Theo Military Watch, máy bay chiến đấu Su-35 thế hệ 4 ++ chính thức vào biên chế không quân Nga từ năm 2014, nó được thiết kế để đối đầu với lực lượng tinh nhuệ của không quân NATO, cụ thể là F-22 Raptor của Mỹ.
Tiêm kích Nga tự hào có nhiều điểm khác biệt đáng kể so với các máy bay chiến đấu tiền nhiệm, bao gồm cảm biến mới, hệ thống điện tử hàng không và chiến tranh điện tử cải tiến.
Bên cạnh đó, diện tích phản xạ radar giảm 70% nhờ ứng dụng vật liệu composite nhẹ và bền hơn, tốc độ ấn tượng và độ linh hoạt tuyệt vời nhờ động cơ AL-41F1S mạnh mẽ, đi kèm những hệ thống vũ khí mới.
Hiện nay hơn 100 chiếc Su-35 đang được biên chế trong không quân Nga, và kể từ đầu năm 2016, các máy bay chiến đấu này đã tích cực tham gia vào cuộc chiến ở Syria.
Chương trình sản xuất và bàn giao tiêm kích Su-35 được coi là rất thành công, khi các đơn hàng xuất khẩu với khối lượng hàng chục máy bay đã được ký kết với Trung Quốc và Ai Cập.
"Xét đến việc máy bay chiến đấu hạng nặng thế hệ mới Su-57 của Nga chưa được đưa vào biên chế, và các tiêm kích J-16, J-20 của Trung Quốc cũng như F-22 của Mỹ chưa có sẵn để xuất khẩu, Su-35 có thể được coi là chiến đấu cơ hiệu quả nhất trên thị trường thế giới".
"Trong những thập kỷ tới, Liên bang Nga dự kiến sẽ có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu đối với loại máy bay chiến đấu đa năng ưu việt này", các chuyên gia của tạp chí Military Watch bình luận.
Được biết Cairo có kế hoạch mua đủ Su-35 để thành lập ít nhất 3 phi đội. Tehran cũng quan tâm đến việc mua máy bay chiến đấu Nga để có thể chống lại số lượng ngày càng tăng F-22 và F-35 được Mỹ triển khai ở khu vực Vịnh Ba Tư, cũng như mối đe dọa từ Israel.
Ngoài ra New Delhi cũng đang cân nhắc việc mua Su-35, đây sẽ là "phản ứng nhanh" trước sự hiện diện của các máy bay chiến đấu J-20 và J-16 của Trung Quốc gần biên giới nước này.
Theo một số báo cáo, Algeria cũng đang có kế hoạch mua các chiến đấu cơ Su-35 và Su-34. Ethiopia với ngân sách quân sự tương đối nhỏ có khả năng đầu tư vào Su-35 hơn là Su-57, khi tiêm kích thế hệ năm đắt hơn và phức tạp trong vận hành.
Su-35 cũng được xem là sự kế thừa tự nhiên của Su-27SK trong không quân Ethiopia, các đặc điểm thiết kế chung của loại máy bay này sẽ giúp quá trình chuyển đổi sang một loại chiến đấu cơ mới diễn ra đặc biệt suôn sẻ - từ đào tạo phi công đến cơ sở hạ tầng đảm bảo kỹ thuật.
Không chỉ có vậy, theo tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên đã thể hiện sự quan tâm đến Su-35 vào năm 2015. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau đó đã ngăn cản việc bán dòng tiêm kích này cho Bình Nhưỡng.
Nhưng với việc Hàn Quốc và Nhật Bản sử dụng các phiên bản nâng cấp của F-15 và F-35A, Su-35 có thể là phương tiện tiết kiệm chi phí nhất để Triều Tiên đạt được sự cân bằng trên không nhất định.
Một hợp đồng 24 - 28 máy bay có thể được ký kết, điều này sẽ khiến Triều Tiên tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD. Liệu nước này có thể làm chủ được việc mua bán như vậy hay không phần lớn phụ thuộc vào khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Với danh sách người mua tiềm năng như trên, dễ hiểu vì sao tạp chí Military Watch lại nhận định rằng Su-35 là tiêm kích hiệu quả nhất của Nga trong việc chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Bạch dương