trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng. Năm 2020, xuất hiện dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên với 226 trường hợp mắc. Năm 2023, cả nước ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại 3 tỉnh Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên, số mắc tập trung vào 5 tháng cuối năm, trong đó có 7 trường hợp tử vong.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc, trong đó 1 trường hợp tử vong. Gần đây nhất, ngày 5/7/2024, Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong tại huyện Kỳ Sơn. Bắc Giang ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh tại huyện Hiệp Hòa, có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong của tỉnh Nghệ An.
Tại Ninh Bình, theo kết quả ghi nhận từ phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT năm 2015 của Bộ Y tế và công tác giám sát chủ động tại các cơ sở điều trị, năm 2024, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh bạch hầu.
Tuy nhiên, với tình hình bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, Ninh Bình lại là địa phương có lưu lượng khách du lịch cao. Mặt khác từ năm 2022, việc gián đoạn cung ứng một số loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có vắc xin có thành phần bạch hầu dẫn đến các đối tượng không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo, không đảm bảo tỷ lệ bao phủ trên địa bàn. Kết hợp với chu kỳ phát triển của dịch bệnh nên nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh bạch hầu có thể xảy ra trong thời gian tới nếu không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống .
PV: Trước tình hình bệnh bạch hầu đang có diễn biến phức tạp trên cả nước, ngành Y tế Ninh Bình đã có sự chuẩn bị để phòng, chống như thế nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Mai Thanh: Đối với việc phòng, chống các loại dịch bệnh, ngành Y tế Ninh Bình và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hàng năm đều chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nói chung với tinh thần chủ động, kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan, hạn chế thấp nhất tỉ lệ mắc bệnh. Luôn đảm bảo chuẩn bị đầy đủ nhân lực, kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trước diễn biến của bệnh bạch hầu tại một số địa phương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát dựa vào sự kiện, giám sát chủ động tại cộng đồng, trường học và các cơ sở y tế nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bạch hầu.
Tăng cường truyền thông về nguyên nhân, triệu chứng, đường lây và các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Truyền thông về lợi ích, tác dụng của vắc xin trong phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sự tin tưởng của cộng đồng và vận động người dân chủ động tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị điều trị chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, đáp ứng các tình huống dịch bệnh xảy ra; thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế trên địa bàn. Kiện toàn các đội đáp ứng nhanh, đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ cho các đơn vị tuyến dưới khi cần thiết.
PV: Bác sĩ có khuyến cáo như thế nào để người dân nâng cao hiệu quả phòng tránh bệnh bạch hầu?
Bác sĩ Nguyễn Mai Thanh: Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh, thiếu niên và người lớn là tiêm vắc xin.
Tại Việt Nam, vắc xin bạch hầu có trong rất nhiều loại vắc xin kết hợp như vắc xin 6 trong 1 (Hexaxim hoặc Infanrix Hexa), vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim hoặc SII), vắc xin 4 trong 1 (Tetraxim), vắc xin 3 trong 1 (DPT, Adacel, Boostrix), vắc xin 2 trong 1 (Td).
Trong thời gian qua, do tình trạng gián đoạn cung ứng vắc xin chứa thành phần Bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) dẫn đến khoảng trống miễn dịch trong nhóm trẻ đến độ tuổi tiêm chủng mà chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ mũi, do vậy cần tiêm bù, tiêm vét ngay khi vắc xin được phân bổ. Miễn dịch đối với bệnh bạch hầu ở người đã được tiêm chủng các liều cơ bản sẽ giảm dần theo thời gian, do vậy việc tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu cho đối tượng ngoài độ tuổi tiêm chủng mở rộng là cần thiết.
Lịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em trong tiêm chủng mở rộng: Tiêm 3 mũi vắc xin có thành phần bạch hầu cho trẻ vào lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi thứ tư vào lúc trẻ 18 tháng. Từ ngày 1/8/2024, theo quy định mới của Bộ Y tế, trẻ từ đủ 7 tuổi được tiêm nhắc lại 1 mũi vắc xin Td để phòng bệnh bạch hầu, uốn ván. Ngoài ra, trẻ em giai đoạn tiền học đường (4-7 tuổi), thanh, thiếu niên (từ 9-15 tuổi), người lớn chưa được tiêm phòng, phụ nữ có thai cũng được khuyến cáo tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại vắc xin có thành phần bạch hầu để phòng bệnh.
Cùng với tiêm chủng, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đồng thời đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Đảm bảo vệ sinh ăn uống, dinh dưỡng và vận động cân bằng, hợp lý.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân đi/đến/ở trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng, cách ly và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Ngoài các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu thì việc phòng bệnh chủ động bằng vắc xin được coi như là công cụ hữu hiệu nhất để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ.
Trong quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua cũng có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản… cướp đi sinh mạng của nhiều người. Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng.
Chính vì vậy, các bậc cha mẹ, vì sức khỏe của con em mình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình TCMR và cả những vắc xin chưa có trong chương trình TCMR. Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi!
Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu
- Người mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.
- Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh có thể hồi phục bình thường.
- Bệnh có thể gây ra các biến chứng như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống; viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim; liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và có thể tử vong.
Khi có các dấu hiệu trên người dân cần áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm cho người khác và đến ngay các cơ sở y tế để được hướng dẫn xử trí, chẩn đoán và điều trị kịp thời.