Nhà sản xuất tiêm kích MiG-35 của Nga đang hy vọng sẽ được Bộ Quốc phòng Serbia lựa chọn trong hợp đồng mua chiến đấu cơ chủ lực thế hệ mới của không quân nước này.
Serbia đã đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội trong thời gian qua, họ đã mua hệ thống phòng không di động Pantsir-S1 từ Nga, tên lửa đất đối không FK-3 và máy bay không người lái tấn công - trinh sát CH-92A của Trung Quốc.
Phi công Serbia rất ấn tượng trước tiêm kích MiG-35 thế hệ 4 ++ của Nga, theo nhà sản xuất Mikoyan, chiến đấu cơ thế hệ mới của họ không hề thua kém các đối thủ cùng hạng do phương Tây sản xuất.
Tuy nhiên Moskva đang dần từ bỏ dự án và nếu không sớm tìm được khách hàng, MiG-35 sẽ bị lãng quên, giống như nhiều loại vũ khí khác của Nga, hợp đồng với Serbia có thể xem là cơ hội sống sót cuối cùng đối với chiếc tiêm kích này.
Tín hiệu đáng buồn là MiG-35 có thể sẽ bị Belgrade từ chối. Lý do sẽ không phải nằm ở khả năng hoạt động hay các đặc tính kỹ chiến thuật của máy bay. Các nhà phân tích địa phương nhận xét, trở ngại chủ yếu là chính trị.
Serbia lo ngại rằng Washington sẽ áp đặt lên họ các biện pháp trừng phạt kinh tế theo luật CAATSA, nếu điều này xảy ra thì Serbia sẽ hứng chịu thiệt hại nặng nề, nhất là khi họ đang muốn gia nhập Liên minh châu Âu và cải thiện quan hệ với phương Tây.
Thậm chí ngay lúc này, Serbia đã chuyển sự chú ý sang một phương án thay thế khác. Tất nhiên đó không phải là cơ hội dành cho máy bay Mỹ, mà triển vọng thuộc về Trung Quốc với tiêm kích JF-17 Block 3.
Các nguồn tin thân cận với chính quyền Belgrade tin rằng JF-17 Block 3 sẽ không chỉ như một thỏa hiệp mà còn là giải pháp thành công cho cuộc khủng hoảng máy bay chiến đấu của Serbia. Hiện tại, không quân nước này chỉ vận hành 14 chiếc MiG-29 lỗi thời.
JF-17 Block 3 mặc dù là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 nhưng được trang bị hệ thống điện tử hàng không và vũ khí của tiêm kích thế hệ 5. Chi phí hoạt động của chiếc phi cơ khá thấp và điều này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định.
Các chuyên gia Serbia bình luận rằng trong trường hợp có thể xảy ra các cuộc tấn công đường không kéo dài, tiêm kích Trung Quốc là phương án tối ưu bởi khung máy bay JF-17 có khả năng duy trì mức độ sẵn sàng cao. Việc bảo dưỡng cũng được giữ ở mức tối thiểu.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, giới chuyên gia cho rằng nếu Serbia mua JF-17, họ sẽ nhận được chiếc tiêm kích với đầy đủ vũ khí trang bị. Tức là Belgrade sẽ lập tức sở hữu các tên lửa không đối không cao cấp.
Một lợi thế nổi bật nữa đó là JF-17 và MiG-29 sử dụng cùng loại động cơ RD-93 do Nga chế tạo. Tức là Belgrade có thể quyết định không cho nghỉ hưu phi đội MiG-29 mà tăng cường thêm các máy bay JF-17.
Mặc dù vậy, điều này có nghĩa là ngân sách quốc phòng của Serbia sẽ yêu cầu phải tăng lên nhiều hơn dự kiến, bởi vì MiG-29 sẽ cần được hiện đại hóa rất nhiều hạng mục và nội dung khá phức tạp cũng như tốn kém.
Trong thời gian trước mắt, nhà sản xuất Mikoyan của Nga có lẽ sẽ phải tìm cách vận động qua chính phủ, hoặc đưa ra gói ưu đãi cực kỳ hấp dẫn mới có thể giúp MiG-35 nắm bắt được "cơ hội sống sót" cuối cùng, khi phải cạnh tranh với đối thủ JF-17 rất nặng ký.
Bạch Dương