Theo ấn phẩm New York Times (NYT) của Mỹ, các hệ thống phòng không Patriot bổ sung và tiêm kích F-16 được các đồng minh phương Tây viện trợ Ukraine chưa thể sớm tham chiến khi vẫn đang gặp khó khăn về công tác hậu cần.
Tin tức nói trên đang làm dấy lên những cuộc thảo luận nghiêm túc trong nội bộ NATO về khả năng Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) có đủ sức ngăn chặn các cuộc tấn công do Quân đội Nga phát động trong thời gian tới hay không.
Theo tờ NYT, việc giao vũ khí đã hứa, bao gồm cả hệ thống phòng không Patriot có thể bị trì hoãn và sẽ không đến được Ukraine cho đến cuối tháng 6, đây là tín hiệu xấu khi chiến trường ngày càng ác liệt.
Tình trạng trên xảy ra là do một số yếu tố liên quan, bao gồm cả những thách thức về hậu cần và yêu cầu đào tạo nhân viên vận hành các hệ thống vũ khí mới có độ phức tạp cao.
Một quan chức Mỹ giấu tên được tờ NYT dẫn lời đã tiết lộ rằng sự chậm trễ trong việc giao phương tiện tác chiến là do cần phải đào tạo các kíp chiến đấu phòng không mới để làm việc với hệ thống Patriot.
Hiện tại, khoảng 70 binh sĩ của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã bắt đầu huấn luyện tại một trong những cơ sở tại Đức. Giai đoạn chuẩn bị này cần thời gian và có thể kéo dài cho đến khi vũ khí tới nơi.
Mặc dù vậy, Mỹ đã thực hiện giao hai lô hàng nhỏ bao gồm tên lửa chống tăng, đạn pháo và tên lửa ATACMS. Tuy nhiên hầu hết vũ khí đều được lên kế hoạch cho tương lai, sau khi đánh giá kho dự trữ hiện có và hoàn tất công tác chuẩn bị giao hàng.
Theo tờ NYT, vũ khí cỡ lớn và một số đạn dược sẽ không được gửi đi cho đến mùa hè, hoặc thậm chí muộn hơn, điều này không phải do chiến lược của NATO nhằm cố kéo dài cuộc chiến.
Lý do thực tế là không phải tất cả vũ khí đã hứa đều có sẵn ngay lập tức, và sẽ mất thời gian để xác định việc giao mặt hàng nào có thể được thực hiện mà không gây tổn hại cho các đơn vị chiến đấu của NATO.
Những sự chậm trễ này làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng ở Kyiv về khả năng của Ukraine trong việc ngăn chặn những cuộc tấn công có thể xảy ra của Nga trên tất cả mọi khu vực của mặt trận.
Ấn phẩm NYT nhấn mạnh: "Sự chậm trễ kéo dài 2 tháng làm dấy lên nghi ngờ về khả năng của Ukraine trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga và tạo ra nhiều thách thức mới cho các nhà lãnh đạo chính trị cũng như quân sự đang tìm cách hỗ trợ Kyiv trong cuộc chiến".
Bất chấp lời giải thích từ giới chức quân sự phương Tây, giới chuyên gia không loại trừ khả năng phương Tây đang cố tình trì hoãn việc giao vũ khí, qua đó có ý định buộc Kyiv phải rút lui về những tuyến phòng thủ phía sau.
Bên cạnh đó, hành động trên còn có thể xuất phát từ mong muốn của khối quân sự NATO đó là tránh tham gia ngay lập tức vào một cuộc xung đột trực diện chống lại Quân đội Nga.
Trong lúc này, đồng minh nhiệt tình hỗ trợ Kyiv nhất lại chính là các quốc gia vùng Baltic, đáng tiếc đây chỉ là những nước nhỏ cho nên kho vũ khí của họ ở mức tương đối hạn chế.