Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ở Bắc Giang: Đảm bảo tiêm đến đâu an toàn đến đó
Phó Giám đốc CDC Bắc Giang Lê Tiến Cương chia sẻ: Vắc xin COVID-19 là vắc xin mới nên việc tổ chức càng cần phải tuân thủ thật nghiêm túc hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; đảm bảo tiêm đến đâu an toàn đến đó. Khám sàng lọc và tìm hiểu thông tin sức khỏe người được tiêm thật cặn kẽ.
Ngày 16/3, đại diện Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang đã có buổi khảo sát, kiểm tra về công tác an toàn tiêm chủng trong triển khai tiêm vắc xin COVID-19 tại Trung tâm Y tế Huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Yên tâm vì được giải thích rõ về vắc xin và quy trình tiêm chủng, khám sàng lọc kỹ lưỡng
Cầm tờ giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên tay, Nguyễn Hữu Tuấn Anh- 26 tuổi, cán bộ của Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Trung tâm y tế huyện Yên Thế đang ngồi theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại khu vục theo dõi sau tiêm của Trung tâm cho biết cảm thấy bình thường sau khi tiêm 20 phút. Cùng với Tuấn Anh, sáng nay có 3 cán bộ y tế khác của Khoa cũng được tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Cũng như tất cả các trường hợp tiêm chủng khác, nhóm của Tuấn Anh trước khi tiêm chủng đã tiến hành khai báo y tế, khám sàng lọc và được cán bộ tiêm chủng chia sẻ cặn kẽ, đầy đủ về các thông tin liên quan đến vắc xin COVID-19 của AstraZeneca.
“Em cảm thấy yên tâm khi tiêm vắc xin vì được chính các đồng nghiệp của mình tiêm và lại được tiêm ngay tại cơ sở làm việc của mình”- Tuấn Anh nói.
Cũng tại khu vực theo dõi sức khỏe sau tiêm, nữ hộ sinh Nguyễn Minh Thanh- thuộc trạm y tế xã Canh Nậu, huyện Yên Thế cho biết, chị cùng 1 cán bộ khác của trạm đến Trung tâm y tế Yên Thế để tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, sau khi thăm khám sàng lọc, chỉ chị Thanh đủ điều kiện tiêm chủng, còn đồng nghiệp do có tiền sử dị ứng nên tạm thời chưa tiêm hôm nay.
Nữ hộ sinh Minh Thanh cho biết: Trước khi tiêm chị thấy hơi hồi hộp, sau tiêm có hơi cảm giác lâng lâng, tuy nhiên khoảng gần 30 phút sau tiêm chủng vắc xin, chị Thanh cảm thấy sức khỏe bình thường và chị rất yên tâm vì trước khi tiêm đã được cán bộ tiêm chủng giải thích rõ các thông tin liên quan đến vắc xin cũng như quá trình tiêm chủng.
Nam điều dưỡng Giáp Văn Khương- Khoa Khám bệnh của Trung tâm y tế Yên Thế cũng cho hay, anh có cảm giác hơi hồi hộp nhưng sau khi nằm nghỉ ít phút, anh trở lại trạng thái bình thường và cười tươi bảo “em lại lên Khoa làm nhiệm vụ hàng ngày đây”.
Theo dõi chặt chẽ người tiêm chủng, tổ cấp cứu cơ động luôn sẵn sàng
Ở đợt này, tỉnh Bắc Giang được phân bổ 3.100 liều vắc xin COVID-19 và CDC Bắc Giang đã phân bổ đến 10 thành phố, huyện của tỉnh.
Để triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19, ngành y tế Bắc Giang đã tổ chức tập huấn trên toàn tỉnh. Tại các điểm tiêm chủng, đều bố trí các bàn khai báo y tế, khám sàng lọc, khu vục theo dõi sức khỏe sau tiêm chặt chẽ và phòng cấp cứu có đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc phục vụ cấp cứu – nếu có trường hợp cần sử dụng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, tại mỗi điểm tiêm đều có một tổ cấp cứu cơ động.
Bên cạnh đó, để tạo sự thống nhất trong tiếp nhận thông tin về sức khỏe của người tiêm chủng sau tiêm, trên tờ giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19, ngành y tế Bắc Giang thiết kế in số điện thoại của cán bộ y tế là tổ trưởng tổ cấp cứu để “nếu có vấn đề gì về sức khỏe, người tiêm gọi trực tiếp cho đồng chí đó, tránh phải truyền tải thông tin qua nhiều tầng, đồng thời nhanh chóng triển khai các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho người tiêm”- ông Lê Tiến Cương- Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang cho biết.
Cũng theo ông Cương, trong quá trình thực hiện tiêm chủng vắc xin COVID-19, ngành y tế Bắc Giang đã đề nghị các điểm tiêm cố gắng kết thúc việc tiêm trong buổi sáng hoặc kéo dài đến cuối giờ trưa để buổi chiều có thêm nhiều thời gian theo dõi sức khỏe người tiêm “nếu có vấn đề gì thì các điểm tiêm chủng cũng dễ xử lý hơn”.
Ghi nhận các phản ứng thông thường sau tiêm
Hôm nay- 16/3, là ngày thứ 2, Trung tâm y tế huyện Yên Thế triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng được tiêm bao gồm: cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Chia sẻ với phóng viên, BS Y học dự phòng Vũ Thị Thúy cho biết, trước khi tiến hành tiêm chủng, chị và tất cả các cán bộ được phân công làm công tác tiêm chủng đều được tập huấn đầy đủ.
Trong ngày 15/3, Trung tâm y tế huyện Yên Thế đã tiêm cho 24 người. Tính đến trưa ngày 16/3, Trung tâm đã tiêm thêm cho 60 người, nâng tổng số được tiêm trên địa bàn lên 84 người. Tất cả những người sau tiêm được theo dõi sát sao, nếu có phản ứng không mong muốn, xử trí kịp thời.
Đặc biệt, cùng với hộp chống sốc, việc tiêm chủng tại Trung tâm y tế huyện Yên Thế còn có thuận lợi là trang bị các phương tiện hỗ trợ cấp cứu nhanh chóng, nếu có các ca phản vệ xảy ra.
"Ngoài chuyên môn, các điểm tiêm chủng còn đảm bảo dinh dưỡng cho người đến tiêm, tránh các trường hợp tụt huyết áp, hạ đường huyết do đói. Các nhân viên y tế hầu hết đều vẫn đang đảm đương các công việc chuyên môn, có thể xao nhãng việc ăn uống đầy đủ, chúng tôi muốn sau khi tiêm lực lượng nhân viên y tế có đủ sức khỏe và sớm quay trở lại phục vụ người bệnh”- ông Lê Tiến Cương chia sẻ.
Thông tin về công tác tổ chức, triển khai tiêm vắc xin COVID-19 tại Bắc Giang, ông Lê Tiến Cương cho biết, sau 5 ngày tiêm chủng, từ ngày 11/3- 15/3, tỉnh Bắc Giang đã có 1.710 người thuộc nhóm ưu tiên đã được tiêm vắc xin COVID-19.
Theo báo cáo về giám sát sau tiêm chủng của CDC Bắc Giang, có 423 trường hợp phản ứng sau tiêm, với các biểu hiện: đau chỗ tiêm, sốt nhẹ, người lâng lâng... có 2 trường hợp (1 ở huyện Lục Ngạn và 1 ở huyện Yên Thế) cảm giác hơi choáng. Tuy nhiên, cả hai trường hợp này đều được phát hiện sớm và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Đến nay cả hai trường hợp này đều đã ổn định.
Về một số phản ứng sau tiêm, ông Lê Tiến Cương chia sẻ: Vắc xin COVID-19 là vắc mới nên lúc đầu mới triển khai tiêm cán bộ tiêm chủng cũng như người được tiêm có tâm lý hồi hộp. Do đó, việc tổ chức càng cần phải tuân thủ thật nghiêm túc hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; đảm bảo tiêm đến đâu an toàn đến đó. Khám sàng lọc và tìm hiểu thông tin sức khỏe người được tiêm thật cặn kẽ.
"Nhiều cán bộ trong danh sách tiêm nhưng có tiền sử dị ứng, cao huyết áp được tư vấn hoãn tiêm cho đến khi sức khỏe ổn định. Chúng tôi thấy cùng với các yêu cầu chuyên môn khác, vai trò khám sàng lọc rất quan trọng để đảm bảo an toàn tiêm chủng”- ông Cương nhấn mạnh.
Sáng 16/3, trực tiếp kiểm tra điểm tiêm vắc xin COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Yên Thế- tỉnh Bắc Giang và thăm sức khỏe các cá nhân sau khi tiêm chủng tại điểm tiêm này, đại diện Văn phòng Chương trình tiêm chủng quốc gia đánh giá, CDC Bắc Giang đã có kế hoạch triển khai và phân bổ vắc xin COVID-19 an toàn, đúng đối tượng.
Điểm tiêm tại Trung tâm y tế huyện huyện Yên Thế tổ chức đúng quy định về phòng dịch COVID-19 cũng như an toàn tiêm chủng, đúng tiến độ. Tất cả cá nhân trong danh sách tiêm vắc xin COVID-19 đã được khám sàng lọc, cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe, từ đó giúp nhân viên y tế có chỉ định tiêm phù hợp.
Đại diện Văn phòng Chương trình tiêm chủng quốc gia cũng cho biết, để người đi tiêm chủng yên tâm, trong thời gian qua các thông tin về vắc xin mới được cập nhật và chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiến độ tiêm chủng là quan trọng nhưng an toàn tiêm chủng là ưu tiên cao nhất. Chương trình tiêm chủng mở rộng và các địa phương đang nỗ lực để thực hiện điều này.