Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Thụy Điển mặc dù vẫn duy trì chính sách trung lập nhưng họ cho rằng, nếu xung đột quân sự nổ ra thì đối thủ chính là Liên Xô, bởi vậy tiêm kích Saab 35 Draken đã được chế tạo.
Không quân Thụy Điển đã thấy trước nhu cầu về một chiến đấu cơ phản lực có thể đánh chặn máy bay ném bom ở độ cao lớn, đồng thời đủ sức giao tranh với tiêm kích của Liên Xô.
Sự phát triển của loại máy bay tiêm kích đánh chặn như vậy bắt đầu tại Thụy Điển ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, và nó là một bước tiến nhảy vọt trong công nghệ hàng không.
Các kỹ sư tại Saab đã có một ý tưởng cấp tiến cho một loại máy bay chiến đấu phản lực siêu thanh hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết mới, bản thiết kế của họ sau này được hoàn thiện và trở thành Saab 35 Draken.
Kỹ sư hàng không Erik Bratt, cùng với đội ngũ hơn 500 kỹ thuật viên, đã nảy ra ý tưởng về hình dạng cánh "delta kép" độc đáo sau khi nghiên cứu các mô hình thiết kế khác nhau lúc bấy giờ.
Đó là một ý tưởng cấp tiến và Draken - có nghĩa là “rồng” nhưng thực sự được hiểu là “cánh diều” bởi hình dạng của đôi cánh - đây là chiếc máy bay đầu tiên sử dụng thành công thiết kế cánh tam giác kép.
Có thể nhận ra là đôi cánh lớn hình tam giác, rộng nhất ở phía sau và thuôn về phía trong gần mũi máy bay hơn, thiết kế kiểu này được nhận xét mang lại rất nhiều lợi ích.
Thứ nhất là cánh delta có thể tích bên trong cho nhiên liệu nhiều hơn cánh thông thường, và cũng có thể chắc chắn hơn về mặt cấu trúc so với các máy bay sử dụng cánh xuôi thông thường.
Đối với Bratt và nhóm của ông, thiết kế cánh delta kép có vẻ đầy hứa hẹn, và sau 3 năm nghiên cứu chuyên sâu, Saab-210 - một máy bay thử nghiệm quy mô nhỏ có biệt danh không chính thức là “Lilldraken” hoặc “cánh diều nhỏ” đã ra mắt vào năm 1952.
Chiếc phi cơ này đi tiên phong trong dạng cánh tam giác kép vẫn còn độc đáo của Saab. Những nguyên mẫu như vậy là cần thiết trong thời đại trước khi có thiết kế hỗ trợ máy tính (CAD) và các phần mềm mô phỏng bay tiên tiến.
Nguyên mẫu Saab-35A cất cánh lần đầu vào ngày 25/10 /1955 và J35A trở thành mẫu sản xuất ban đầu. Do thiết kế không đuôi chưa được kiểm chứng trong lịch sử, chiếc máy bay đã gặp phải một số vấn đề khi bắt đầu phục vụ.
Tuy nhiên các phi công đã được đào tạo để ngăn điều bất lợi xảy ra, và trong quá trình đào tạo người lái nâng cao đã xuất hiện cái gọi là "động tác thao diễn rắn hổ mang".
Cụ thể, khi máy bay đang bay với tốc độ vừa phải có thể đột ngột nâng mũi lên theo phương thẳng đứng, chiếc tiêm kích dừng trong giây lát, trước khi thực hiện bổ nhào phần mũi rồi hạ xuống vị trí bình thường.
Hiện nay nó được coi là một trong những động tác thao diễn đòi hỏi nhiều kỹ năng nhất, thường chỉ được trình diễn tại các triển lãm hàng không, động tác này vẫn bị nhiều người lầm tưởng là do phi công Pugachev phát minh ra trên chiếc Su-27.
Trong Chiến tranh Lạnh , Saab 35 đã chứng tỏ là một tiêm kích đánh chặn siêu thanh hiệu quả và có khả năng không chiến. Nó là một trong những chiến đấu cơ đầu tiên do Tây Âu chế tạo có tốc độ bay trên Mach 2.
Ngoài phục vụ Không quân Thụy Điển, "Rồng sắt" Saab 35 Draken sau đó còn được xuất khẩu sang các quốc gia lân cận như Phần Lan, Áo và Đan Mạch.
Máy bay đã trải qua một loạt các nâng cấp và có tổng cộng 651 chiếc được sản xuất. Chiếc Saab 35 Draken cuối cùng phục vụ Không quân Áo chỉ được cho nghỉ hưu vào năm 2005 - một minh chứng cho thiết kế và khả năng hiệu quả của nó.
Mặc dù chiếc Saab 35 chưa từng tham chiến thực tế, nhưng nó đã hoạt động tốt trong vai trò đánh chặn máy bay ném bom và tiêm kích của Liên Xô cùng thời. Moskva từng đặc biệt lo ngại chiếc chiến đấu cơ này của Thụy Điển, họ đánh giá nó cao hơn nhiều sản phẩm do Mỹ hay các nước NATO chế tạo.
Bạch Dương