Tiêm kích hạm F/A-18F Super Hornet Mỹ tiếp tục lao xuống Biển Đỏ

Quan chức Mỹ giấu tên cho biết tiêm kích F/A-18F Super Hornet rơi xuống Biển Đỏ do sự cố khi đáp xuống tàu sân bay, như vậy Mỹ đã mất liền hai tiêm kích hạm Super Hornet chỉ trong một tuần qua.

Hãng tin CNN ngày 6/5 dẫn lời 5 quan chức Mỹ giấu tên am hiểu tình hình cho biết tàu sân bay USS Harry S. Truman đã mất một tiêm kích hạm F/A-18F Super Hornet hai chỗ ngồi khi đang hoạt động tại Biển Đỏ.

Chi tiết về sự việc không được công bố, song hai nguồn tin nói với Reuters rằng hệ thống hãm đà gặp trục trặc khi phi cơ đáp xuống tàu sân bay, khiến chiếc Super Hornet lao xuống biển. Phi công và sĩ quan điều khiển vũ khí phóng ghế thoát hiểm, được trực thăng giải cứu và bị thương nhẹ.

Tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet

Được biết chiếc F/A-18F Super Hornet gặp nạn thuộc biên chế Phi đoàn tiêm kích số 11. Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận, trong khi hải quân và Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), cơ quan đặc trách hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông, chưa đưa ra phản hồi.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet thứ hai của Mỹ bị rơi ở Biển Đỏ trong một tuần qua. Theo hải quân Mỹ, mỗi tiêm kích này có giá khoảng 60-70 triệu USD.

Tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet

Ngày 30/4, một chiếc F/A-18E Super Hornet một chỗ ngồi và xe kéo bị rơi xuống biển khi đang di chuyển trong khoang chứa của tàu sân bay USS Harry S. Truman. Quan chức Mỹ giấu tên cho biết sự cố xảy ra khi tàu sân bay phải "cơ động ngoặt gấp" để tránh đòn tập kích từ nhóm Houthi.

Lực lượng Mỹ tại Biển Đỏ thường xuyên bị Houthi nhắm mục tiêu, cũng như gặp hàng loạt sự cố sau khi nhóm vũ trang phát động chiến dịch nhằm vào tuyến hàng hải quốc tế ở đây từ tháng 11/2023. Một tàu khu trục Mỹ hồi đầu năm 2024 phải khai hỏa pháo Phalanx, lớp phòng thủ cuối cùng, và bắn hạ tên lửa hành trình Houthi chỉ vài giây trước khi nó lao trúng chiến hạm.

Tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet

F/A-18E/F Super Hornet được phát triển từ tiêm kích hạm nổi tiếng F/A-18 Hornet. Chúng được đưa vào trang bị trong không quân hải quân Mỹ vào năm 1999 nhằm thay thế cho chiếc máy bay F-14 Tomcat. F/A-18 Super Hornet được tihết kế với hai phiên bản, phiên bản E một chỗ ngồi và F hai chỗ ngồi.

Những thay đổi về cấu trúc làm cho máy bay lớn hơn, tầm bay xa hơn, mang nhiều vũ khí hơn và có khả năng thực hiện đa nhiệm vụ với khả năng tàng hình nhẹ, nhằm né tránh bị phòng không đối phương truy sát. Đây được coi là loại tiêm kích hạm mạnh nhất của Mỹ.

Việc trang bị radar mạnh hơn, kho vũ khí đa dạng hơn, và trải qua những lần thực chiến, F/A-18E/F Super Hornet được coi là máy bay thế hệ thứ 4,5 thành công nhất thế giới. Nó cũng là máy bay tiêm kích hạm có khả năng trang bị nhiều vũ khí và tầm bay xa nhất.

Điểm độc đáo là hệ thống hệ thống tiếp nhiên liệu trên không (ARS) vừa giúp chúng có khả năng nhận nhiên liệu từ máy bay tiếp dầu, đồng thời chúng cũng sẽ biến mình thành máy bay tiếp dầu để tiếp dầu cho máy bay khác khi cần thiết.

Theo CNN, Reuters, War Zone

Việt Hùng

Theo CNN, Reuters, War Zone

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiem-kich-ham-fa-18f-super-hornet-my-tiep-tuc-lao-xuong-bien-do-post611022.antd