Tiêm kích F-16 hiện đại nhất cũng đã quá lạc hậu so với F-35
Thổ Nhĩ Kỳ đã từ bỏ yêu cầu mua tiêm kích F-16 Block 70 Viper để gửi yêu cầu tới Mỹ nhằm được nhận F-35 tiên tiến hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ mới đây thông báo dừng đề xuất mua tiêm kích F-16 Block 70 Viper hiện đại hóa từ Mỹ để tập trung vào việc quay trở lại chương trình F-35 Lightning II.

Nguồn tin tại Ankara cho biết, sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Donald Trump hồi tháng 3/2025, quá trình đàm phán tích cực đã bắt đầu.

Ankara và Washington đang cố gắng giải quyết tranh chấp liên quan đến hệ thống tên lửa phòng không S-400, khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35 hồi năm 2019.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, Ankara sẵn sàng chuyển hướng khoản thanh toán trước 1,4 tỷ USD cho tiêm kích F-16 sang dự án F-35 nếu Washington đồng ý khôi phục tư cách đối tác.

Bước đi nói trên sẽ không gây ra khó khăn về mặt kỹ thuật bởi vì cả hai loại máy bay chiến đấu nói trên đều được sản xuất bởi Tập đoàn Lockheed Martin, tạo thuận lợi cho công tác hậu cần và thanh toán.

Nếu Mỹ chấp thuận, Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngay lập tức nhận được 6 tiêm kích F-35A đã được chế tạo và lưu trữ tại Mỹ từ năm 2019, ngoài ra Ankara còn muốn mua thêm 40 chiếc nữa.

Mặc dù vậy viễn cảnh trên đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Israel và Hy Lạp, khi hai nước này vận động Washington ngăn chặn việc mua bán bởi lo ngại hành động của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu tiên là việc Israel muốn duy trì ưu thế quân sự về chất lượng trong khu vực Trung Đông, Tel Aviv vẫn luôn phản đối việc Mỹ cung cấp vũ khí tiên tiến cho các nước láng giềng.

Trong khi đó Hy Lạp lo ngại sự mất cân bằng quyền lực ở Biển Aegean, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ căng thẳng gần đây với Thổ Nhĩ Kỳ, bởi Ankara liên tiếp đưa ra tuyên bố chủ quyền đầy "táo bạo".

Trong tình hình hiện tại, một số nghị sĩ Mỹ cũng bày tỏ quan ngại nếu giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, họ nhấn mạnh không chấp thuận Ankara tiếp tục biên chế tổ hợp phòng không S-400, coi đây là rào cản cho việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt theo Đạo luật CAATSA.

Để tránh sự phản đối từ các chính trị gia Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc triển khai tạm thời S-400 ở Syria nhằm thuyết phục vũ khí này không phải là mối đe dọa đối với tiêm kích F-35.

Trước đó vào đầu tháng 4/2025, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết Ankara sẵn sàng thảo luận các giải pháp thỏa hiệp, bao gồm cả việc ngừng sử dụng S-400 hoặc chuyển giao chúng cho bên thứ ba kiểm soát.

Mặc dù vậy đề xuất này đã vấp phải sự chỉ trích trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ, khi các đảng đối lập cáo buộc Tổng thống Erdogan đã nhượng bộ Washington để khôi phục hợp tác quân sự.

Câu chuyện về F-35 và S-400 vẫn là một chương đầy khó khăn trong mối quan hệ giữa Ankara và Washington khi Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác cấp ba trong chương trình F-35 từ năm 2007, họ đầu tư mạnh vào quá trình phát triển và có kế hoạch mua 100 máy bay loại này.

Nhưng hợp đồng mua S-400 vào năm 2017 đã dẫn đến các lệnh trừng phạt và loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình đồng thời ngăn chặn việc chuyển giao máy bay, đồng thời Mỹ từ chối trả lại 1,4 tỷ USD đặt cọc khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng.

Bất chấp việc Tổng thống Trump khi trở lại nắm quyền đã thể hiện sự linh hoạt hơn người tiền nhiệm Biden đó là chỉ chấp thuận thỏa thuận F-16 khi coi việc Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại chương trình F-35 là cách để củng cố NATO nhưng vẫn cần vượt qua rào cản từ các nghị sĩ.