Học giả Trung Quốc đề xuất giải pháp hòa bình với Philippines trong tranh chấp ở Biển Đông
Bốn học giả chuyên về hàng hải của Trung Quốc nhận định thỏa hiệp và kiềm chế là con đường khả thi duy nhất để hướng về tương lai ở Biển Đông.

Philippines-Trung Quốc đã từng có những lần va chạm trên Biển Đông. (Nguồn: AFP)
Trong một diễn đàn gần đây ở Manila, Philippines, các học giả Trung Quốc cho biết nước này không có ý định từ bỏ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng cũng quyết tâm tránh xung đột và quản lý tranh chấp một cách hòa bình.
Bốn học giả chuyên về hàng hải của Trung Quốc nhận định thỏa hiệp và kiềm chế là con đường khả thi duy nhất để hướng về tương lai.
Diễn đàn mang tên "Giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông", diễn ra chỉ vài ngày sau vụ đối đầu mới nhất giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines ở Biển Đông. Các học giả tỏ ra hoài nghi về khả năng giải quyết sớm tranh chấp kéo dài giữa hai nước ở Biển Đông, nhưng cho rằng lòng tin lẫn nhau, sự kiên nhẫn và việc từ bỏ "ngoại giao phát thanh" - công bố mọi sự kiện trên biển và khuyến khích các đối tác bên ngoài đưa ra tuyên bố hoặc can thiệp - có thể giúp giảm căng thẳng.
Giám đốc Viện Chính sách Biển Đông và là Giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hàng hải thuộc Đại học Bắc Kinh Hu Bo bày tỏ lạc quan rằng mặc dù khó có thể giải quyết hoàn toàn cuộc tranh chấp này "trong thế hệ chúng ta", song ông vẫn "tin tưởng chúng ta có thể quản lý các tranh chấp một cách hòa bình" trong tương lai.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật và Chính sách Đại dương thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia Yan Yan cho biết tranh chấp trên biển "phức tạp hơn nhiều so với tranh chấp biên giới trên đất liền".
Về phần mình, Giáo sư nghiên cứu và Giám đốc Dự án Chính sách Biển Đông Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Giao thông Thượng Hải Zheng Zhihua nhận định sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã giúp Trung Quốc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Ông nói: "Tôi không thấy khả năng Trung Quốc từ bỏ lãnh thổ và chủ quyền ở Biển Đông. Vì vậy, điều quan trọng đối với chúng ta là quản lý tranh chấp một cách hòa bình".
Giáo sư Viện Nghiên cứu Biên giới và Đại dương thuộc Đại học Vũ Hán Lei Xiaolu cho biết việc quản lý khủng hoảng bao gồm việc tránh "ngoại giao phát thanh". Bà nhấn mạnh các nước thành viên ASEAN "không có truyền thống sử dụng micro để yêu cầu bất kỳ ai khác can thiệp giải quyết tranh chấp", ám chỉ những nỗ lực của Philippines trong việc lôi kéo Mỹ, Nhật Bản và Australia vào tranh chấp với Trung Quốc.